Chú chồng sang chúc Tết buông lời kích bác nàng dâu, cô chỉ nói lại vài lời khiến ông uất ức mà không làm gì được

24/02/2021 21:30:04

Bầu bì đến gần lúc sinh con nên chị An mệt, không muốn ăn cơm. Tuy nhiên, nằm trong phòng, nghe ông chú họ vừa ăn cơm bên ngoài, vừa buông lời kích bác mẹ chồng "không bảo được nàng dâu" khiến chị An không chịu nổi mà phải đi ra ngoài đối đáp.

 

Chị An (Hải Phòng) kể, hôm nhà chồng hóa vàng thì chồng chị mời mấy người bạn học đến nhà ăn uống, trong đó có một người cùng học, nhưng lại ở vai ông chú trong họ. Vì là ngày Tết, lại bầu bí sắp sinh nên chị An vừa ăn no lúc 12 giờ trưa, lại tiếp khách buổi chiều và ăn vặt nên tới bữa thì chỉ sắp được mâm bát, giúp mẹ chồng soạn cơm nước rồi vào nghỉ vì "vẫn no bụng và khó chịu". Tới bữa mẹ chồng vẫn í ới gọi chị ra ăn cơm, chị đã xin phép vì "Tết nhất đói lúc nào sẽ ăn lúc đó, mời mẹ với mọi người cứ ăn đi". 

Bữa cơm gần tàn cuộc thì ông chú sai cô cháu gái vào gọi chị ra ăn cơm lần nữa. Đang ngủ lại bị gọi dậy chị An bảo đang đau lưng và vẫn no bụng, không ăn được nữa. Không hiểu ông chú rượu vào lời ra thế nào mà bắt đầu nói kiểu cà khịa:

- Tôi chưa thấy nhà nào nàng dâu để mẹ chồng vào tận nơi gọi ra ăn cơm, rồi cháu vào gọi cũng không ra. Vợ tôi lấy về hơn 10 năm rồi chưa bao giờ mẹ tôi phải gọi như chị. Còn thằng cháu kia giờ có gọi được vợ dậy dọn mâm bát không? 

Nằm trong nhà chị nghe chồng đáp:

- Bảo thì bảo được, nhưng vợ cháu sắp sinh rồi. Bình thường thì vợ vẫn dọn bát đũa, nhưng giờ các cháu đầy nhà, không dọn thì cháu dọn mà.

- A, vậy là mày không bảo được vợ chứ gì? Mẹ tao xưa cũng mang bầu, mẹ mày cũng phải mang bầu... riêng gì vợ mày. Nhưng có ai như vợ mày không?

Ông chú nói đi nói lại có ý kích chồng bắt chị An phải ra dọn mâm bát. May mẹ chồng là người hiểu chuyện nên nói đỡ, chồng cũng gạt đi nên chị An ở trong buồng nín nhịn. Nhưng rồi chị phải đi vệ sinh, chồng nhắc thấy vợ đã ra hiệu cho chị vào nghỉ để anh tự giải quyết.

Chú chồng sang chúc Tết buông lời kích bác nàng dâu, cô chỉ nói lại vài lời khiến ông uất ức mà không làm gì được
Chị quyết định "xử đẹp" ông chú chuyện dọn mâm bát. Ảnh minh họa.

Chị lẳng lặng vào buồng, nhưng vẫn nghe ông chú khích bác để buộc chị ra dọn mâm bát khiến chị cũng bực mình vì đang đau bại một bên hông, ngồi cũng không được, trong khi con cháu đầy nhà mà cứ bắt nàng dâu phải ra dọn. Đã thế ông chú còn cứ lải nhải, mang chuyện nhà sang áp đặt bên nhà mình. Thế là chị An quyết định đi ra chào hỏi ông chú và mọi người. Chồng chị thấy vợ ra thì vội giơ tay ra hiệu "đừng nói gì", nhưng chị đã quyết rồi nên nói:

- Cháu nằm trong buồng cũng nghe chú nói từ nãy đến giờ rồi. Cháu có mấy lời muốn nói.

- Được. Trước hết cứ dọn đi đã rồi ngồi nói chuyện.

- Cháu ra đây không phải để dọn, cháu mệt đến ăn còn không được thì dọn cái gì? Mâm bát không có cháu thì có người khác rửa...

Ông chú vội cướp lời: 

- Chú từng này tuổi đầu chưa thấy nhà nào mà mẹ chồng phải vào tận nơi gọi con dâu ra ăn cơm. Mẹ chú tuổi cao cũng chưa bao giờ phải gọi vợ chú như thế. Cháu thì không được làm như thế.

Chị An đáp:

- Mỗi nhà mỗi cảnh. Mẹ chồng gọi ra ăn cơm nhiều lần là do sợ nàng dâu bầu bí không ăn thì tụt huyết áp, nhưng cháu đã nói là "đói thì sẽ ăn sau". Chú bằng tuổi chồng cháu, là bạn học nữa nên ăn uống nhậu nhẹt xã giao thoải mái. Chồng cháu mời chú đến ăn uống thì chú chỉ ăn uống, trò chuyện. Còn gia đình cháu sống với nhau như thế nào thì là việc của nhà cháu. Chú bằng vai với mẹ chồng nên cháu lễ phép thưa gửi, nhưng chú không thể áp đặt gia quy nhà chú vào nhà cháu. Cơm nước xong ai dọn không phải việc của chú. Chú nên xem lại mình và gia đình mình cách đối xử với con dâu. Sao chú không lấy mẹ chồng cháu làm gương mà lại bắt mẹ cháu lấy mẹ chú làm gương? 

- Cháu nói đúng. Nhưng mà cháu làm dâu...

- Cháu làm dâu thì sao? Cháu đau mệt thì chồng làm thay cháu. Vợ chú ốm cũng phải nghỉ ngơi, nếu ốm mà phải lết dậy làm trong khi chồng con đang khỏe mạnh thì đó là phước của thím ấy chưa có. Lần trước chú đã yêu cầu mẹ cháu, chồng cháu bắt con dâu phải làm này làm kia, lần này lại thế nữa thì không nên, vì đó là thọc mạch chuyện nhà người khác. Là người lớn, sống ở xã hội văn minh thì cũng nên học cách văn minh hơn. 

Nói rồi chị An xin phép vào nghỉ ngơi tiếp. Mẹ chồng và chồng chị An giả vờ mải làm việc khác và không nói gì. Ông chú không có ai "bênh vực" nên tức quá tợp nốt ngụm nước chè rồi cáo về. Đêm nằm ôm chồng, chị An bảo:

- Chọn bạn mà chơi, thân ít thôi. Hôm nay bạn đến nhà bảo anh cách dạy vợ, ngày mai bạn lại kích cho về đánh vợ nữa... thì rồi nhà cửa tan nát. 

Theo Ngọc Hà (Gia Đình & Xã Hội)