Cuộc sống luôn đầy rẫy những khó khăn và biến cố bất ngờ ập đến. Những lúc như thế, con người ta cần hơn bao giờ hết vợ/chồng có thể thấu hiểu, chia sẻ và làm chỗ dựa cho họ. Nhưng đôi khi, vào những lúc khó khăn nhất lại đồng thời là lúc họ đối mặt với sự lạnh nhạt, thờ ơ và thái độ quay lưng từ người bạn đời.
Tú (31 tuổi) từng là chủ một cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ ở Hà Nội nhưng thu nhập khá tốt, đủ sức lo cho cả gia đình anh gồm hai vợ chồng và cậu con trai đầu lòng. Tuy nhiên, anh mới thất nghiệp nửa tháng nay vì làm ăn thua lỗ.
"Tôi về nhà làm người chồng nội trợ, đưa đón con đi học, vợ đi làm cáng đáng cả gia đình. Nhưng cũng từ lúc ấy, cách cư xử của vợ với tôi cũng thay đổi 180 độ", Tú nói.
Anh kể, mỗi sáng cô phát cho anh đúng 70 nghìn để anh ăn sáng, ăn trưa và mua thực phẩm nấu nướng bữa tối cho cả nhà. Dầu, gạo, mắm muối... nhà anh thường mua một lần dùng trong thời gian dài. Nhưng Tú ra chợ vẫn không biết mua gì để nấu được mâm cơm tạm gọi là tươm tất khi mà từng ấy tiền có khi chỉ đủ anh ăn bữa sáng với uống cốc cafe.
Không những keo kiệt trong chuyện tiền nong, vợ Tú còn bày ra thái độ coi thường, trịch thượng với chồng thấy rõ. Cô thường xuyên cằn nhằn anh chuyện nhà cửa, con cái, trách chồng ở nhà chơi mà không làm gì nên hồn, chẳng hề biết tính toán chi tiêu để gia đình có bữa cơm ngon lành và tiết kiệm. Mắng mỏ và chê bai chồng thành phản xạ vô điều kiện của cô, chẳng lúc nào thấy cô nở được nụ cười và nói với anh câu nói dịu dàng, ngọt ngào.
"Ăn tối xong tôi phải rửa dọn, giặt giũ quần áo còn cô ấy bế con đi chơi. Tôi sâu sắc cảm nhận cảnh không có tiền tủi nhục thế nào, chẳng khác gì 'chui gầm chạn' vậy", Tú cho biết.
Tròn 2 tuần sau, Tú không chịu đựng nổi nữa, vô cùng thất vọng và phẫn nộ trước sự "lật mặt" của vợ. Anh quyết định nói chuyện thẳng thắn với cô, không thể chung sống tiếp khi vợ khinh chồng, nhìn chồng bằng nửa con mắt. Nếu cô hết tình nghĩa với chồng rồi thì tốt nhất 2 người hãy ly hôn để giải thoát cho nhau.
Trong đầu Tú đã mường tượng về phản ứng của vợ nhưng lại không nghĩ đến cô rất đủng đỉnh, cười trả lời anh: "Mới có 2 tuần mà anh đã không thể chịu nổi, vậy trước đây em sống trong hoàn cảnh ấy 2 năm trời, hẳn em là siêu nhân rồi nhỉ?".
Tú nghe vậy mới giật mình và bàng hoàng nhớ ra, hồi sinh con cô đã ở nhà 2 năm, chỉ có mình anh đi làm nuôi cả nhà. Anh đã đối xử với cô thế nào ư? Kể ra thì thật sự dài lắm nhưng có thể nhận định một điều, sự quá đáng của anh chỉ có hơn chứ không hề kém vợ lúc này.
"Không phải em muốn trả đũa anh đâu. Em chỉ hy vọng anh có thể sâu sắc cảm nhận những tư vị em từng phải trải qua thôi. Cực kỳ khó chịu đúng không anh? Vậy nên em mong rằng, từ giờ cho tới hết đời chúng mình đều không để đối phương phải chịu đựng điều đó thêm một lần nào nữa. Dù có khó khăn hay suôn sẻ, giàu sang hay nghèo hèn, em luôn mong vợ chồng mình có thể mãi sát cánh bên nhau", cô mỉm cười nói với chồng.
Nhiều người vợ vì hoàn cảnh bắt buộc mà trong thời gian chăm con nhỏ họ không thể đi làm, kinh tế gia đình lúc ấy đều do chồng họ gánh vác. Dù ở nhà chăm sóc con và hàng trăm thứ việc không tên khác nhưng họ vẫn bị mang tiếng "ăn bám", phải chịu đựng sự đối xử lạnh lùng, khinh thường của người chồng. Vợ Tú là một trong số đó và anh sẽ không bao giờ hiểu được tâm trạng, suy nghĩ của cô nếu như không một lần thực sự đứng vào vị trí của vợ.
Tú vừa hổ thẹn vì những lỗi lầm trong quá khứ và sự nông cạn, ích kỷ của bản thân. Đồng thời anh vô cùng cảm động trước sự bao dung và những lời tha thiết của vợ. Cô nói đúng, cuộc đời dài lắm, đâu phải ai cũng thuận lợi và khỏe mạnh mãi. Và vợ chồng chính là người cần phải ở bên nhau những lúc sa cơ, thất thế như thế. Để rồi vượt qua sóng gió, tình nghĩa lại càng thêm đong đầy.
Theo An Du (Trí Thức Trẻ)