Trong quãng đường hôn nhân sẽ có những lúc người phụ nữ cần chồng che chở và bảo vệ. Khi họ mang thai và sinh con, ấy là khoảng thời gian khó khăn vất vả cần nhất sự cảm thông và yêu thương từ người đàn ông.
Quan niệm “vợ ăn bám là phải biết điều”
Linh (27 tuổi) tâm sự sau khi biết cô mang thai thì sếp thẳng thừng cho cô nghỉ việc. Linh đành chấp nhận không còn cách nào khác.
“Kết hôn được hơn một năm thì tôi có bầu. Khi biết tin vợ nghỉ việc, chồng tôi rất bực bội”, Linh kể.
Quân - chồng Linh luôn có suy nghĩ phụ nữ phải đi làm kiếm tiền, đừng trông chờ và dựa dẫm vào chồng nuôi. Quân thấy nhiều người khác dù mang thai, sinh con nhưng vẫn kiếm ra nhiều tiền, bên cạnh đó còn chăm lo gia đình chu đáo. Mỗi khi về nhà nhìn thấy cô vợ bất tài vô dụng, anh càng bất mãn.
Phụ nữ trên thế giới này đều sinh con, đâu phải mình Linh mang thai? Các bà các cô ngày xưa thậm chí còn làm việc tới lúc trở dạ đau đẻ. Đó chính là suy nghĩ của Quân. Trước đây anh kết hôn với Linh cũng vì thấy cô độc lập, chăm chỉ. Ngờ đâu lúc này cô lại vin vào cái cớ mang bầu để lười biếng và ỷ lại chồng.
Khổ nỗi Linh đang mang thai, muốn xin việc mới cũng rất khó. Tức tối và khó chịu, Quân cho rằng nếu vợ ở nhà ăn bám thì phải thật ngoan ngoãn, biết điều. Chồng nói gì cô đều phải nghe không được cãi lại nửa câu, bị mắng mỏ cũng phải chấp nhận.
“Lúc ấy đang bụng mang dạ chửa, tôi không có chỗ để đi. Lại không muốn bố mẹ phải lo lắng, suy nghĩ nên chỉ còn cách duy nhất là cố gắng nín nhịn cho nhà cửa được êm ấm…”, Linh nói.
Một mình làm đám giỗ vẫn bị chê lười và sự xuất hiện của người đặc biệt
Hiện tại Linh đã mang thai được 7 tháng. Hôm vừa rồi gia đình nhà chồng cô có đám giỗ. Mẹ chồng Linh đau yếu quanh năm, mọi công việc trong nhà đều giao cho cô phụ trách. Đám giỗ không mở rộng, chỉ làm 2 mâm cơm nên mình Linh lo liệu được.
“Tuy có 2 mâm cơm nhưng một người làm cũng rất mất thời gian. Hôm đó tôi phải dậy từ 4 giờ ngâm gạo đồ xôi và chuẩn bị mọi nguyên liệu cho các món ăn. Đêm hôm trước lại khó ngủ vì bị chuột rút, tới 9 giờ sáng thì gia đình chị chồng và em chồng tôi mới đến”, Linh cho hay.
Mọi người trên nhà uống nước trò chuyện, chỉ có mình Linh trong bếp. Quân chưa thấy mâm cỗ được bưng lên thì bực bội vào quát vợ:
“Giờ này là lúc nào mà cô còn gọi điện buôn chuyện? Bình thường cô ở nhà sướng như tiên, chẳng phải làm gì, có sẵn người nuôi. Cả năm một ngày giỗ mà bây giờ cô còn lười biếng. Đừng được đà lấn tới, nửa năm qua tôi ngứa mắt cô lắm rồi đấy. Không phải vì đứa con thì tôi đã trả về cho bố mẹ cô rồi! Đi lấy chồng gần 30 tuổi rồi còn phải để người khác nuôi! Đây là tôi tử tế, chứ lấy người khác thì không có chuyện ngon lành như thế đâu!”.
Linh vội vàng cúp máy rồi dọn mâm cỗ lên. Gần 1 tiếng sau, bố đẻ cô đột ngột xuất hiện. Ông cất tiếng khiến tất cả sững sờ, đặc biệt Quân tái mét mặt:
“Tôi đến để đón con gái tôi về. Nó đang mang thai, mất việc là điều ngoài ý muốn, lúc này chồng phải có trách nhiệm lo cho vợ con đầy đủ. Vậy mà con tôi lại phải sống khổ sở hơn cả người giúp việc. Con gái tôi nuôi lớn không phải để chịu đựng những điều vô lý và quá đáng ấy!”.
Hóa ra bố Linh đã nghe được những lời Quân nói lúc trước. Cô đã che lại điện thoại, chắc hẳn vì giọng nói của Quân quá lớn. Ông vừa dứt lời, Linh lập tức không kìm được nước mắt. Nếu ông đã biết thì cô cũng không giấu giếm nữa. Linh đi thu dọn đồ đạc rồi theo bố về nhà. Phụ nữ mang thai đã căng thẳng và mệt mỏi, cô không thể chịu đựng tiếp những vất vả và cả áp lực về tinh thần khi sống với Quân nữa.
“Sau một tuần thì chồng sang xin lỗi nhưng tôi chưa chấp nhận. Việc quan trọng trước mắt là tôi phải sinh con ra khỏe mạnh. Về phía chồng, nếu anh ấy thay đổi suy nghĩ, quan niệm thì tôi sẽ tha thứ. Còn không cũng chỉ có ly hôn vì bên nhau lúc thuận lợi thì dễ, chung hoạn nạn lại chẳng được...", Linh bày tỏ.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)