Lấy chồng phải chuyên tâm chăm lo, vun vén việc nhà chồng, đấy là nhiệm vụ bất khả kháng của bất cứ cô gái nào bước chân đi làm dâu. Tất nhiên phụ nữ vui vẻ đón nhận trọng trách ấy với điều kiện ngược lại, nhà ngoại cũng được chồng quan tâm, để ý tới.
Nếu đàn ông sống qua vô tâm, nhất bên trọng nhất bên khinh với nhà vợ sẽ khiến phụ nữ bất bình, tới 1 lúc họ không nhẫn nhịn được nữa, mâu thuẫn vợ chồng xảy ra là khó tránh khỏi. Giống như câu chuyện mới được chia sẻ trên mạng xã hội dưới đây.
Câu chuyện của cô như sau: "Chồng em là trưởng nên cảnh làm dâu của em cũng vất vả lắm. Đã vậy tính chồng em còn bảo thủ nên sau cưới, em ít khi được về ngoại, dù rằng nội ngoại cách nhau chưa đầy 20 cây số. Tính trung bình phải 2 tháng em mới được về qua nhà 1 lần, đặc biệt không bao giờ được ngủ lại nhà ngoại, kể cả Tết. Năm nào cũng sáng mùng 3 về, chiều tối lại đi luôn. Nhiều khi em thèm cảm giác được ngủ 1 đêm ở nhà đẻ mà hễ xin là chồng lại hằn học khó chịu.
Hôm 26, anh trai chị dâu em về nên bên ngoại gọi điện sang bảo vợ chồng em 28 về ăn tất niên. Chồng em vin lý do bận không sang, thực ra là anh ấy lười đi. Có điều, anh ấy không muốn sang thì thôi nhưng lại không thích cho vợ con về. Anh ấy còn bóng gió trách móc bố mẹ em, ý bảo họ gả con gái đi rồi còn không biết ý, cứ chèo kéo con về ngoại.
Nghe giọng lão ấy em ức không chịu được. Cảm giác quá ngang ngược, không phân biệt lý lẽ nhưng biết tính chồng rồi, có cãi nhau lắm cũng chỉ đến thế nên em không buồn đáp lại. Đợi tối ngồi ăn cơm, trước mặt bố mẹ chồng em cố tình hỏi chuyện tất niên năm nay. Đúng như dự đoán, bà bảo em là chủ động gọi cho em chồng xem hôm nào vợ chồng cô chú ấy được nghỉ thì xếp sắp sang bên này làm tất niên cho vui.
Đợi mẹ chồng nói câu đó, em vờ ngần ngừ: 'Vầng, thực ra con cũng định gọi cho vợ chồng cô chú ấy sớm nhưng tại chiều qua, bố mẹ con bên nhà gọi điện sang bảo chúng con về bên ngoại làm tất niên, chồng con lại bảo ghét nhất kiểu phụ nữ lấy chồng chỉ lo việc nhà đẻ, không lo việc nhà chồng. Anh ấy còn trách ngược cả bố mẹ con rằng họ không để con gái yên phận bên nhà chồng. Thành ra con cũng chưa dám gọi cho cô út, sợ chú ấy cũng nghĩ như chồng con. Như thế tự nhiên con lại làm khó cô ấy. Con tính để tối mẹ về, con hỏi ý mẹ xem thế nào'.
Đúng như em nghĩ, mẹ chồng nghe em nói, bà hiểu ý ngay nên đặt đũa xuống mâm nhìn con trai trách: 'Con bỏ ngay cái kiểu gia trưởng, suy nghĩ bảo thủ ấy đi nhé. Đã là vợ chồng, nội ngoại phải như nhau. Không có kiểu phân biệt bên này bên kia như thế. Mẹ mong con gái con rể về quây quần đón Tết thế nào thì bố mẹ vợ con cũng mong con gái, con rể như thế đó'.
Bà giáo huấn con trai 1 lúc lâu, bắt anh ấy hôm sau phải đưa em về ngoại sớm cùng mọi người làm cơm cho đầm ấm, quây quần. Lão ấy bực em, về phòng vẫn bảo em ghê gớm, dám mượn em chồng ra dằn mặt chồng, lấy mẹ chồng làm lá chắn. Em cười đáp: 'Anh cứ nhìn đó, mẹ anh mong con rể đối đão với nhà bà như thế nào thì bố mẹ em cũng thế. Anh liệu mà ăn ở'. Thế là chồng em tịt luôn, không đôi co thêm lời nào nữa".
Cuộc sống luôn phải có sự trao đổi qua lại, ngay cả hôn nhân cũng vậy, nếu một người lùi mà người kia cứ tiến thì đôi bên sẽ chẳng thể duy trì được sự hòa thuận. Bởi chẳng ai có thể dùng cả đời để nhịn nhục một người không biết lí lẽ, dù rằng người ấy có bao dung, nhẫn lại tới mức nào. Ngược lại, nếu vợ chồng biết cùng lùi, cùng tiến, biết đặt mình vào lập trường của đối phương mà suy nghĩ thì đảm bảo cuộc sống gia đình sẽ luôn hòa thuận, tình cảm gắn kết. Hi vọng, cánh mày râu đều hiểu điều này để biết đặt mình vào vị trí của vợ mà hiểu thấu suy nghĩ trong lòng cô ấy.
Theo Hải Hương (Pháp Luật và Bạn Đọc)