Khi chồng ích kỷ chỉ biết tới bản thân, liên tục đưa ra những lời chỉ trích thiếu công bằng với vợ thì dù có bao dung, nhẫn nại tới mấy cũng sẽ tới lúc họ "bật dậy". Bởi vốn dĩ sức chịu đựng của mỗi người đều có giới hạn nhất định.
Một cô trẻ có tên K.L vì quá bức xúc với chồng đã lên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện của mình. L. kể: "Em làm văn phòng, lương được 7 triệu. Thu nhập của em đúng là thấp nhưng đổi lại có thời gian chăm con cái gia đình.
Thực ra em cũng có không ít cơ hội đổi việc với mức lương cao hơn nhưng nghĩ chồng đã đi tối ngày, bản thân em cũng chạy theo tiền mà bỏ mặc con cái thì thiệt thòi cho chúng quá. Vì nghĩ như thế mà em đành chấp nhận lui lại phía sau chăm lo tổ ấm để chồng có thể chuyên tâm cho sự nghiệp.
Buồn rằng chồng em lại không nhìn thấy sự hi sinh của vợ. Anh chỉ thấy vợ lương thấp hơn lương mình nên tự cho bản thân quyền được coi thường, chỉ trích em. Mọi công việc trong nhà từ nội trợ, chăm con tới đối nội đối ngoại em phải gánh hết. Chồng em mặc nhiên coi đó là trách nhiệm của vợ vì kiếm ra ít tiền hơn chồng".
L. kể rằng cũng bởi chồng cô sống quá ích kỷ với vợ nên trong gia đình, vợ chồng cô thường không thể tìm thấy tiếng nói chung. Anh sống áp đặt, bắt vợ phải nghe theo ý của mình. Mệt mỏi hơn cả là anh suốt ngày mang đồng tiền ra làm "cán cân quyền lực" để coi thường vợ khiến mâu thuẫn hôn nhân giữa 2 người ngày càng lớn.
"Nếu em hoàn thành chuẩn chỉnh mọi việc theo ý chồng thì không sao. Hôm nào mà anh đi làm về chưa có cơm ăn hoặc nhà cửa bừa bộn, vợ chưa kịp dọn là kiểu gì chồng em cũng quát tháo mắng vợ. Nhiều khi thấy chồng bất công quá, em ức chế nói lại rằng bản thân cũng đi làm như anh mà tại sao lúc nào anh cũng đòi hỏi, hạch sách vợ như thế. Tuy nhiên ngay lâp tức chồng em sẽ trợn mắt quát vợ: 'Cô đi làm lương không bằng người ta đi giúp việc mà cũng cậy đi làm à?'.
Thứ 6 tuần trước, công ty em họp đột xuất cuối ngày, 7h tối em mới về tới nhà lo nấu bữa tối. Anh đi làm về chưa thấy vợ nấu nướng xong liền mắng: 'Tôi bảo rồi, lương cô không bằng lương giúp việc, tốt nhất phải tự cân đối giữa việc nhà với việc công ty không thì nghỉ việc đi. Kiểu đâu đi làm lương 3 cọc 3 đồng mà việc nhà không lo xong. Đúng là ăn hại.
Nghe tới đây, em thật sự hết nhịn nổi nên bỏ luôn đôi đũa nấu ăn trên tay xuống rồi quay ra nói chuyện nghiêm túc với chồng: 'Nếu anh đã thích so sánh lương vợ với lương giúp việc thì để tôi so cho anh thấy. Giúp việc người ta làm thuê còn có ngày nghỉ, chứ tôi làm vợ anh 1 năm 365 ngày không được nghỉ ngày nào. Tôi đi làm ngày 8 tiếng như anh nhưng về lại kiêm hết công việc của 1 người giúp việc, chăm sóc phục vụ chồng con như 1 cái máy, còn khổ hơn đi làm thuê mà lại không được tính công. Anh thử thẳng thắn mà tính công sức của tôi xem gộp hết lại đã vượt quá lương anh chưa.
Nếu anh thấy việc tôi làm vẫn nhàn hạ thì chúng ta đổi vai. Từ ngày mai anh lo chăm sóc gia đình, chăm dạy con học, không cần lo kinh tế. Tôi đảm bảo sẽ kiếm tiền bằng hoặc hơn anh".
Nói xong em về phòng nằm với con tuyên bố không nấu nướng gì nữa. 2 con em ăn no cháo rồi, em thì ngậm cục tức cũng quên luôn cảm giác đói. Từ hôm sau đúng như những gì đã giào kèo, em đi làm, sáng đi sớm, tối về muộn cho chồng tự lo liệu mọi việc. Được đúng 1 tuần, anh vội vàng gọi vợ ra nói chuyện nhận sai để ai về vị trí của người ấy".
Khi kết hôn, phụ nữ thường nỗ lực cố gắng thậm chí là làm gấp đôi sức mình để chăm sóc cho tổ ấm gia đình. Vậy nên khi công sức bỏ ra không được chồng đền đáp, ngược lại còn bị chỉ trích, phê phán 1 cách vô lý tất nhiên sẽ chẳng một người vợ nào có thể chấp nhận cam chịu được mãi, "tức nước vỡ bờ" là điều sớm muộn sẽ xảy ra mà thôi.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)