Trên báo VnExpress, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết đơn vị này vừa cấp cứu thành công một bệnh nhi 5 tháng tuổi (H.Ba Chẽ, Quảng Ninh) bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin.
Trước đó, sau khi được nhỏ thuốc nhỏ mũi Naphazolin bệnh nhi có biểu hiện lơ mơ, da tái và lạnh, vã mồ hôi, nhịp tim chậm, bỏ bú nên được đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, bệnh nhi đã được hỗ trợ hô hấp, truyền dịch và các thuốc điều trị theo phác đồ. Hiện tại, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn ổn định.
Trên báo Thanh Niên, theo bác sĩ Dương Văn Linh, Trưởng Khoa Khám bệnh - Cấp cứu lưu, ngộ độc (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh), thuốc nhỏ mũi Naphazolin là loại ngộ độc thường gặp ở trẻ em, hay gặp nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Đây là thuốc nhóm giao cảm, hấp thu qua niêm mạc mũi, đặc biệt ở trẻ nhỏ sẽ gây các triệu chứng ngộ độc toàn thân, có thể dẫn đến ngừng thở, ngừng tim.
Ngoài ra, các phụ huynh cũng lưu ý khi sử dụng các thuốc nhỏ mũi khác có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ em như: Fenoxazolin, Oxymetazolin và Tetrahydrozin.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không sử dụng các thuốc nhỏ mũi Naphazolin ở trẻ dưới 6 tuổi. Những trẻ lớn hơn 6 tuổi và các thuốc nhỏ mũi khác sử dụng phải được bác sĩ kê đơn.
Bác sĩ Dương Văn Linh cũng khuyến cáo cha mẹ không nên dùng thuốc liên tục và nhiều lần một ngày với bệnh nhi để tránh xung huyết trở nặng. Khi dùng Naphazolin trong vòng 3 ngày mà tình trạng bệnh không cải thiện, cần ngừng sử dụng và sớm đưa trẻ đi khám.
Dấu hiệu ngộ độc Naphazolin
Naphazolin có tác dụng làm co mạch ở niêm mạc mũi nhanh, kéo dài nên giảm xung huyết, phù nề khi nhỏ hoặc xịt. Tuy nhiên, sử dụng thuốc không đúng chỉ định, dùng quá liều hoặc uống nhầm thuốc có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương hoặc ngộ độc, thường xuất hiện sau dùng thuốc từ 30 phút đến một giờ.
Các dấu hiệu ngộ độc điển hình như chóng mặt, đau đầu (ở trẻ lớn), buồn ngủ, lừ đừ, buồn nôn, nôn, da tái xanh, thở không đều, khó thở, hạ thân nhiệt, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh; thậm chí hôn mê và những tai biến nghiêm trọng khác nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cách vệ sinh mũi họng cho trẻ:
- Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm làm mềm gỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để gỉ mũi mềm và bong ra.
- Nếu dịch mũi quá nhiều và đặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ.
- Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau mũi, dãi cho trẻ, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi khuẩn/virus vẫn bám lại trên khăn.
- Có thể dùng thuốc co mạch; thuốc kháng sinh và hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
PN (Nguoiduatin.vn)