Phụ huynh nháo nhào mua thuốc kháng virus cho trẻ mắc Covid-19 uống, đừng tốn tiền rước hoạ!

14/02/2022 15:19:21

Trẻ nhỏ nhiễm COVID-19 tại Hà Nội ngày một nhiều lên, nhiều phụ huynh tại Hà Nội đang tích trữ thuốc và sử dụng tùy tiện cho con. Trong khi đây là đối tượng dễ bị tổn thương đến sức khỏe nếu sử dụng thuốc không đúng cách.

Liên tiếp những ngày gần đây số lượng trẻ bị nhiễm Covid ngày một nhiều lên. Bệnh có tính chất gia đình, trẻ hay chơi với nhau nên có những gia đình đến 3- 4 con nhỏ đều mắc.

 

Trước sự gia tăng mắc bệnh ở trẻ, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, tự đi mua thuốc dự phòng, hoặc cho con uống nếu chẳng may con mắc bệnh. Trong hoá đơn mua thuốc, không ít mẹ có thêm loại thuốc được cho là kháng virus có chữ Nga.

Trên báo Infonet, chị M. A (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) lo lắng cho biết, đi mua thuốc tại cửa hàng thuốc gần nhà và được bán cho hộp thuốc kháng virus có chữ Nga. Theo chia sẻ, dù vẫn mua về nhưng chị M.A đã cẩn thận hỏi bác sĩ chuyên khoa Nhi về loại thuốc này và đã được giải đáp cặn kẽ về những tác hại của loại thuốc này, không cứ thế cho con uống thì cũng nguy.

Phụ huynh nháo nhào mua thuốc kháng virus cho trẻ mắc Covid-19 uống, đừng tốn tiền rước hoạ!
Loại thuốc được quảng cáo kháng virus có chữ Nga có giá khoảng 400.000 đồng/lọ đang được nhiều bà mẹ săn lùng 

Cũng chia sẻ với báo trên, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế trẻ em không có chỉ định dùng thuốc kháng virus SAR-CoV- 2 trừ duy nhất một loại là Remdesivir (thuốc đường tĩnh mạch).

“Đây là loại thuốc mà các mẹ không mua được, mà có mua được cũng không dùng được, mà dùng được cũng không biết tai biến nặng thế nào nên đừng cố mua tốn tiền. Vài nghiên cứu cho rằng Remdesivir có tác dụng với trẻ mức độ nặng và nguy kịch (những trường hợp này đều nhập viện hết) và được chỉ định sử dụng dưới sự giám sát của chuyên gia nhi khoa”, BS Mạnh Cường cho biết.

Lý giải vì sao không nên mua/tích trữ/cho trẻ dùng thuốc này, BS Mạnh Cường cho rằng hầu hết các bé đều ở mức độ nhẹ và không triệu chứng (SpO2 > 96%, không có khó thở và viêm phổi kèm theo) nên không cần.

Ngoài ra lợi ích của kháng virus SAR-CoV-2 với trẻ em không rõ ràng. Cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có chứng minh rằng kháng virus SAR-CoV- 2 cho trẻ em sẽ giúp mau khỏi và hiệu quả.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, BS Mạnh Cường cũng cho biết tác hại của thuốc kháng virus với trẻ em còn nhiều tiềm ẩn nguy hiểm như: Phản vệ hoặc nặng hơn là sốc phản vệ do quá mẫn với thuốc kháng virus SAR- CoV- 2; buồn nôn, nôn; tiêu chảy; tổn thương gan (tăng men gan).

Qua quá trình tham gia thăm khám, điều trị và những nghiên cứu khoa học, BS Mạnh Cường một lần nữa nhấn mạnh các bậc phụ huynh có con mắc Covid-19 không tốn tiền mua thuốc kháng virus SAR- CoV- 2 cho con, hãy chăm sóc con một cách khoa học theo hướng dẫn của các bác sĩ.

Ngoài mua thuốc kháng virus SAR- CoV- 2, thông tin trên báo Tuổi Trẻ, BS.CKI Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết trong quá trình tư vấn cho F0 điều trị tại nhà nhận thấy nhiều gia đình tự mua thuốc và sử dụng các loại thuốc kháng viêm methylprednisolone và corticoid cho trẻ em.

Phụ huynh nháo nhào mua thuốc kháng virus cho trẻ mắc Covid-19 uống, đừng tốn tiền rước hoạ! - 1
Nhiều F0 nhỏ tuổi mới chỉ học tiểu học không may bị lây nhiễm Covid-19. Ảnh Tuổi Trẻ

Nhiều F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cũng sử dụng thuốc, đặc biệt trẻ em dưới 12 tuổi cũng sử dụng. Việc sử dụng thuốc tùy tiện rất nguy hiểm, có thể xảy ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bác sĩ Hoàng khuyến cáo với trẻ em khi bị nhiễm COVID-19, các gia đình cần theo dõi trẻ thường xuyên. Khi trẻ chưa có biểu hiện gì chỉ cần theo dõi sức khỏe, ăn uống bổ sung và súc họng bằng nước súc họng mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.

Trong trường hợp trẻ có biểu hiện ho, sốt… hoặc khi có biểu hiện gì thì chỉ cần điều trị biểu hiện đó. Ví dụ, trẻ ho thì cho dùng thuốc điều trị ho, sốt cao 38,5 độ thì dùng thuốc hạ sốt. Chủ yếu không để trẻ bị mất nước, duy trì chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao theo tùy thể trạng.

"Với trẻ béo phì mắc COVID-19 có nguy cơ chuyển nặng cao hơn, gia đình cần theo dõi và chuyển đến cơ sở y tế để theo dõi điều trị. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, phải điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu sử dụng tùy tiện, không đúng liều lượng có thể khiến bệnh tình không thuyên giảm mà còn nặng hơn", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Phụ huynh cần thực hiện các bước sau khi phát hiện con nhiễm Covid-19: 

Bước 1: Báo cho y tế địa phương

Trẻ em là đối tượng khác biệt so với người lớn, một số trẻ < 3 tháng, trẻ có bệnh lý nền nên được theo dõi tại cơ sở y tế. Và việc phân luồng sắp xếp sẽ do y tế địa phương phụ trách.

Bước 2: Kết nối với đội ngũ bác sĩ hỗ trợ F0

Trẻ em khác biệt người lớn vì không thể phản ánh chính xác tình trạng của mình, các triệu chứng thay đổi từng ngày. Nhiều phụ huynh chưa có kinh nghiệm trong việc theo dõi trẻ, do đó rất cần sự hướng dẫn và hỗ trợ của các bác sĩ để tránh bỏ sót những dấu hiệu nặng của bệnh, cũng như hạn chế sự lo lắng quá mức của gia đình.

Bước 3: Chuẩn bị phòng, người chăm sóc cho trẻ

Vì bé sẽ có khoảng thời gian ít nhất 2 tuần ở trong phòng, trong nhà, do đó cần đảm bảo bé sẽ có thể có đủ đồ chơi, không gian vận động thoải mái. Khi trẻ ốm phải chú ý đến tâm lý của trẻ, tạo không khí thoải mái, vui vẻ, hạn chế những căng thẳng, stress, lo lắng cho các con.

Bước 4: Chuẩn bị thuốc và các vật dụng cần thiết cho chăm sóc trẻ 

Thuốc hạ sốt. Bình thường các đợt ốm trước bé dùng hạ sốt gì thì đợt này mình dùng loại hạ sốt đó, theo đúng cân nặng của con. Với trẻ khó uống thuốc nên chuẩn bị thêm thuốc hạ sốt đặt hậu môn để dùng trong trường hợp trẻ không uống được.

Thuốc ho thảo dược và thuốc ho long đờm: chọn 1 loại thảo dược và 1 loại thuốc long đờm tây y. Thời gian đầu trẻ có ho thì sử dụng thuốc ho thảo dược trước.

Các dung dịch xịt mũi, vệ sinh mũi họng. Mục đích sử dụng là vệ sinh mũi họng cho trẻ, giảm sự khó chịu cho trẻ, giảm nguy cơ bội nhiễm.

Các thuốc tăng sức đề kháng và các vitamin. Mục đích hỗ trợ trong quá trình điều trị. Trẻ lớn: thuốc vitamin nhóm B, C. Trẻ nhỏ: multivitamin dạng siro. Với những trẻ ăn uống, dinh dưỡng tốt, không mệt nhiều thì không quá cần thiết phải sử dụng vitamin. Không sử dụng quá nhiều loại vitamin cùng một lúc dễ gây dư thừa và gây ra các tác dụng phụ.

Ngoài các loại thuốc trên, các bậc phụ huynh cũng cần chuẩn bị sẵn kẹp nhiệt độ. Ưu tiên nhiệt kế điện tử kẹp nách. Nếu không có dùng nhiệt kế thủy ngân kẹp nách. Máy đo Sp02 theo lứa tuổi (nếu có điều kiện, không bắt buộc).

Về bữa ăn, các bậc phụ huynh cần cần chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa, lựa chọn thực phẩm lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng. Đảm bảo bù đủ nước điện giải cho trẻ trong trường hợp trẻ có sốt cao liên tục: trẻ lớn, trẻ hợp tác thì bổ sung oresol, một số nước hoa quả.

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật