Táo bón là trạng thái đại tiện phân khô cứng, khó đi, phải rặn mạnh, trong điều kiện ăn uống bình thường, người bệnh có thể dễ dàng nhận ra táo bón qua những biểu hiện như bệnh nhân đại tiện hai hay ít lần hơn mỗi tuần hoặc quá khó khăn và căng thẳng khi đại tiện. Táo bón gây nhiều bất tiện cho người bệnh trong cuộc sống hàng ngày.
Nguyên nhân chính dẫn đến táo bón
Do chế độ ăn uống không khoa học, ăn ít chất xơ, uống ít nước. Chất xơ rất quan trọng để duy trì phân to và mềm. Thiếu chất xơ khiến phân khô cứng, khó đi đại tiện.
Thói quen hay nhịn đại tiện, từ đó dần dần sẽ mất cảm giác muốn đi.
Do nghề nghiệp: Những nghề phải ngồi nhiều ít hoạt động hoặc đứng một chỗ quá lâu, nghề tiếp xúc với chì dẫn đến ngộ độc chì mạn tính.
Do thay đổi các nội tiết tố trong cơ thể: Thường gặp ở phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, mang thai.
Do sử dụng thuốc: Một số thuốc làm giảm nhu động của ruột hoặc làm phân khô lại như tanin, thuốc an thần, thuốc có chất sắt, canxi… Hoặc các loại thuốc nhuận tràng bị lạm dụng trong thời gian dài cũng là nguyên nhân gây nên táo bón.
Các biện pháp trị
Điều trị bằng châm cứu
Thể thực chứng (nhiệt bí)
Triệu chứng: Táo bón lâu ngày, miệng khô, họng khô, bứt rứt khó chịu (tâm phiền), khát nước, rêu lưỡi vàng khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác hoặc hoạt sác.
Công thức huyệt: Khúc trì, hợp cốc, trung quản, chi câu, thiên khu, túc tam lý, nội đình.
Thể hư nhược
Táo bón thể khí hư:
Triệu chứng: Đại tiện táo kéo dài, nhưng phân không quá khô kết, khi đi đại tiện phải cố rặn, sau khi đi đại tiện người mệt lả, thậm chí vã mồ hôi, khó thở. Sắc mặt trắng, tình thần mệt mỏi, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế.
Thể huyết hư:
Triệu chứng: Đại tiện táo lâu ngày, hoa mắt, chóng mặt, váng đầu, tâm phiền, sắc mặt nhợt nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế.
Công thức huyệt cho cả 2 thể trên: Thận du, thái khê, phục lưu, khí hải. Các huyệt khác như: Túc tam lý, tam âm giao, huyết hải.
Điều trị bằng xoa bóp
Xoa tam tiêu
Xoa hạ tiêu: Một tay nắm lại, tay kia úp lên trên để giúp sức. Xoa vòng theo chiều kim đồng hồ 20 lần và ngược lại 20 lần, thở tự nhiên.
Xoa trung tiêu: Tay nắm lại, tay kia úp lên trên để giúp sức, xoa 10 -20 lần mỗi chiều. Thở tự nhiên. Vuốt từ vùng xương sườn cụt theo bờ sườn đến vùng mỏm xương ức, thay phiên nhau mỗi bên 10 - 20 lần.
Xoa thượng tiêu: Ðặt bàn tay ngay ra úp lên ngực, bàn tay kia úp chồng lên, hai cánh tay ốp vào lồng ngực rồi xoa vòng tròn theo chiều kim đồng hồ 20 lần rồi đổi theo chiều ngược lại 20 lần. Thở tự nhiên.
Day bấm các huyệt: Thiên khu, Khí hải, Túc tam lý, Quan nguyên (nằm dưới rốn 3 thốn), Thủy đạo (huyệt Quan nguyên đo ngang ra 2 thốn). Mỗi huyệt 1 phút.
Xát hố chậu trái: Dùng cạnh trong bàn tay trái xát hố chậu trái từ trên xuống dưới và ngược lại khoảng 30 lần.
Luyện thở
Nằm ngửa, tĩnh tâm, chân thẳng, một tay để trên ngực, một tay để trên bụng, từ từ thót bụng để thở ra, đẩy nhẹ nhàng không khí qua mũi hoặc qua miệng. Khi bụng đã thót hết mức, ngừng thở trong giây lát rồi từ từ phình bụng hít vào. Tập trung và làm vậy trong 3-5 phút. Động tác này có tác dụng xoa bóp dạ dày và ruột, kích thích và điều hòa nhu động ruột.
Làm sao phòng bệnh?
Để phòng ngừa bệnh táo bón, cần lưu ý điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường lượng rau xanh trong mỗi bữa ăn, nhất là các loại rau như mồng tơi, khoai lang, rau muống, dền, đay. Nên bổ sung thêm cá vào thực đơn hàng ngày, ăn tăng thêm các loại quả như cam, quýt, xoài, đu đủ chín, mướp đắng, dưa chuột.
Ăn thêm các loại sữa chua, đặc biệt là sữa chua có bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột. Hạn chế tối đa các loại chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá; các đồ ăn nhanh, đồ đóng hộp, các gia vị cay, nóng cho quá nhiều khi chế biến thức ăn.
Không nên ngồi lâu mỗi lần đi ngoài và cũng không nên ngồi lâu một chỗ. Nên duy trì tập thể dục thể thao điều độ tùy theo sức của mình hàng ngày, duy trì cân nặng ở mức hợp lý…
Theo TS. BSCKII. Dương Trọng (Sức Khỏe Đời Sống)