Khi chồng đối xử nội ngoại công bằng như 1, bất cứ người vợ nào cũng thấy ấm lòng mà tình nguyện dành cả đời lo vun vén chăm sóc cho tổ ấm. Ngược lại nếu chồng phân biệt, ăn ở thiếu công bằng với nhà ngoại, phụ nữ sẽ ấm ức trong lòng từ đó quan hệ vợ chồng mất đi sự hòa thuận.
Tiếc rằng anh chồng trong câu chuyện dưới đây lại không hiểu mong muốn giản đơn này của bạn đời, khiến vợ anh bất mãn vào mạng chia sẻ những trăn trở trong lòng: "Vợ chồng em cùng quê, làm việc, mua nhà trên thành phố. 2 nhà nội ngoại dưới quê cách nhau chưa đầy 7km nhưng mỗi lần về em chỉ được ghé qua nhà ngoại một lúc thôi còn lại phải ở hết bên nhà chồng. Trừ khi nhà đẻ có công việc gì quan trọng em mới được về đó cả ngày, tối tuyệt đối không được ngủ lại.
30 tháng 4 năm nay vợ chồng em ban đầu định về quê nhưng thấy dịch bùng phát lại nên quyết định ở lại. Tuy nhiên hôm thống nhất ở lại, em hỏi chồng có gửi biếu bố mẹ hai bên mấy đồng động viên các cụ không thì anh bảo: 'Thôi, đợt này công việc của anh cũng đang khó khăn. Để lúc khác mình biếu sau'.
Nghe chồng nói thế em cũng vui vẻ không ý kiến gì nữa. Song tối qua điện thoại hết pin, em mượn điện thoại của chồng để vào mạng. Tò mò em mở hòm thư thì thấy anh ấy chuyển khoản cho em gái 10 triệu với nội dung: 'Mang sang biếu bố mẹ giúp anh'. Lúc ấy em mới biết hóa ra sau lưng em, chồng lén biếu riêng tiền nhà nội. Vậy mà khi em hỏi thì anh tuyên bố không biếu cả hai bên.
Lúc ấy em thực sự bức xúc vì cách đây hơn tháng, bố đẻ em ốm nằm viện, em bảo biếu ông 2 triệu, anh một mực bảo rằng hai đứa về thăm là được rồi, không phải biếu xén cầu kỳ. Anh phải dồn tiền lo công việc.
Sau một hồi suy nghĩ, em quyết định bắn luôn 10 triệu trong tài khoản chung của hai vợ chồng cho anh trai em dưới quê, nhờ anh mang sang cho bố mẹ giúp. Vì là tài khoản chung, cài thông báo vào điện thoại của cả 2 vợ chồng nên khi em rút tiền, anh ấy biết ngay. Đúng như em đoán, vợ vừa chuyển khoản đi, lập tức chồng em chạy sang phòng hỏi: 'Sao đã thống nhất không biếu tiền bố mẹ rồi mà em còn biếu. Em vượt quyền, không coi chồng ra gì nữa rồi hả?'.
Để cho chồng nói xong, em mới lên tiếng: 'Vợ chồng bình đẳng không ai hơn ai kém nên không có chuyện em vượt quyền anh. Kinh tế là của chung, tài khoản tiết kiệm của vợ chồng có 1 nửa công sức của em thì đương nhiên em có quyền tiêu. Chẳng qua vì anh chi tiêu không tôn trọng vợ thì em cũng sẽ không cần thông qua anh nữa'.
Vừa nói em vừa mở tin nhắn chuyển khoản của anh với em gái rồi tiếp lời: 'Anh nói không biếu tiền bố mẹ hai bên để lo việc nhưng rồi lại lấy tài khoản khác chuyển tiền biếu ông bà nội. Anh thừa hiểu, xưa nay em chưa bao giờ tiếc tiền bố mẹ, cũng không phản đối anh biếu tiền họ. Cái em muốn là sự tôn trọng vợ từ anh cũng như là cần anh đối xử công bằng giữa đôi bên.
Ngày hôm nay, em chuyển khoản biếu bố mẹ em không phải là vượt quyền anh mà là em công khai biếu họ chứ em không thích kiểu giấu giếm, nói một đằng làm một kiểu thiếu tôn trọng vợ như anh. Anh cũng nên nhớ, anh sống sao sẽ nhận lại như vậy, bởi em luôn nhìn vào anh để noi gương đó'.
Ban đầu anh ấy vẫn còn nói em ghê gớm, kiểu 'ăn miếng trả miếng' với chồng nhưng em bảo rằng những gì cần nói em đã nói rõ, không muốn đôi co thêm. Tối ấy em ôm gối sang phòng ngủ với con. Lần này em tỏ thái độ tới cùng với chồng để cho anh ấy hiểu rằng, nếu anh còn tiếp tục không tôn trọng vợ như thế, em sẽ không nhún nhường nữa".
Đối xử công bằng giữa hai bên nội ngoại là yếu tố then chốt để duy trì hòa khí gia đình. Chỉ cần đàn ông cư xử đúng mực, biết quan tâm nhà ngoại thì tin rằng điều các anh nhận lại được từ vợ sẽ lớn hơn gấp nhiều lần những gì các anh bỏ ra. Bởi một khi nhận được sự tin tưởng, cảm kích từ chồng, người vợ nào cũng sẽ cam tâm tình nguyện hi sinh tất cả vì tổ ấm, vì người đàn ông mình yêu thương.
Theo Hải Hương (Pháp luật và Bạn đọc)