Chế độ ăn hợp lý
Người bệnh trào ngược dạ dày - thực quản nên chia nhỏ bữa trong ngày, không nên ăn quá nhiều mỗi bữa (dưới 400ml/ bữa chính).
Hạn chế đồ ăn lỏng, không nên uống quá nhiều nước mỗi lần (dưới 200ml). Nên uống nước giữa các bữa ăn (không uống gần hoặc trong bữa ăn).
Ăn chậm, nhai kỹ, nên dành 20-30 phút cho mỗi bữa ăn.
Tránh các hình thức ăn, uống nuốt nhiều khí vào đường tiêu hoá như: ăn vội, dùng ống hút khi uống, nhai kẹo cao su, đồ uống có gas…
Chế biến đồ ăn: Nên chế biến bằng cách luộc, hấp, thay vì chiên, xào.
Bổ sung chất xơ trong rau, quả, bổ sung đủ nước (trung bình 2l/ngày), hạn chế gia vị mạnh, thể dục đều đặn… Chỉ ngủ sau khi ăn ít nhất 3 giờ.
Đi bộ nhẹ nhàng sau ăn 30 phút giúp dễ tiêu hoá, tuy nhiên tránh vận động gắng sức: tập thể thao, chạy…sau ăn
Thực phẩm tốt cho người bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Bánh mì, bột yến mạch
Loại thực phẩm này rất tốt trong việc giảm lượng axit dư thừa trong dạ dày, giúp hạn chế những tổn thương đối với người bị trào ngược dạ dày thực quản.
Đậu đỗ
Thực phẩm họ đỗ chứa hàm lượng cao chất xơ cùng các amino axit nên rất tốt cho người bị trào ngược dạ dày - thực quản. Tuy nhiên không phải loại đậu nào cũng có tác dụng chữa trào ngược dạ dày mà ngược lại. Một số đậu như đậu tương, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu đen… chứa carbohydrat phức hợp có thể gây hiện tượng đầy hơi.
Trước khi sử dụng các loại đậu này, nên ngâm các hạt đậu khô qua đêm để làm mềm hạt và ăn từng lượng nhỏ để cơ thể thích nghi dần.
Đạm dễ tiêu
Đạm dễ tiêu tốt cho người trào ngược là thịt thăn lợn, lưỡi lợn, tim lợn và thịt ngan. Những loại đạm này một phần giúp trung hòa axit, hạn chế các triệu chứng bệnh đối với người bị trào ngược dạ dày.
Người bệnh không nên ăn nhiều thịt vịt và thịt gà. Thịt vịt tính hàn lạnh, thịt gà tính nóng đều không tốt.
Sữa chua và các sản phẩm sữa
Sữa chua giúp tiêu hóa thức ăn nhanh hơn, không những thế trong sữa chua có chứa men lợi khuẩn cải thiện tiêu hóa. Người bị trào ngược dạ dày nên sử dụng sữa chua hàng ngày, tuy nhiên không nên ăn khi đói.
Sữa giàu dinh dưỡng nhưng không phải loại sữa nào cũng tốt cho người bệnh trào ngược dạ dày. Sữa bò nguyên chất có thể làm thư giãn cơ thắt thực quản dưới, từ đó gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược.
Người bệnh trào ngược nên chọn sữa dê hoặc sữa bò đã tách kem (hay còn gọi là sữa gầy). Đây là những thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Thời điểm uống sữa nên là sau ăn khoảng 2 giờ và nên uống sữa ấm, không nên uống sữa quá nóng hoặc quá lạnh.
Nghệ, mật ong
Nghệ, mật ong được sử dụng như một gia vị phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày mà nó còn hỗ trợ điều trị cho người bị trào ngược dạ dày thực quản rất hiệu quả.
Dưa hấu hoặc dưa gang
Đây là hai loại quả có thể giúp trung hòa axit trong dạ dày được nhiều chuyên gia y tế khuyên dùng cho các trường hợp người bệnh bị trào ngược dạ dày. Không những vậy, chúng còn cung cấp một lượng vitamin dồi dào và giúp giảm bớt hiện tượng ợ chua, ợ nóng khó chịu;
Táo
Trong táo có nhiều Pectin - một loại chất xơ hòa tan hỗ trợ hoạt động bài tiết diễn ra “trơn tru" hơn, hệ tiêu hóa nhờ đó mà được cải thiện tốt hơn, chống táo bón rất phù hợp cho những người bị trào ngược dạ dày. Nên ăn các loại táo có vị ngọt, tránh quả xanh và chua;
Đu đủ chín
Trong đu đủ chín có nhiều chymopapain và enzym papain có khả năng phá vỡ được các protein khó tiêu hóa. Đu đủ chín còn giúp kích thích hệ tiêu hóa, trị táo bón và giảm thiểu triệu chứng khó tiêu, xoa dịu dạ dày thông qua việc giảm tiết axit;
Trào ngược dạ dày - thực quản kiêng ăn gì?
Để kiểm soát các triệu chứng của chứng trào ngược dạ dày - thực quản, người bệnh hãy loại bỏ các thực phẩm sau khỏi chế độ ăn uống của mình:
Thực phẩm giàu chất béo
Thực phẩm chiên và béo có thể khiến cơ thắt dưới thực quản giãn ra, cho phép nhiều axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Những thực phẩm này cũng làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày.
Ăn thực phẩm giàu chất béo khiến bạn có nguy cơ bị các triệu chứng trào ngược cao hơn.
Cà chua và trái cây họ cam quýt
Trái cây và rau quả rất quan trọng trong một chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng một số loại trái cây có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng GERD, đặc biệt là trái cây có tính axit cao.
Nếu bạn thường xuyên bị trào ngược axit, bạn nên giảm hoặc loại bỏ lượng thức ăn có chứa cam, bưởi, chanh, cà chua…
Thực phẩm và gia vị cay nóng
Những loại thực phẩm chứa nhiều gia vị cay nóng như ớt, tiêu, mù tạt… có khả năng làm nặng thêm tình trạng viêm loét dạ dày và đau dạ dày.
Ngoài ra nhóm thực phẩm này còn có khả năng làm tăng co thắt cơ thực quản dưới. Từ đó làm cản trở quá trình điều trị trào ngược dạ dày và tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng (ợ nóng, ợ hơi, buồn nôn, nóng rát thượng vị…).
Ngoài chế độ ăn và những điều lưu ý kể trên thì khi mắc trào ngược dạ dày thực quản bạn vẫn nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị tổng thể từ dùng thuốc, chế độ ăn, tập luyện phù hợp dành riêng cho bạn.
PN (SHTT)