Chồng tôi mất vì ung thư thực quản từ 10 năm trước. Gầy đây, con trai tôi 33 tuổi bị trào ngược dạ dày thực quản, dương tính với vi khuẩn HP. Xin bác sĩ cho biết con tôi có nguy cơ bị ung thư thực quản hay không? (Hoàng Thị Thương - Hà Nội).
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi - thăm dò chức năng, Bệnh viện K, tư vấn:
Tại Việt Nam ung thư thực quản là bệnh lý ung thư đường tiêu hóa phổ biến ở Việt Nam. Bệnh nằm trong nhóm 10 bệnh ung thư phổ biến ở nước ta, mỗi năm ghi nhận khoảng 3.200 ca mắc mới . Người thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, chế độ ăn uống nhiều thịt, ít rau xanh, ít hoạt động thể lực có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn.
Bệnh lý trào ngươc dạ dày không nguy hiểm cấp tính nhưng lại gây phiền toái cho người bệnh. Khoảng 60% người bệnh bị tái phát tình trạng trào ngược. Bệnh nhân cần thay đổi lối sống khoa học, sinh hoạt điều độ và điều trị nội khoa lâu dài.
Để hạn chế trào ngược dạ dày, việc thay đổi lối sống rất quan trọng. Nếu người thừa cân béo phì cần giảm cân. Trong ăn uống, người bệnh cần tránh các loại thực phẩm như chocolate, cà phê, rượu, trà. Các thực phẩm gây kích ứng niêm mạc dạ dày như tỏi, ớt, chia nhỏ bữa ăn thay vì ăn quá no.
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản kéo dài có thể dẫn tới biến chứng baret thực quản một tổn thương tiền ung thư và lâu dài dẫn tới ung thư thực quản.
Lưu ý, hiện nay tại Việt Nam, phần lớn bệnh nhân ung thư thực quản được phát hiện ở giai đoạn muộn với các triệu chứng rõ ràng như nuốt vướng, nghẹn tăng dần, ho khàn tiếng do khối u xâm lấn vào tổ chức lân cận. Giai đoạn này thường khó phẫu thuật được, điều trị hóa xạ trị đồng thời thường được chỉ định nhưng tiên lượng xấu tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt 20%. Việc bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám bệnh ở giai đoạn muộn khiến hiệu quả của việc chữa bệnh bị giảm rất nhiều.
Theo nhiều nghiên cứu tại Nhật Bản, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm có vai trò quyết định trong điều trị và tiên lượng bệnh lý ung thư thực quản giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí điều trị đáng kể. Tỷ lệ sống sau 5 năm của nhóm bệnh nhân phát hiện sớm có thể đạt trên 90 %.
Tầm soát ung thư là yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này. Do vậy, những người bị trào ngược dạ dày thực quản cần theo dõi, điều trị và tầm soát ung thư thực quản thường xuyên theo khuyến cáo của bác sĩ điều trị.
Theo PV (VietNamNet)