Thực ra bạn luôn thở một bên mũi mạnh hơn bên còn lại, hai lỗ mũi cứ thay nhau thở mạnh hơn chứ không cân bằng.
Thông thường, hiện tượng tắc nghẹt mũi có xu hướng nặng hơn về ban đêm, nhất là khi đi ngủ. Vì khi nằm, lưu lượng máu dồn đến phần đầu và phần mũi của cơ thể sẽ tăng lên. Lúc này, các mạch máu nhỏ trong mũi bị giãn ra nhiều hơn khiến tình trạng viêm hoặc sưng đau càng trở nên trầm trọng. Với tư thế nằm, dịch nhầy sẽ bị tích tụ, không thoát ra được nên sẽ có cảm giác bệnh nặng hơn về đêm.
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị nghẹt mũi như cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm virus thông thường... Ngoài ra nghẹt mũi còn có thể do nguyên nhân như bị dị ứng, bệnh viêm xoang, do không khí bị ô nhiễm và khô hoặc mắc các bệnh lý khác về mũi như bị polyp mũi, lệch vách ngăn…
Đối với các trường hợp bị tắc nghẹt mũi do bị các bệnh lý cần sớm nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng này, người mắc bệnh cần chú ý đến chế độ sinh hoạt như sau:
- Gối cao đầu khoảng 15 độ chênh với giường ngủ để tạo tư thế thoải mái.
- Tuyệt đối không ăn no trước khi đi ngủ.
- Nên uống nhiều nước để làm giảm dịch nhầy ở mũi (8-10 ly/ngày) và dùng các thức uống lỏng (canh, nước rau luộc, nước ép trái cây, trà thảo dược) giúp trị chứng nghẹt mũi.
- Nên ăn thức ăn nóng và uống nước ấm. Hạn chế ăn thực phẩm có nhiều đường, bột vì chúng sẽ làm chứng nghẹt mũi thêm trầm trọng.
- Nên thường xuyên giặt ga trải giường, chăn chiếu, màn, gối để giảm bụi và vi khuẩn là tác nhân gây ngạt mũi.
- Tránh những kích thích như khói thuốc, mùi son, mùi nước hoa, rượu vì chúng làm bạn khó chịu hơn.
Theo M.H (Giadinh.net.vn)