Loại hoa quen thuộc chữa tận gốc viêm xoang

11/03/2017 11:32:00

Trong khi nhiều người phải bó tay chấp nhận sống chung với viêm xoang, viêm mũi dị ứng thì Tân di chính là vị thuốc cứu tinh.

Trong khi nhiều người phải bó tay chấp nhận sống chung với viêm xoang, viêm mũi dị ứng thì Tân di chính là vị thuốc cứu tinh.

Theo thống kê, khoảng 25-30% bệnh nhân đến khám tai - mũi - họng mắc viêm xoang. Ngoài việc khiến bệnh nhân nghẹt mũi, đau nhức vì chảy mủ, khi để lâu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp xe não, viêm màng não... gây mù vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

viêm xoang, viêm mũi dị ứng, y học cổ truyền, tân di, mộc lan, Phùng Tuấn Giang
Nụ hoa Tân Di là vị thuốc nổi tiếng để chưa xoang

Trong tây y, ngoài thông rửa, bệnh nhân sẽ được chỉ định kháng sinh hoặc phẫu thuật. Còn trong đông y, Tân di được xem là vị thuốc cứu tinh để chữa xoang.

TS Phùng Tuấn Giang (nhà thuốc Thọ Xuân Đường) cho biết, Tân di chính là búp của cây hoa Mộc lan, tên khoa học là Magnolialiliflora Desr, hay có tên khác là Bạch mộc liên, Ứng xuân hoa, Ngọc lan hoa, Vọng xuân hoa, Khương phác hoa...

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong thành phần hóa học của Tân di có chứa tới 0,5-2,86% tinh dầu, ngoài ra còn có eugenol, foeniculin, magnoflorine, falvonoid, anthocyanin, oleic acid, vitamine A, alkaloid... là những chất rất hữu hiệu trong điều trị bệnh xoang mãn tính.

Tân di có vị cay, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tán hàn, giúp thông tắc các lỗ tự nhiên, đặc trị các bệnh vùng mũi.

Các tác dụng dược lý phong phú khác phải kể đến là giúp tăng cường lưu lượng máu, giảm đau, chống viêm, ức chế virus cúm và một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn bạch hầu, liên cầu khuẩn típ A, trực khuẩn lỵ; chống dị ứng, kháng nấm, chống dị ứng, hạ huyết áp, kích thích cơ trơn tử cung, cơ trơn thành ruột…

Các bài thuốc chữa viêm xoang từ Tân di

- Chữa viêm mũi, viêm xoang: Tân di, cỏ ngũ sắc lượng bằng 1/3, sắc lấy nước nhỏ mũi hoặc cho vào bình xịt mũi ngày 3 lần.

Hoặc: Tân di 12g, trứng gà 3 quả. Luộc trứng cùng tân di, luộc xong ăn trứng, uống nước, bỏ bã Tân di.

viêm xoang, viêm mũi dị ứng, y học cổ truyền, tân di, mộc lan, Phùng Tuấn Giang
Nụ hoa Tân di khi phơi khô

- Chữa viêm xoang mãn: Tân di 20g, Nga bất thực thảo 5g, đem 2 vị này ngâm với nước trong 4-8 giờ, sau đó chưng cất lấy nước nhỏ mũi vài lần trong ngày.

- Chữa viêm xoang có mũi sung nề, tắc ngạt: Tân di 9g, Ké đầu ngựa 15g, Bạc hà 6g, sắc lần đầu lấy nước uống, sau đó sắc tiếp bã thuốc, lấy nước cô thật đặc rồi trộn với nước ép hành củ (Thông bạch) để nhỏ mũi.

- Chữa ngạt mũi, giảm hoặc mất khả năng ngửi: Dùng Bồ kết, Tân di, Thạch xương bồ lượng bằng nhau, tất cả tán mịn, thổi nhẹ hoặc rắc vào trong mũi.

- Chữa mũi tắc do thấp trọc: Dùng bài thuốc Khung cùng tán (Theo “Chứng trị chuẩn thằng”), gồm các vị Xuyên khung, Tân di mỗi thứ 50g, Tế tân 30g , Mộc thông 15g tán nhỏ thổi nhẹ hoặc rắc vào trong mũi.

- Chữa mũi sưng, mọc mụn ngứa bên trong (theo “Mậu thị phương tuyến”): Dùng Tân di, Hoàng liên sao qua, tán nhỏ, hòa với nước đun sôi để nguội, uống.

- Chữa chảy nước mũi, Polyp mũi (theo “Dương y đại toàn”): Tân di (bỏ lông) 200g, Tang bạch bì (Chích mật) 200g, Chi tử 50g, Chỉ thực 100g, Cát cánh 100g, Bạch chỉ 100g. Các vị nghiền nhỏ. Mỗi lần uống 6-8g, uống cùng nước sắc củ cải.

Theo TS Giang, để thu hái được thuốc chất lượng, cần hái nụ Tân Di vào mùa xuân, cắt bỏ cành cây, phơi trong bóng râm (âm can), loại bỏ phần vỏ lông bên ngoài (mao xạ phế, lệnh nhân khái - lông của Tân di vào phế kích thích gây ho) hoặc bọc vải khi sắc, khi dùng cần sao qua. 

Những người bị khí hư hỏa thịnh kỵ dùng Tân di.

Theo Minh Anh (VietNamNet)