Chi tiêu tài chính là một trong những vấn đề hay gây mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng trẻ.
Trong một nhóm kín của hội chị em cũng vừa chia sẻ 1 câu chuyện hôn nhân khiến nhiều người chú ý. Nội dung câu chuyện như sau:
"Đầu năm em nghỉ thai sản xong quay lại công ty thì bị luân chuyển sang bộ phận khác, lương giảm 1/3, công việc cũng không hợp với mình. Sau khi cân nhắc, em quyết định nghỉ việc, tính ở nhà chăm con thêm 1 thời gian.
Tuy nhiên từ hôm em nghỉ việc, chồng em phải đưa lương cho vợ chi tiêu, anh hậm hực lắm. Lương anh 20 triệu nhưng chỉ đưa cho vợ 5 triệu. Rõ tiền bạc là để lo chung cho gia đình nhưng không bao giờ anh ấy chủ động đưa cho vợ, tháng nào em cũng phải hỏi, phải giục chồng đưa không khác gì ăn xin ăn mày. Đưa tiền cho em là anh ấy giao kèo mặc cả rằng phải chi tiêu cho đủ. Thiếu anh không đưa thêm".
Người vợ này kể, cô ở nhà mỗi ngày đều phải chịu sự coi thường của chồng. Anh chỉ biết rằng 5 triệu mình đưa cho vợ mỗi tháng là rất to mà không biết tới sự vất vả vợ mình phải gánh. Chồng cô đi tối ngày, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều dồn một mình vợ làm, từ chăm con, nội trợ, đối nội đối ngoại. Vậy nhưng cứ vợ chồng động mâu thuẫn, xích mích là anh lại không tiếc lời đay nghiến, mắng vợ ăn bám, ăn hại.
"Chồng em làm cho công ty nước ngoài, lương lậu nhận chuẩn chỉnh không sai lệch 1 ngày. Tháng nào cũng đúng mùng 2 nhận lương nhưng vợ hỏi anh toàn bơ đi. Em giục đưa, anh sẽ cằn nhằn mắng vợ đòi tiền chồng như đòi nợ. Song tháng ấy, em đợi tới mùng 7 chồng vẫn không đưa tiền trong khi sữa bỉm của con đều đã hết. Hôm đó tranh thủ cuối tuần chồng ở nhà, em giục anh đưa tiền để đi chợ. Vẫn như mọi khi, vợ vừa cất lời, anh lập tức đay nghiến bảo vợ cứ nhìn thấy chồng là hỏi tiền.
Ức chế hơn, anh ấy còn nói em ăn tiêu như phá mả, nhà có 3 người mà tháng nào 5 triệu đưa cho cũng tiêu sạch bay. Nói 1 thôi một hồi, anh mới rút ví lấy 5 triệu ném xuống mặt bàn không khác gì bố thí bảo: 'Vợ người ta lo kinh tế cùng chồng, cô ăn bám còn tiêu hoang, không được tích sự gì'.
Thật sự lúc ấy em ức tới muốn tràn nước mắt nhưng tuyệt đối không nói lại chồng nửa lời. Lẳng lặng em cầm tiền cất đi, xách làn ra chợ rồi về nấu cơm trưa. Tới bữa chồng em giục vợ sắp mâm, em xới cơm xong đặt chục cân muối trắng xuống bàn bảo: 'Thức ăn từ giờ tới cuối tháng đó. Với số tiền anh đưa mà đòi vợ tiêu dư thì chỉ bốc muối ăn vã mới đủ. Còn không anh giỏi thì ngày mai tự cầm tiền chi tiêu'.
Nói rồi em đưa cho anh xem cuốn sổ ghi chép chi tiêu mỗi tháng của mình. Thấy không tháng nào tiêu dưới chục triệu, chồng em ngạc nhiên lắm. Em lên tiếng tiếp lời: 'Tôi nghỉ làm nhưng vẫn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng gần 6 triệu. Tính ra so với khoản tiền anh đưa thì còn hơn đó.
Tới giờ phút này tôi có thể khẳng định chắc chắn cho anh rõ, vợ anh chưa từng ăn bám chồng ngày nào cả. Có điều, tôi quá mệt mỏi với kiểu sống tính toán coi tiền hơn vợ của anh rồi. Từ nay tôi với anh tốt nhất chia mâm chia bát, cứ mạnh ai người ấy làm, tiền ai người ấy tiêu để anh đỡ mệt đầu tính toán, tôi sống cũng thoải mái hơn'.
Nói là làm, hôm sau em ăn riêng mâm, đưa trả tiền cho chồng. Thực hiện đúng 1 tuần, chồng em không chịu được buộc phải nhận sai, xin lỗi vợ".
Trong mọi hoàn cảnh, phụ nữ luôn cần tự chủ cả về mặt tài chính cũng như tinh thần. Sự chủ động chính là tấm lưới chắn bảo vệ cũng như nâng tầm phụ nữ trong mắt đối phương. Trong bất cứ tình huống nào, phụ nữ cũng có thể tự mình đứng vững không cần phụ thuộc hay dựa dẫm vào ai sẽ khiến mày râu không chỉ trân trọng mà còn nể phục vài phần.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)