Một trong những nạn nhân của sự chủ quan bệnh tật là cậu bé Xuân Xuân, 3 tuổi, sống tại Hán Trung, Thiểm Tây, Trung Quốc. Chẳng ai có thể ngờ đôi mắt sáng, tinh anh của Xuân Xuân lại suýt chút nữa bị mù vĩnh viễn.
Tại Khoa Mắt của Bệnh viện chữ thập đỏ thành phố Tây An vào ngày 18/10 vừa qua, bà Xuân Xuân đã tâm sự rằng trước khi vào viện cháu trai có biểu hiện, hắt hơi, sổ mũi, gia đình đoán là con bị cảm lạnh. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau mắt cậu bé đột nhiên kém dần đi.
"Cháu tôi vốn dĩ thị lực rất tốt, nhưng hơn 20 ngày trước đột nhiên phản xạ nhìn của cháu rất kém, nhìn gì cũng phải đến gần mới thấy được", bà Xuân Xuân kể lại.
Nhận ra mắt của Xuân Xuân có vấn đề, gia đình đã đưa cậu bé từ Hán Trung đến Tây An để khám mắt. Tại đây, họ được bác sĩ Vương Tiểu Thường, trưởng Khoa Mắt đón tiếp.
Bác sĩ Vương Tiểu Thường kể lại rằng: "Khi cậu bé được gia đình đưa đến viện khám thì mắt hoàn toàn không thấy gì nữa. Vì bé mới chỉ lên 3 nên quá trình kiểm tra mắt và điều trị cho cậu tương đối khó. Các bác sĩ đã phải vật lộn để có được tình cảm và sự hợp tác của cậu, cuối cùng chúng tôi chẩn đoán bé Xuân Xuân đã bị viêm thần kinh thị giác".
Bác sĩ Vương cũng cho biết: Nguyên nhân chính gây ra viêm thần kinh thị giác ở bé Xuân Xuân là do sau khi bị cảm hoặc sốt một số vi khuẩn hoặc virus gây tổn thương miễn dịch đối với dây thần kinh…
Để bệnh nhân nhỏ tuổi hợp tác điều trị, bác sĩ Vương đã luôn túc trực bên cậu bé trong vài ngày, đứa trẻ còn quá nhỏ nên liều lượng thuốc cũng phải kiểm soát chặt chẽ.
May mắn thay, sau 10 ngày điều trị, mắt của Xuân Xuân về cơ bản đã hồi phục, hiện tại có thể chạy nhảy, chơi đùa.
Bà của Xuân Xuân nói: "Hôm nay tôi đưa cháu ra ngoài chơi, thằng bé nói với bà là nhìn thấy rất nhiều nhà cao tầng, vậy là thị lực của Xuân Xuân đã rất tốt, cả nhà tôi rất hạnh phúc".
Thiên thần "đầu trọc" 3 tuổi vẫn hồn nhiên sau chục lần truyền hóa chất: "Bố ơi sao mình không về nhà, sao tóc con lại rụng hết?"
Bác sĩ Vương Tiểu Thường cũng nhắc nhở tất cả các bậc phụ huynh rằng: "Rất nhiều trẻ gặp biến chứng sau khi mắc cảm lạnh nhưng gia đình lại không đưa đi thăm khám. Điều này khiến quá trình điều trị sau này tương đối khó khăn và sự hồi phục khá chậm.
Trẻ em sau khi bị cảm lạnh nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên chú ý, đặc biệt là nếu thị lực của trẻ bị suy giảm, cần phải đến bệnh viện để được thăm khám ngay lập tức".
Hãy cẩn thận với những biến chứng không ngờ của cảm lạnh
- Điếc: Khi bạn bị cảm lạnh hoặc cúm, bạn sẽ xuất hiện cảm giác nghẹt ở trong tai. Trong một số trường hợp, các vấn đề về thính giác có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều người sẽ tự hồi phục thính giác sau khi triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm hết nhưng tốt nhất bạn vẫn nên thăm khám bác sỹ.
- Viêm phổi và tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA): Viêm phổi đặc biệt nguy hiểm hơn nếu xảy ra ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, cũng như ở những người mắc các bệnh mãn tính. Khoảng 1/3 số ca viêm phổi gây ra bởi các virus đường hô hấp, mà thông thường nhất là virus cúm.
- Viêm cơ tim: Mặc dù rất hiếm gặp xong viêm cơ tim cũng có thể là hậu quả của việc bị cảm lạnh/cúm và có thể ảnh hưởng đến cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Viêm cơ tim là tình trạng viêm và bị phá hủy của các mô cơ tim, và điều này có thể dẫn đến suy tim.
- Hội chứng Reye: Hội chứng Reye là hội chứng mà cả não và gan đều bị viêm. Hội chứng Reye cũng có thể là hậu quả của việc bị cảm lạnh/cúm (khi bị thủy đậu), nhưng may mắn là hội chứng này rất hiếm gặp.
Theo Đỏ Đỏ (Helino)