Trẻ 3 tuổi sốt cao, nhiễm trùng máu vì tự ý nặn mụn: Bác sĩ cảnh cáo 4 sai lầm bố mẹ hay làm có thể 'mất con'

30/06/2019 15:02:28

Ai cũng cho rằng việc nặn mụn là vô cùng bình thường, tuy nhiên hành động này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em.

Ngày 22/6, chị Nguyễn Quỳnh Anh (Long Biên, Hà Nội) đưa cậu con trai 3 tuổi, Nguyễn Minh Khang vào viện với tình trạng sốt cao, phát ban toàn thân.

Trước đó 4, 5 ngày, bé Khang (tên ở nhà là Mít) bỗng dưng mọc một cái nhọt ở phần đùi. Khi nhọt bắt đầu sưng, sờ thấy cứng xung quanh vợ chồng chị Quỳnh Anh quyết định nặn mụn cho con rồi mới đưa đi khám ở bệnh viện. Tại đây bé được bác sĩ kê cho thuốc kháng sinh để bảo vệ nhọt, hẹn 2 ngày sau mụn chín thì đến viện để chích ra. Tuy nhiên, ngay tối hôm đó nhọt bị vỡ, gây ra chảy máu, với tâm lý chủ quan, vợ chồng chị Quỳnh Anh quyết định tiếp tục nặn hết máu và mủ cho con.

Trẻ 3 tuổi sốt cao, nhiễm trùng máu vì tự ý nặn mụn: Bác sĩ cảnh cáo 4 sai lầm bố mẹ hay làm có thể 'mất con'
Chia sẻ của chị Quỳnh Anh.

Ngay tối hôm ấy, bé Khang lên cơn sốt 39-40 độ, phát ban toàn thân. Sáng hôm sau (22/6), gia đình chị đã lập tức đưa con vào viện và được bác sĩ chẩn đoán bé đã bị bội nhiễm và độc nhiễm vào máu (nhiễm trùng máu) gây phát ban toàn thân, phải truyền kháng sinh, nếu không đáp ứng sẽ phải cấy máu.

Chị Quỳnh Anh cho hay, rất may là nhọt của bé Khang không nằm ở đầu hoặc vùng mặt nhiều dây thần kinh, lúc sốt cao không bị co giật nên sau khi truyền kháng sinh đã hết sốt và ban độc. Hiện sức khỏe bé đã ổn định và đã được xuất viện.

Bằng kinh nghiệm của mình, chị Quỳnh Anh khuyên bố mẹ đang nuôi con nhỏ tuyệt đối không tự ý nặn khi con nổi mụn, nhọt. Cách duy nhất đó là chờ mụn, nhọt chín (phần ở giữa mềm, xuất hiện ngòi trắng) rồi đưa đến gặp bác sĩ để chích ra. Trong trường hợp nhọt bị vỡ, con bị sốt cao thì cần phải đưa đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Bài viết mà chị Quỳnh Anh chia sẻ trên trang cá nhân ngay lập tức nhận được sự quan tâm của rất nhiều bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Đáng chú ý, nhiều phụ huynh chia sẻ con mình cũng từng gặp trường hợp tương tự.

Trẻ 3 tuổi sốt cao, nhiễm trùng máu vì tự ý nặn mụn: Bác sĩ cảnh cáo 4 sai lầm bố mẹ hay làm có thể 'mất con' - 1
Rất nhiều phụ huynh chia sẻ con mình cũng từng gặp trường hợp tương tự.

Cẩn thận "mất con" vì nặn mụn vô tội vạ…

Trẻ 3 tuổi sốt cao, nhiễm trùng máu vì tự ý nặn mụn: Bác sĩ cảnh cáo 4 sai lầm bố mẹ hay làm có thể 'mất con' - 2
Bác sĩ Trần Văn Bàn, công tác tại khoa Nhi, bệnh viện Xanh Pôn cho biết bệnh viện cũng đã đón nhận một số trường hợp trẻ nhập viện vì bố mẹ nặn mụn cho con sai cách. Theo bác sĩ: "Nặn mụn, nhọt khi đang viêm tấy sẽ gây vỡ, gây lan tỏa ra xung quanh nhiều hơn, có thể gây ra nhiễm trùng máu. Khi phát hiện con nổi mụn, nhọt phụ huynh không nên tự ý làm gì cả mà phải giữ nguyên, vệ sinh sạch sẽ và đưa con đi khám để bác sĩ xem mức độ viêm đã đủ chưa và tiến hành trích bỏ."

Bác sĩ Bàn cũng liệt kê ra 4 sai lầm phụ huynh hay mắc phải khi con nổi mụn, nhọt.

1. Chủ quan: Nhiều phụ huynh khi thấy con nổi mụn chỉ nghĩ là dấu hiệu bình thường, mắc cả tuần cũng không đưa con đi khám, phải đến khi trẻ bị sốt, nhiễm trùng huyết rồi mới đưa đi viện thì lúc này tình trạng đã nặng.

2. Tự ý nặn mụn: Việc tự ý nặn mụn ở nhà có thể gây ra nhiễm trùng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ.

3. Đắp lá, bó lá hoặc sử dụng một số bài thuốc dân gian khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.


4. Dán cao lên mụn, nhọt: Mụn thường ở trạng thái sưng, nóng, dán cao vào sẽ khiến mụn càng sưng to hơn.

Lưu ý ngay những điều sau để việc nặn mụn không gây ra những hậu quả nghiêm trọng
Bác sĩ Bàn khuyến cáo dù là trẻ con hay người lớn khi nổi mụn, nhọt đều không được tự ý xử lý ở nhà mà cần đến viện để được bác sĩ tư vấn, đặc biệt phải cẩn thận với mụn, nhọt ở vùng mặt vì đây là vị trí chứa nhiều dây thần kinh.

Việc trị mụn sai cách có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, vi trùng xâm nhập vào cơ thể, tiết ra chất độc dẫn đến suy đa cơ quan, rối loạn đông máu hoặc suy gan, suy thận... Dù nhiễm trùng máu không phải bệnh nhưng là tình trạng nguy kịch có thể gây tử vong cho bệnh nhân hoặc để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo Hiền Đỗ (Helino)