Mới đây, BS BV Nhi Đồng Cần Thơ xác nhận với VTV.vn, các bác sĩ vừa tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi, nhập viện cấp cứu vì nhỏ thuốc nhỏ mũi dành cho người lớn.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, bé bệnh 2 ngày, sốt nhẹ, ho ít, chảy mũi, người nhà có đưa bé đến cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được nội soi tai mũi họng và được chẩn đoán viêm mũi họng cấp, bé được kê toa uống 2 ngày kèm thuốc nhỏ mũi Polymax.
Sau khi dùng thuốc nhỏ mũi, bé buồn nôn và than mệt nên người nhà đưa bé đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Tại đây, bé được hỗ trợ thở oxy, truyền dịch và được mắc điện cực theo dõi nhịp tim liên tục và nằm lưu tại Khoa Cấp cứu 1 ngày.
Sau điều trị, nhịp tim bé phục hồi, chi ấm, mạch quay rõ, nhịp tim đều 90 - 100 lần/ phút và bé được chuyển Khoa Tim mạch, theo dõi thêm 1 ngày thì xuất viện.
Theo các bác sĩ, Polymax, Rhinex là những thuốc nhỏ mũi dành cho người trưởng thành có chứa thành phần chính là Naphazolin. Triệu chứng chính của ngộ độc Naphazolin là hạ nhiệt, tim đập chậm, ra mồ hôi, buồn ngủ, co giật hôn mê, đặc biệt ở trẻ em. Một số trường hợp ngộ độc nặng có thể đe dọa tính mạng của bé, đặc biệt ở các bé dưới 3 tuổi.
Một sai lầm nguy hiểm không kém khi điều trị sổ mũi cho trẻ mà cha mẹ thường mắc phải là lạm dụng các loại thuốc nhỏ mũi không theo chỉ định của bác sĩ, nhất là các loại thuốc có chứa corticoid, kháng sinh… khi chưa tìm nguyên nhân để điều trị, theo Gia đình & Xã hội.
Theo các bác sĩ, thuốc corticoid nếu dùng không đúng sẽ gây một số biến chứng, nhất là ở trẻ em, như ức chế vỏ thượng thận tiết hormone làm tăng giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, tăng đường huyết… Tốt nhất khi trẻ sổ mũi và đau họng kéo dài, sốt cao… cần đưa đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
3 sai lầm phổ biến khi chăm sóc mũi cho trẻ, cha mẹ cần tránh
Rửa mũi quá nhiều
Mũi của trẻ và người lớn cũng như nhau, bình thường có cơ chế tự làm sạch. Rửa mũi nhiều làm mất chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi. Trong khi đó, chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, dễ bị viêm hơn.
Tự ý xông mũi cho trẻ
Tự ý dùng nguyên liệu để xông sẽ rất nguy hiểm. Nếu xông bằng thảo dược cũng tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh với những người có cơ địa dị ứng. Với thuốc kháng sinh, kháng viêm, nếu dùng lâu ngày có thể gây xơ cứng cuống mũi, dễ bị hư các tế bào lông chuyển ở niêm mạc mũi, dễ nhiễm trùng và mắc các bệnh về hô hấp. Nếu dùng quá liều, người xông sẽ gặp một số tác dụng phụ như tăng hoặc hạ huyết áp, run tay chân, tăng nhịp tim, hồi hộp, thậm chí một số thuốc co mạch dễ gây bệnh tim mạch, có thể tử vong…
Dùng miệng hút mũi cho bé
Khi bé bị sổ mũi hoặc khò khè, nhiều cha mẹ xót con, sợ con đau rát khi lấy mũi nên đã dùng miệng hút nước mũi cho con. Việc làm này rất mất vệ sinh mà ngược lại sẽ tạo các nguy cơ khiến bệnh hô hấp của bé nặng hơn hoặc mắc bệnh khác vì trong hơi thở và miệng của người lớn có chứa nhiều vi khuẩn có hại cho bé, nhất là những người có bệnh về đường hô hấp, bệnh lây nhiễm thì rất nguy hiểm.
Làm gì khi trẻ bị sổ mũi
– Tăng cường cho bé uống nhiều nước, bú mẹ đầy đủ.
– Với trẻ lớn khi trẻ bị sổ mũi hay mũi đặc, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tập hỉ mũi, hỗ trợ dùng nước muối sinh lý đúng lượng xịt để nước mũi loãng ra.
– Sử dụng thuốc phải được bác sĩ chỉ định, không tự ý dùng thuốc và các biện pháp xử trí theo dân gian.
– Để trẻ không bị sổ mũi, viêm mũi nên giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài trời lạnh, giữ vệ sinh cho trẻ vì hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu, nhất là trẻ dưới 6 tuổi.
PN (SHTT)