Mùa hè là thời điểm các ca nhập viện vì ăn thực phẩm sai cách tăng cao. Có trường hợp nhập viện chỉ đơn giản là đau bụng, nôn mửa nhiều ngày, có người tiêu chảy, vĩnh viễn rời xa cõi đời vì ngộ độc thực phẩm.
Là một bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, bác sĩ Xu Wu, công tác tại Bệnh viện liên kết thứ nhất của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cũng từng chứng kiến không ít trường hợp bệnh. Trong đó, một trong số các ca bệnh mà bác sĩ Xu Wu ấn tượng nhất là một bé 7 tuổi đến từ Chiết Giang.
Mẹ bé gái này đã ngâm mộc nhĩ, sau đó làm món mộc nhĩ hầm cho bé ăn. Người miền Nam Trung Quốc thường rất thích món này vì cho rằng đây là thực phẩm siêu bổ dưỡng. Tuy nhiên vào ngày hôm sau, bé gái bắt đầu nôn mửa và tiêu chảy. Gia đình nghĩ đó là triệu chứng của đau dạ dày nên đã bỏ qua. Sau đó, các thành viên lần lượt xuất hiện các triệu chứng giống nhau, mọi người mới nhận ra đây có thể là dấu hiệu ngộ độc thực phẩm nên vội vàng đến bệnh viện.
Tuy nhiên lúc này, bé gái đã xuất hiện các triệu chứng như suy gan và thậm chí hôn mê, cô phải được chuyển đến một bệnh viện lớn hơn trong đêm để điều trị. Bệnh viện cũng đã thực hiện thay huyết tương cho bé gái 4 lần nhưng tình trạng vẫn không khả quan.
Trên lâm sàng, nếu một bệnh nhân bị suy 4 cơ quan, tỷ lệ tử vong gần 100%. Khi đó, cô gái đã bị suy 5 tạng, hy vọng được cứu sống gần như mong manh.
Bác sĩ Xu Wu kể, xét nghiệm cho thấy mộc nhĩ ngâm lâu mà gia đình này ăn đã bị nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc Pseudomonas. Tuy nhiên do ngộ độc kéo dài, không được can thiệp sớm nên tình trạng bé gái trở nên nghiêm trọng hơn.
Trên thực tế, không chỉ mộc nhĩ mà nấm khô, váng đậu và tảo bẹ khô,… nếu ngâm quá lâu cũng có thể sinh ra độc tố aflatoxin và các độc tố sinh học khác. Sau khi con người tiêu thụ, ngộ độc đương nhiên không thể tránh khỏi.
Theo bác sĩ, khi bị ngộ độc thực phẩm, do những triệu chứng ban đầu rất giống với bệnh vặt nên mọi người thường chủ quan, cuối cùng dẫn đến hậu quả không thể cứu vãn được.
Ngoài mộc nhĩ, một số thực phẩm sau đây cũng nên cảnh giác khi dùng để tránh ngộ độc
1. Đậu lăng chưa nấu chín
Vì đậu lăng có chứa chất ức chế hemagglutinin, saponin và trypsin, các chất độc thực vật tự nhiên này có khả năng kích ứng mạnh đối với đường tiêu hóa của con người.
Các chất độc này thường phải đun trong thời gian dài mới có thể bị phá hủy nên khi ăn đậu lăng chưa nấu chín sẽ có thể xảy ra các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, tiêu chảy, trường hợp nặng có thể gây sốc và tê liệt đường hô hấp.
2. Giăm bông
Vào mùa hè, thực phẩm như giăm bông có thể bị nhiễm vi khuẩn như Staphylococcus aureus nếu bảo quản nhiều ngày, vượt quá thời gian mà nhà sản xuất quy định.
Staphylococcus aureus là một loại vi khuẩn rất độc. Một khi cơ thể bị nhiễm độc, nó sẽ xâm nhập vào nhiều cơ quan và cuối cùng là gây suy đa tạng. Nếu không cấp cứu kịp thời, thậm chí có thể gây tử vong.
Bác sĩ Xu Wu khuyến cáo nên để giăm bông vào hộp sau đó mới cất vào tủ lạnh. Trước khi ăn, cần kiểm tra xem bề mặt thực phẩm có bị thâm đen hay chảy nước, có mùi lạ hay không.
3. Canh để trong tủ lạnh lâu
Bất kể đó là súp, canh thịt hay cá, nếu nó được đặt trong tủ lạnh mà không có nắp đạy, nó có thể tạo ra botulinum. Càng để lâu trong tủ lạnh, botulinum càng nhiều. Vì vậy các món súp phải đậy kín để trong tủ lạnh, và không để quá 1 ngày.
Theo Đậu Đậu (Nhịp Sống Việt)