Bé gái 4 tuổi nhập viện vì mẹ massage 'lỗ thông minh' ở tai: Cảnh báo 3 vị trí trên cơ thể trẻ chớ tùy tiện động vào

23/05/2022 15:24:08

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều cha mẹ có thể vô tình thực hiện một số hành vi không phù hợp với cơ thể của trẻ, cuối cùng mang lại những tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe.

Trường hợp của bé gái 4 tuổi sống ở Thượng Hải, Trung Quốc là một ví dụ. Khi vừa sinh ra, cô bé có một lỗ nhỏ trên tai khiến người mẹ rất tò mò. Sau khi nghe người khác nói rằng đây chính là “lỗ tai thông minh”, mẹ của cô bé tin đó là sự thật và thường xuyên dùng tay massage lỗ nhỏ trên tai của đứa trẻ.

Nhưng vài ngày sau, đứa bé quấy khóc, nói rằng tai ù không chịu được, sau khi kiểm tra thì người mẹ phát hiện tai con sưng tấy nên vội vàng đưa con đến bệnh viện khám. 

Tại đây, bé gái được bác sĩ thăm khám và cho biết: "Cái gọi là “lỗ tai thông minh” ở trẻ thực chất là dị tật rò luân nhĩ. Dị tật này xuất hiện ngay sau khi trẻ được sinh ra và có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên tai. Không nên dùng tay bóp, nếu không có thể gây ra nhiễm trùng và viêm nhiễm nặng, có trường hợp nặng phải phẫu thuật”.

Sau khi nghe bác sĩ giải thích, mẹ của Tiểu Tâm bật khóc và tự trách bản thân mình thiếu hiểu biết đã khiến con gái phải chịu đau đớn.

Bé gái 4 tuổi nhập viện vì mẹ massage 'lỗ thông minh' ở tai: Cảnh báo 3 vị trí trên cơ thể trẻ chớ tùy tiện động vào

Rò luân nhĩ là gì?

Bệnh rò luân nhĩ là một dị tật bẩm sinh ở trẻ em, khi vùng trước vành tai xuất hiện một lỗ nhỏ, thông vào bên trong vùng chân sụn vành tai, lỗ rò đi sâu vào bên trong và bám vào phần sụn.

Rò luân nhĩ thường xảy ra ở tuần thứ 6 của bào thai, gặp ở bé gái nhiều hơn bé trai. Về mặt bào thai học, rò luân hình thành là do sự kết hợp không hoàn chỉnh giữa cung mang thứ nhất và cung mang thứ hai trong quá trình tạo ra tai ngoài. Dị tật này có thể quan sát thấy ngay sau khi trẻ được sinh ra, thường xuất hiện ở một bên tai, đôi lúc ở cả hai bên.

Rò luân nhĩ thường xuất hiện độc lập, đơn giản, nhưng đôi khi có thể kết hợp với những dị tật khác, dẫn đến tạo thành những hội chứng và bệnh lý với biểu hiện toàn thân như hội chứng khe mang - tai - thận, teo nửa mặt... Tình trạng phổ biến nhất là nốt rò luân nhĩ bị sưng, viêm, có mùi hôi.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị rò luân nhĩ?

Rò luân nhĩ là bệnh lý về dị tật bẩm sinh nên chỉ phòng ngừa sự viêm nhiễm bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, tuyệt đối không được bóp nặn vào lỗ rò.

Vì là dị tật bẩm sinh nên có những trường hợp trẻ chung sống cả đời với dị tật đó mà không gây ra biểu hiện gì ảnh hướng đến sức khỏe. Ngược lại có những trường hợp viêm nhiễm, rỉ dịch, sưng đau, gây áp xe xung quanh... ảnh hưởng đến thính giác.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi thấy trẻ hay đưa tay gãi hoặc lỗ rò có những triệu chứng như rỉ dịch nhờn, quanh lỗ rò phình lớn hơn, cha mẹ cần cho trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để có cách điều trị kịp thời tình trạng viêm nhiễm lỗ rò. Trong trường hợp cần thiết có thể mổ sớm để bảo toàn sức khỏe và giữ thẩm mỹ cho trẻ.

Điều trị bệnh rò luân nhĩ như thế nào?

- Nếu không xảy ra tình trạng nhiễm trùng, viêm lỗ rò luân nhĩ thì không cần xử lý gì;

Bé gái 4 tuổi nhập viện vì mẹ massage 'lỗ thông minh' ở tai: Cảnh báo 3 vị trí trên cơ thể trẻ chớ tùy tiện động vào - 1

- Kê toa thuốc kháng sinh đường uống cho trẻ nếu lỗ rò có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, nóng, đỏ;

- Tiến hành chọc và hút dịch từ ổ nhiễm trùng nặng (áp-xe) nếu bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể lấy mẫu và cho thực hiện nuôi cấy hoặc kiểm tra vi khuẩn có trong ​​mủ để xác định loại kháng sinh phù hợp;

- Rạch và thoát mủ nếu áp-xe luân nhĩ không đáp ứng với kim hút;

- Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đường rò đối với những trường hợp lỗ rò dễ bị nhiễm trùng tái phát. Thủ thuật này được thực hiện sau khi gây mê toàn thân cho trẻ và có thể kéo dài khoảng một giờ. Phẫu thuật thường chỉ được thực hiện sau khi tình trạng nhiễm trùng và viêm lỗ rò luân nhĩ không còn nữa.

3 vị trí cha mẹ cũng không nên để trẻ tùy tiện chạm vào

1. Rốn

Trước khi trẻ chào đời, rốn nối liền với dây rốn, là kênh vận chuyển các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Sau khi chào đời, dây rốn sẽ bị cắt đi, rốn của trẻ chưa đóng hoàn toàn, một số những chất đen sẽ để lại ở rốn, nhưng những chất này không phải là chất bẩn mà là những chất có thể bảo vệ cơ thể bé khỏi sự lây nhiễm vi khuẩn từ bên ngoài.

Vì vậy, các mẹ không được để trẻ chọc ngoáy rốn hoặc tự mình tác động vào vùng này vì không những có thể khiến trẻ bị lạnh bụng mà còn dễ bị đau bụng và ảnh hưởng các cơ quan trong khoang bụng.

Bé gái 4 tuổi nhập viện vì mẹ massage 'lỗ thông minh' ở tai: Cảnh báo 3 vị trí trên cơ thể trẻ chớ tùy tiện động vào - 2

2. Đôi mắt

Đôi mắt rất cần được bảo vệ. Đó là cơ quan giúp chúng ta quan sát mọi thứ, một khi xảy ra sự cố sẽ mang lại rất nhiều bất tiện cho cuộc sống. Ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân của trẻ còn tương đối yếu, trẻ thường dùng tay dụi mắt trực tiếp nên vi khuẩn trên tay dễ xâm nhập vào bên trong mắt, gây nguy hiểm cho mắt và sức khỏe của trẻ.

Vì vậy, cha mẹ nên khuyến khích con rửa tay thường xuyên để giữ vệ sinh, đồng thời dặn dò trẻ nếu có khó chịu, không được dùng tay dụi mạnh vào mắt.

3. Các bộ phận riêng tư

Vùng kín của mỗi người là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, trẻ nhỏ cũng không ngoại lệ, ý thức bảo vệ của mọi người cần được trau dồi ngay từ khi còn nhỏ.

Bé gái 4 tuổi nhập viện vì mẹ massage 'lỗ thông minh' ở tai: Cảnh báo 3 vị trí trên cơ thể trẻ chớ tùy tiện động vào - 3

Cơ quan sinh sản là cơ quan rất quan trọng của cơ thể và có ý nghĩa đặc biệt, nếu trẻ thường xuyên chạm vào một cách vô thức, lâu dần sẽ hình thành thói quen xấu, đồng thời còn gây mất vệ sinh. Vì vậy, nếu cha mẹ thấy con cái có hành vi như vậy thì cần nhắc nhở và hướng dẫn ngay.

Trong lòng các bậc cha mẹ, sức khỏe của con trẻ sẽ luôn được ưu tiên hàng đầu. Việc cha mẹ quan tâm đến thể trạng của con là điều dễ hiểu nhưng làm việc gì cũng phải có cơ sở khoa học, không được mê tín ​​hay tin lời người xung quanh, nếu không sẽ không chỉ làm khổ con mình mà còn để lại bóng đen tâm lý cho trẻ.

PN (Nguoiduatin.vn)