Trang tin Asia One đã chia sẻ một câu chuyện đau lòng được đăng trên Facebook về trường hợp bé trai một tuổi rưỡi đến từ Philippines, bị nghẹn khi ăn thạch.
Sau khi ăn loại thạch này, bé đã bị hóc và gần như không có khả năng thở sau đó. Cậu bé lập tức được đưa đi cấp cứu nhưng được tuyên bố đã qua đời. Tuy nhiên, chỉ sau 26 phút, bé đã được hồi sức cấp cứu và tỉnh lại.
Mặc dù bé trai đã tỉnh nhưng các tế bào não có thể bị tổn thương vĩnh viễn sau khoảng bốn đến sáu phút không lưu thông máu và sau khoảng 10 phút, các tế bào não này sẽ ngừng hoạt động và cuối cùng sẽ chết. Ở trường hợp này, trong suốt 26 phút, máu không hề lưu thông trong não.
Vậy nên cậu bé không tỉnh dậy hoàn toàn mà rơi vào trạng thái hôn mê sâu sau cấp cứu. Bên cạnh đó, cậu bé bắt đầu bị suy đa tạng, số lượng huyết sắc tố giảm mạnh, lượng đường tăng cao cũng như xuất huyết máu và một số triệu chứng khác. Mặc dù đã chiến đấu thật kiên cường nhưng cậu bé đã trút hơi thở cuối cùng sau 2 ngày nhập viện.
Trường hợp đau lòng này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc trẻ nhỏ, cần phải kiểm soát xem chúng ăn gì, ăn ra sao và những hoạt động khác. Vì không ai khác, cha mẹ là người chịu trách nhiệm cho cuộc sống của trẻ nhỏ đến năm 18 tuổi.
Những loại thực phẩm mà trẻ 6 đến 12 tháng tuổi không nên ăn
- Ngô nguyên hạt
- Các loại dâu, cherry và nho
- Rau và trái cây cứng
- Trái cây sấy khô, không nấu chín, như nho khô
- Các loại hạt nguyên hạt, xay vụn hoặc bơ như bơ đậu phộng
- Những miếng thịt cứng hoặc quá to
- Xúc xích
- Thịt cá có xương
- Phô mai theo miếng
- Bánh quy hoặc thanh granola
- Khoai tây chiên, bánh ngô giòn và các loại thực phẩm ăn nhẹ khác
- Bánh mì nguyên hạt
- Gạo hoặc các loại ngũ cốc khác
- Kẹo cứng, thạch, caramels, kẹo mút
- Kẹo cao su
- Kẹo dẻo
- Gelatin
4 phút vàng cứu con cha mẹ phải biết khi trẻ hóc nghẹn
+ Trong khoảng 4 phút đầu sau khi tai nạn xảy ra là thời gian vàng để cứu sống nạn nhân, còn sau đó, bệnh nhi sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch, tử vong hay đối mặt với di chứng não.
+ Mỗi phụ huynh cần chủ động tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản liên quan đến sơ cấp cứu tại chỗ nói chung và sơ cứu dị vật đường thở nói riêng để kịp thời xử lý trong trường hợp chẳng may bé gặp tai nạn.
+ Nếu trẻ hóc dị vật, người lớn tuyệt đối không đưa tay móc miệng trẻ để lấy ra. Việc làm này chẳng những không lấy được dị vật mà còn đẩy nó vào sâu hơn.
+ Khi thấy trẻ có dấu hiệu sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật (thực phẩm cứng, đồ vật nhỏ…), cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh những thao tác sau: Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai. Hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài. Sau khi làm xong, nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức.
+ Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị-vùng trên rốn và dưới xương ức. Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Đồng thời gọi xe cấp cứu khẩn cấp.
+ Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ và người trông trẻ có thể dùng biện pháp ép bụng. Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.
+ Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh.
PN (Nguoiduatin.vn)