Qua khai thác nhanh, người nhà cho biết sau khi ăn lạc, bé gái sau xuất hiện tím tái, khó thở, gia đình đã sơ cứu nhưng không hiệu quả. Trung tâm Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện, đồng tử giãn. Thời gian từ lúc cháu bắt đầu có dấu hiệu khó thở tới khi tiếp cận các y bác sĩ khoảng chừng 15-20 phút.
Ngay lập tức, trạng thái cấp cứu tối khẩn cấp được kích hoạt, ekip hàng chục nhân viên y tế tập trung hỗ trợ ép tim, đặt ống nội khí quản, vận mạch... Sau 3 phút chạy đua với thời gian, bệnh nhi đã bắt được dấu hiệu mạch trở lại.
Ngay khi các chỉ số sinh tồn của bé gái ổn định, ekip gồm 1 bác sĩ cấp cứu và 1 điều dưỡng đã có mặt đưa bé lên xe cứu thương, chuyển về Bệnh viện nhi Trung ương ngay trong đêm. Song song với việc cấp cứu đảm bảo quá trình di chuyển bé xuống Hà Nội, các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đã chủ động liên hệ, báo cáo trước tình hình bệnh nhi và đề nghị chuẩn bị hỗ trợ đón tiếp cấp cứu tới các đồng nghiệp Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội), hóc dị vật có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi dị vật lọt vào đường thở, cần được xử trí cấp cứu ngay vì khi trẻ bị ngừng tuần hoàn, oxy không còn lên não có thể khiến trẻ tử vong nhanh chóng.
"Hóc, sặc phải được xử trí nhanh. Nếu thấy mặt trẻ tím tái mà không tiến hành sơ cứu ngay mà vội bế trẻ đi bệnh viện thì nguy cơ tử vong rất lớn - BS Dũng nói.
Thạc sĩ, BS Nguyễn Hữu Nhân – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, cho biết hóc dị vật đường thở vô cùng nguy hiểm có thể khiến trẻ tử vong nhanh chóng. Nguyên nhân hóc dị vật đường thở có thể do sặc sữa, cơm, cháo, thuốc, đồ chơi trẻ em. Các trẻ lớn thường gặp tai nạn hóc dị vật đường thở do hạt đậu, mãng cầu, mận, hồng xiêm,...
Để nhận biết trẻ bị hóc dị vật đường thở, bác sĩ Nhân cho biết các trường hợp này bệnh cảnh xảy ra đột ngột. Trẻ khỏe mạnh đang chơi hoặc đang ăn, bỗng nhiên ho sặc sụa, tím tái, khó thở, thở nghe tiếng rít.
Lúc này, cha mẹ cần thực hiện thủ thuật sơ cứu dị vật đường thở.
Trường hợp bé ho, sặc sụa sau đó bé hồng hào, khó thở nhẹ hoặc không khó thở không nên thực hiện thủ thuật cấp cứu dị vật đường thở, giữ nguyên tình trạng và đưa trẻ đi khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để soi, gắp dị vật.
Hướng dẫn sơ cứu trẻ hóc dị vật
Trẻ nhỏ: thực hiện thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực
Trẻ sơ sinh và nhũ nhi không sử dụng thủ thuật Heimlich mà sử dụng thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực để tránh nguy cơ chấn thương tạng.
Đặt trẻ nằm sấp, dọc theo cánh tay cấp cứu viên, đầu thấp, người cấp cứu đặt tay dọc lên đùi mình và dùng gót bàn tay còn lại vỗ nhẹ và nhanh 5 cái lên lưng trẻ tại vùng giữa hai xương bả vai. Người sơ cứu làm theo hình dưới.
Nếu dị vật không bật ra, lật ngược trẻ lại, đặt nằm dọc trên đùi ở tư thế đầu thấp. Ấn ngực 5 lần tại vị trí ép tim với tần suất 1 lần/giây. Người sơ cứu làm theo hình dưới.
Làm sạch đường thở giữa các lần vỗ lưng ấn ngực, quan sát khoang miệng, dùng tay lấy dị vật nếu nhìn thấy, không dùng ngón tay đưa sâu để lấy dị vật. Sau mỗi động tác làm sạch đường thở, xác định dị vật đã được tống ra ngoài chưa và đường thở đã được giải phóng chưa. Nếu chưa được, lặp lại trình tự các động tác thích hợp tới khi thành công.
Trẻ lớn: thực hiện thủ thuật Heimlich
Trường hợp trẻ còn tỉnh
Bước 1: Cấp cứu viên đứng sau lưng trẻ.
Bước 2: Vòng 2 tay ra trước, quàng lấy bụng người bệnh. Đặt 1 nắm tay vùng thượng vị ngay đầu dưới xương ức, bàn tay kia đặt chồng lên.
Bước 3: Giật tay lên thật mạnh và đột ngột ấn mạnh nhanh 5 lần theo hướng từ trước ra sau, từ dưới lên. Động tác này phải thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả.
Trường hợp trẻ hôn mê
Đặt trẻ nằm ngửa trên nền đất hoặc ván cứng. Cấp cứu viên quỳ gối, hai đầu gối đặt mé ngoài gối của nạn nhân.
Đặt 2 bàn tay chồng lên nhau, đặt gót bàn tay lên vùng dưới xương ức trẻ . Đột ngột ấn mạnh và nhanh 5 lần theo hướng từ trước ra sau.
Bác sĩ Nhân lưu ý khi dị vật ra khỏi họng và nằm tại miệng trẻ, cần lấy vật này ra một cách thận trọng, tránh để dị vật tụt vào họng trở lại. Sau đó kiểm tra phổi, bụng, mở miệng dùng đè lưỡi, gắp dị vật nếu nhìn thấy, không dùng tay móc dị vật nếu không thấy.
PN (Nguoiduatin.vn)