Nghiên cứu trên gần 49.000 bệnh nhân, được công bố trên tạp chí The Lancet Microbe, cho thấy phần lớn bệnh nhân được cho dùng kháng sinh mặc dù không bị nhiễm vi khuẩn.
Các nhà nghiên cứu cho biết chứng ho khan liên quan đến virus SAR-CoV-2 khiến việc lấy mẫu đờm trở nên khó khăn và các nhân viên y tế không muốn lấy gạc sâu ở phổi vì sợ bị nhiễm trùng. Vì vậy, các bác sĩ đã chuyển sang dùng thuốc kháng sinh khi đối mặt với các lựa chọn điều trị hạn chế.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Bà Dame Sally Davies, cựu giám đốc y tế của Anh và đặc phái viên của Anh về kháng kháng sinh, cho biết sự bùng nổ sử dụng kháng sinh là hệ quả của COVID-19 "có nguy cơ làm trầm trọng hơn và làm gia tăng... đại dịch AMR một cách âm thầm và từ từ".
Việc sử dụng rộng rãi các thuốc kháng vi khuẩn khi đại dịch khởi phát là kết quả của việc các bác sĩ tuân theo hướng dẫn dành cho bệnh nhân cúm khi họ phải vật lộn để điều trị bệnh với một loại virus mới. Virus cúm thông thường gây ra các bệnh nhiễm khuẩn thứ phát, có thể đe dọa đến tính mạng, và là một bệnh đường hô hấp có những điểm tương tự như virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu cho thấy trong số 8.649 bệnh nhân được xét nghiệm nhiễm trùng do vi khuẩn, khoảng 1/10 là dương tính. Tuy nhiên, 37% trong số 36.145 bệnh nhân COVID-19 được khám bởi bác sĩ đa khoa và 85% trong số 46.061 bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện đã được sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kháng sinh.
Clark Russell, nhà lâm sàng vi sinh học tại Đại học Edinburgh và là thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, dữ liệu cho thấy sự "không phù hợp" giữa "nhiễm trùng do vi khuẩn được xác nhận là không phổ biến nhưng việc kê đơn thuốc kháng sinh là rất phổ biến", điều này "có thể đẩy nhanh nguy cơ sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng kháng sinh".
Cũng theo ông Russell, nếu xét đến số lượng người được điều trị trên khắp thế giới vì dịch COVID-19 thì điều đó là "thực sự quan trọng để có được cách sử dụng kháng sinh đúng cách, làm tất cả những gì chúng ta có thể làm để giảm các tác động tiềm ẩn lâu dài hơn đến việc kháng thuốc".
Nghiên cứu xem xét các bệnh nhân nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 năm ngoái, vì vậy dữ liệu không bao gồm làn sóng thứ hai ở Anh, bắt đầu vào nửa cuối năm 2020 và có nhiều bệnh nhân nhập viện hơn so với đợt đầu tiên.
Nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc sử dụng kháng sinh cao nhất vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái trước khi nó bắt đầu giảm dần vào tháng 5.
Bác sĩ Antonia Ho, chuyên về truyền nhiễm tại Đại học Glasgow cho biết, một số yếu tố có thể đã "hạn chế" việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong đợt thứ hai, bao gồm các phương pháp điều trị COVID-19 mới và ít bệnh nhân bị bệnh nặng hơn phải đợi đến "phút cuối cùng mới đi đến bệnh viện".
Bà Davies nói rằng nếu các bác sĩ "lắng nghe dữ liệu khoa học", thì "việc tăng đột biến kinh hoàng" về kháng kháng sinh do làn sóng thứ hai tại Anh có thể tránh được. Nhưng bà đã lên tiếng báo động về tình hình ở các nước đang phát triển: "Ấn Độ thậm chí còn đáng sợ hơn những gì chúng ta đang phải đối mặt".
Vào tháng 5 vừa qua, Ấn Độ đã báo cáo một làn sóng các trường hợp "nấm đen" ở bệnh nhân COVID-19 do sử dụng quá nhiều thuốc steroid. Bà Davies cho biết: "Họ Không chỉ nhiễm loại nấm đen này, mà các bác sĩ Ấn Độ còn tiêm nhiều thuốc kháng sinh vào tĩnh mạch và đường uống". Bà kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới "coi trọng AMR như dịch COVID-19", đồng thời nói thêm rằng họ nên "làm nhiều hơn nữa” để cải thiện việc giám sát kháng sinh và cung cấp các động lực cho các công ty dược phẩm để tạo ra kháng sinh mới, giá cả phải chăng.
Theo Cơ quan Y tế công England, tiêu thụ kháng sinh đã giảm trước đại dịch, từ 19,4 liều trên 1.000 dân mỗi ngày vào năm 2015 xuống còn 17,9 vào năm 2019. Tuy nhiên, số ca nhiễm trùng máu kháng kháng sinh ước tính do các loài vi khuẩn chính đã tăng 32% so với cùng kỳ.
Theo Hải Vân (Báo Tin Tức)