Nhiều năm trở lại đây, sử dụng kháng sinh tự nhiên là xu hướng được mọi người quan tâm, nhất là đối với trẻ nhỏ. Mỗi phụ huynh đều mong muốn con khỏi bệnh nhờ những loại rau lá thuốc có sẵn thay vì phải uống kháng sinh. Những loại rau củ có tính kháng sinh lên ngôi. Lá hẹ không nằm ngoài cuộc bởi tính kháng sinh cực mạnh. Đặc biệt, giới chuyên gia cũng ghi nhận là hẹ dùng để trị bệnh cho trẻ nhỏ, trong đó có bệnh cảm cúm.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, lá hẹ vị ngọt cay, tính ấm, có công dụng ôn trung bổ hư, điều hòa phủ tạng, bổ thận ích dương, đồng thời có tác dụng ôn trung, kiện vị, hành khí, tán ứ, chỉ hãn.
Ngoài ra, hẹ còn có tác dụng chữa lỵ rất hiệu quả. Hạt hẹ có vị cay, ngọt, tính ấm, có tác dụng ôn trung, trợ vị khí, điều hoà tạng phủ, hạ nghịch khí, cố thận tinh, tán ứ huyết.
Trong sách Bản thảo thập di ghi nhận công dụng của cây hẹ: "Rau hẹ là ấm nhất, có ích cho người, nên ăn thường xuyên". Với riêng trẻ nhỏ, hẹ phát huy tính kháng sinh cực mạnh, có thể chữa được ho, sốt, cảm cúm... Đối với bệnh cảm cúm ở trẻ nhỏ, mẹ có thể trị dứt điểm cho con theo 3 bài thuốc vàng sau:
Lá hẹ hấp mật ong
Nguyên liệu:
- 100g lá hẹ tươi.
- Mật ong nguyên chất.
Cách làm:
- Lá hẹ tươi đem rửa sạch, cắt khúc khoảng 2cm, cho lá hẹ vào bát.
- Đổ mật ong nguyên chất lên ngập mặt lá hẹ.
- Đem hấp cách thủy lá hẹ mật ong khoảng 30 phút.
Cách dùng: Chắt nước cho con dùng 2-3 thìa mỗi lần, ngày uống 3 lần, với trẻ lớn có thể khuyến khích ăn cả lá hẹ sẽ nhanh có kết quả hơn.
Lá hẹ có tính kháng sinh mạnh, kết hợp với mật ong là thực phẩm thuốc tính kháng viêm, sát trùng, diệt khuẩn, rất tốt để trị ho, cảm cúm. Mặc dù vậy, lương y Bùi Hồng Minh khuyến cáo không nên sử dụng bài thuốc từ lá hẹ mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi. Thay vào đó, mẹ có thể thay đổi mật ong thành đường phèn sẽ đem lại công dụng trị cảm cúm cực hiệu quả lại không làm hại sức khỏe của trẻ cũng như loại bỏ nguy cơ bị dị ứng, ngộ độc...
Lá hẹ hấp gừng tươi
Nguyên liệu:
- 5-6 lá hẹ.
- 1 lát gừng tươi.
- Đường phèn.
Cách làm:
- Lá hẹ rửa sạch, cắt khúc thành từng đoạn nhỏ cùng với 1 lát gừng nhỏ.
- Bỏ thêm chút đường phèn cho vào hấp chín.
Cách dùng: Trẻ nhỏ mỗi lần uống 2-3 ml/ lần và ngày uống khoảng 2 lần, cho bé uống liên tục 4-5 ngày. Bài thuốc giúp chữa cảm mạo, ho rất tốt.
Trong Đông y, gừng cũng là một loại thuốc rẻ tiền chứ không chỉ có vai trò làm gia vị. Đông y ghi nhận, gừng có tác dụng làm ấm cơ thể, hồi dương, thông kinh mạch nên thường được dùng chữa cảm, chân tay lạnh, buồn nôn... Do đó hoàn toàn có thể sử dụng gừng để điều trị cảm cúm cho bé tốt hơn. Việc bổ sung đường phèn giúp món thuốc trị cảm cúm thêm ngon hơn, kích thích trẻ tiêu thụ để trị bệnh hiệu quả.
Lá hẹ, chanh, nghệ tươi
Nguyên liệu:
- 10g lá hẹ.
- 1 quả chanh tươi.
- 20g củ nghệ tươi.
Cách làm:
- Chanh tươi thái lát mỏng, hẹ cắt khúc ngắn; nghệ đem nướng chín, cạo vỏ rồi giã nát.
- Cho những nguyên liệu này vào một cái chén sạch, thêm 4 muỗng nước lọc rồi nồi hấp cách thủy 15 - 20 phút.
Cách dùng: Cho trẻ uống 2 thìa hỗn hợp trên, sau các bữa ăn chính khoảng 15 phút.
Trong Đông y, chanh và nghệ tươi đều có tính kháng sinh mạnh, phát huy hiệu quả công dụng trị cảm cúm không chỉ với trẻ nhỏ. Đông y cho rằng, chanh để cả vỏ có khả năng tiêu độc mạnh nhất, do đó hoàn toàn hợp lý khi cắt lát chanh cả vỏ để làm đồ uống chữa cảm cúm cho bé. Ngoài ra, nghệ tươi cũng có tính kháng sinh cực mạnh nhờ chứa một nhóm hoạt chất có tên là curcumin với những công dụng không ngờ cho sức khoẻ, trong đó có công dụng trị cảm cúm cũng rất tốt.
Lưu ý: Những bài thuốc trị cảm cúm từ lá hẹ cần hỏi thêm ý kiến bác sĩ đối với trẻ dưới 1 tuổi, trẻ mắc bệnh lý nền nào đó. Sử dụng bài thuốc cần theo dõi kỹ biểu hiện xem có thuyên giảm không. Nếu không có tiến triển nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Theo HH (Nhịp Sống Việt)