Bác sĩ tiếc nuối khi cắt buồng trứng bé 6 tháng tuổi chỉ vì sai lầm này của bố mẹ

10/06/2019 13:42:56

Liên tục quấy khóc, bỏ bú, có khối phồng vùng bẹn, bé gái 6 tháng tuổi được đưa đến viện và bác sĩ buộc phải cắt bỏ buồng trứng.

Tuần trước, bé H (6 tháng tuổi, Quảng Bình, đã đổi tên) liên tục quấy khóc, bỏ bú, có khối phồng sưng to vùng bẹn. Gia đình đưa em cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.

Bé được nhận định bị thoát vị bẹn. Khối thoát vị to chèn ép gây xoắn vòi trứng và buồng trứng trái khiến cơ quan này bị hoại tử. Không thể bảo tồn được buồng trứng trái của bé, bác sĩ buộc phải cắt bỏ.

Bác sĩ tiếc nuối khi cắt buồng trứng bé 6 tháng tuổi chỉ vì sai lầm này của bố mẹ
Sau mổ, bé H đã ổn định sức khoẻ. Ảnh: L.Nhật

3 ngày trước khi vào viện, bà ngoại phát hiện bé H có khối phồng nhỏ nhưng do chủ quan nên không cho cháu đi khám. Đến lúc khối phồng sưng to, cháu đau quấy khóc, mới đưa đến bệnh viện.

BS Lê Mạnh Hà, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới chia sẻ rất đáng tiếc vì bệnh nhi đến viện quá muộn. Khối thoát vị chèn ép gây hoại tử vòi trứng và buồng trứng, đành phải cắt bỏ buồng trứng.

Thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh chiếm 0,8 - 4,4% bệnh lý ở trẻ em. Ở trẻ sinh non tần suất còn cao hơn, đến 30% tùy theo tuổi thai. Bệnh gặp ở cả hai giới nhưng bé trai có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái 3-10 lần. Bệnh có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên bẹn của trẻ, thường gặp ở bên phải (60%) hơn so với bên trái (25%), hoặc có khi bé bị cả hai bên (15%).

Bệnh tưởng chừng đơn giản nhưng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu cha mẹ chủ quan, không điều trị kịp thời.

Ở bé gái, nếu bệnh phát hiện muộn, không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng nghẹt gây các hậu quả như ruột, buồng trứng trong ổ bụng có thể chui vào ống phúc tinh mạc, gây nghẹt dẫn đến hoại tử.

Với bé trai, có thể tổn thương tinh hoàn, mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép do nội tạng bị nghẹt.

Thoát vị bẹn biểu hiện bằng một khối phồng vùng bẹn bìu ở trẻ trai và vùng gần âm môi ở trẻ gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi bé khóc, rặn đại tiện hay sau vận động mạnh như chạy nhảy, thể dục. Khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó nhìn bé lại như bình thường.

Thoát vị bẹn nghẹt khi vùng bẹn của trẻ có một khối phồng căng cứng, sờ đau và có thể bé không cho sờ. Đa số các bé nhập viện với tình trạng bứt rứt, quấy khóc than đau (với trẻ lớn) và bỏ bú, nôn ói (trẻ nhỏ).

Phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh lý này là phẫu thuật. Khuynh hướng hiện nay là giải quyết sớm khi phát hiện bệnh để đề phòng biến chứng nghẹt. Đường mổ nhỏ khoảng 3-4 cm ở vùng nếp gấp bẹn, rất khó thấy và đảm bảo tính thẩm mỹ. Thông thường vết mổ sẽ lành và được cắt chỉ sau 7 ngày.

Trước đây phẫu thuật thoát vị bẹn thường được mổ mở (mổ phanh). Tuy nhiên, nhiều bệnh viện hiện nay đã áp dụng kỹ thuật điều trị thoát vị bẹn bằng nội soi.

Theo T.Nguyen (Giadinh.net.vn)