Quyết không dùng kháng sinh, tự tìm đơn thuốc điều trị cho con
Chị Trần Thị Hải trú tại Mỹ Đình, Hà Nội tâm sự, bé Bống 11 tháng tuổi nhà chị thường xuyên chảy nước mũi, ho sốt. Chị đã cho con sử dụng nhiều loại thuốc nhưng không ăn thua.
Chị cũng đưa bé đi khám bác sĩ nhưng khi bác sĩ kê kháng sinh, chị Hải lại đắn đo không sử dụng mà về nhà chỉ cho con sử dụng các loại thảo dược tự nhiên như húng bạc hà, quất, hoa hồng bạch, mật ong.
Chị đã sử dụng đủ các biện pháp nhưng tình trạng con không đỡ, bé chuyển sang viêm mũi kèm theo viêm tai giữa có mủ. Được bác sĩ chỉ định bé phải trích dịch, dẫn lưu mủ từ tai giữa ra chị Hải lo lắng thính giác của con bị ảnh hưởng nên không cho trích mà về nhà cho bé sử dụng các loại thuốc.
Để thuốc hiệu quả, chị chắt lọc đủ các đơn thuốc trị viêm tai giữa trên mạng và bắt đầu hành trình thử các loại cả thuốc bào chế gia truyền. Cả tháng trời thử nghiệm thuốc cho con, chị Hải có tâm lý yên tâm vì lựa chọn kháng sinh nhẹ, thuốc tốt cho con. Đến khi bé bị sốt liên miên, bỏ ăn, bỏ bủ chị mới ôm con vào bệnh viện cầu cứu bác sĩ.
Sau thời gian điều trị, sau 2 tháng dịch trong tai của bé vẫn chưa hết, mỗi lần đưa con đi khám bác sĩ nội soi tai mũi họng, chị Hải lại có cảm giác như thắt ruột gan.
Nhận xét về trường hợp nói trên, PGS TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, do mẹ điều trị sai cách ngay từ đầu - đó là bỏ đơn thuốc bác sĩ tự điều trị rồi tự tìm đơn thuốc cho con khiến bé biến chứng viêm tai giữa nặng. May mà bé chưa bị biến chứng viêm hô hấp dưới nguy hiểm hơn nhiều.
Mùa dịch viêm hô hấp
Bác sĩ Dũng cho biết, trời nồm, lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc phát triển, dễ gây các bệnh về đường hô hấp cho trẻ nhỏ. Viêm đường hô hấp trên là bệnh khá phổ biến, thường gặp, dễ điều trị nhưng dễ tái phát, vì vậy các bậc phụ huynh cần có kiến thức đúng đắn để chăm sóc con.
Viêm hô hấp trên với các triệu chứng điển sốt, ho, chảy nước mũi và trẻ có thể bị tái đi tái lại.
Bác sĩ Dũng cho biết viêm hô hấp trên dễ tái phát có trẻ đầu tháng bị, cuối tháng lại bị, nhiều người cho rằng đợt viêm hô hấp trước trẻ chưa khỏi nên bị tái phát. Đã có nghiên cứu với trẻ viêm hô hấp trên một đợt không biến chứng sẽ khỏi dần và cứ khoảng nửa tháng trẻ có thể bị một đợt
Khi trẻ bị tái đi tái lại, cha mẹ cũng không nên sử dụng đơn thuốc cũ vì có thể đợt này có vi khuẩn hoạt động đợt sau không có, do vậy nhiều trẻ cứ tái phát lại là bố mẹ dùng kháng sinh vì cứ thấy các triệu chứng: ho, hắt hơi, sổ mũi... là tưởng giống nhau.
Trường hợp bệnh tái phát hay tái đi tái lại phải do bác sĩ chuyên khoa xác định. Bệnh thường tái đi tái lại trên cơ thể trẻ có cơ địa kém
Làm gì khi trẻ viêm hô hấp?
Bác sĩ Dũng cho biết, khi trẻ bị viêm hô hấp chỉ đơn thuần có dấu hiệu ho sốt thôi thì nên dùng thuốc hạ sốt thông thường. Nhưng khi trẻ có các biến chứng xuống phổi khó thở, thở nhanh, thở phát ra tiếng bất thường thì phụ huynh phải đưa con đến cơ sở y tế. Phụ huynh cũng cần lưu ý biến chứng ở tai vì liên quan đến thính giác của trẻ.
Trong điều trị viêm hô hấp, bác sĩ Dũng lo ngại nhất là các bậc phụ huynh tự kê đơn kháng sinh cho trẻ đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Các bậc phụ huynh không được phép lấy con mình ra làm thí nghiệm về sử dụng kháng sinh – bs Dũng nhấn mạnh.
TS Phan Bích Nga – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, để phòng các bệnh viêm đường hô hấp trong mùa này, cha mẹ cần bổ sung các vitamin cho trẻ, có thể bổ sung từ hoa quả, trái cây.
Đặc biệt là bổ sung vitamin A, với trẻ nằm trong độ tuổi được nhà nước tài trợ vitamin A miễn phí nhỏ hàng năm, cha mẹ cần cho bé đi nhỏ vitamin A. Ngoài ra có thể bổ sung cho trẻ bằng các vitamin tổng hợp có vitamin A, vitamin D và omega.
Đối với trẻ hay bị viêm đường hô hấp, cha mẹ không nên cho trẻ ăn đồ hộp mặn quá, hạn chế đồ công nghiệp nhiều đường. Ăn đồ muối còn gây tăng huyết áp, khó thở, dễ bị ho hơn. Giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, nếu có điều kiện, các bà mẹ không nên dùng chổi quét nhà, mà nên sử dụng máy hút bụi để đảm bảo vệ sinh hơn.
Theo Ngọc Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)