Tưởng con say nắng, không ngờ mắc bệnh gây bại não, liệt tứ chi vì sai lầm của mẹ

04/07/2018 14:57:55

Hiện đang có hàng chục bệnh nhi nhập viện do viêm não Nhật Bản, đa số là những trẻ ở tuổi vị thành niên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bố mẹ.

Trao đổi với phóng viên, TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, từ đầu mùa hè đến nay khoa đã tiếp nhận 37 trường hợp dương tính với viêm não Nhật Bản, hiện tại khoa vẫn đang điều trị khoảng 10 cháu mắc căn bệnh này.

Do số lượng bệnh nhi gia tăng trong những ngày nắng nóng, khoa Truyền nhiễm đã dành toàn bộ tầng 3 với hơn 10 giường bệnh để điều trị những trẻ mắc viêm não Nhật Bản.

Tưởng con say nắng, không ngờ mắc bệnh gây bại não, liệt tứ chi vì sai lầm của mẹ
Bệnh nhi viêm não Nhật Bản đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm.

Theo ghi nhận của phóng viên, điều đặc biệt đối với bệnh viêm não Nhật Bản năm nay đó là lượng bệnh nhi trên 8 tuổi có tỷ lệ mắc khá cao, thậm chí có những trẻ 15 tuổi vẫn mắc căn bệnh này và bị biến chứng rất nặng.

Điển hình như trường hợp của cháu Nguyễn Thanh Ch. (15 tuổi, ở Quảng Ninh) nhập viện đã hơn 1 tuần nay nhưng tình trạng vẫn rất nguy kịch, đáng nói là bệnh nhân Ch. còn bị biến chứng liệt chi dưới, thường xuyên lên cơn co giật.

“Hiện bệnh nhân Ch. vẫn phải thở máy, dù đầu đã tỉnh táo nhưng chân vẫn bị liệt, do thường xuyên lên cơ co giật, bệnh nhân dùng tay để rút ống thở, nên chúng tôi phải dùng dây vải mềm buộc tay cháu lại”, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Ch. chia sẻ.

Tưởng con say nắng, không ngờ mắc bệnh gây bại não, liệt tứ chi vì sai lầm của mẹ - 1
Bệnh nhân Ch. phải buộc tay để đề phòng những cơn co giật.

Nằm ngay bên cạnh phòng bệnh nhân Ch. là cháu Nguyễn Thị Ý Nhi (11 tuổi, ở Cao Bằng) cũng đang mắc căn bệnh viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, sức khỏe Nhi hiện tại đã tiến triển tốt, chỉ còn một số di chứng của co giật như: méo mồm, chưa quay đầu được và ý thức chưa hồi phục hoàn toàn.

Mẹ bé Nhi chia sẻ, ban đầu con chị chỉ đau đầu và sốt, có cho đi khám nhưng bác sĩ chẩn đoán là bị say nắng. Khi đưa về nhà, đến tối bé Nhi bỗng nhiên lên cơn co giật nghiêng cả người, mồm méo xệch…

Ngay sau đó, cháu được đưa đến bệnh viện tỉnh, nhưng do co giật nhiều quá nên chuyển thẳng đến BV Nhi Trung ương. Mẹ bé Nhi cho biết, từ khi sinh ra, con chị chưa một lần được tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản.

Tưởng con say nắng, không ngờ mắc bệnh gây bại não, liệt tứ chi vì sai lầm của mẹ - 2
Cháu Ý Nhi hiện không phải thở máy nhưng vẫn cần phải theo dõi tại viện.

TS Nguyễn Văn Lâm cho biết, mọi năm độ tuổi chủ yếu mắc viêm não Nhật Bản là từ 2-8 tuổi, nhưng năm nay số trẻ ở độ tuổi 8-12 mắc căn bệnh này lại có xu hướng gia tăng.

“Thực ra điều này không có gì là bất thường cả, sở dĩ trẻ ở lứa tuổi 8-12 mắc viêm não Nhật Bản nhập viện nhiều trong thời gian gần đây là do bố mẹ quên không tiêm mũi viêm não Nhật Bản nhắc lại cho con. Bởi vậy, trẻ không đủ kháng thể để chống lại virus gây bệnh”, TS Lâm lý giải.

Theo TS Lâm, hiện nay đa số các phụ huynh chỉ tiêm 3 mũi vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ, nhưng lại quên mất rằng sau đó 3 đến 5 năm phải tiêm nhắc lại 1 lần, cho đến khi đủ 15 tuổi, nên mới xảy ra tình trạng trẻ lớn tuổi mắc bệnh nhiều như hiện nay.

Nói về những di chứng khi trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản, BS Lâm cảnh báo: “Trẻ mắc viêm não Nhật Bản không chỉ gây khó khăn trong quá trình điều trị, mà còn ảnh hưởng đến vận động, trí tuệ sau này”.

Chính bởi vậy, TS Lâm khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho trẻ: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày cần chú ý vệ sinh cá nhân, nơi ở sạch sẽ, đi ngủ phải mắc màn để tránh muỗi đốt, vì muỗi chính là vật trung gian truyền căn bệnh viêm não Nhật Bản.

Theo Lê Phương (Khampha.vn)