Tết vừa qua, tôi được các cháu biếu hai gói nhân sâm từ Hàn Quốc. Tôi nghe nói nhân sâm bổ nhưng dùng sai có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi sử dụng nhân sâm như thế nào cho tốt? Nguyễn Thị Phụng (Thủ Đức, TP.HCM)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngô Minh Như - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 - tư vấn:
Nhân sâm là rễ phơi khô của cây, chia làm 3 loại:
- Dã sơn sâm, loại mọc hoang trong núi sâu rừng rậm, có sức bổ khí tương đối mạnh.
- Di sơn sâm, loại mọc ở rừng núi rồi mang về trồng ở vườn, có tác dụng gần như Dã sơn sâm nhưng tính nóng hơn.
- Dưỡng sâm, loại trồng bằng nhân công, tính thiên về ôn (nóng).
Nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, quy vào kinh phế và tỳ, có tác dụng đại bổ nguyên khí, bổ phế, bổ tỳ, sinh tân dịch, khỏi cơn khát nước.
Đồng thời, các tác dụng dược lý từ thành phần của nhân sâm đã được chứng minh có tác dụng hưng phấn thần kinh trung ương, giúp giảm mệt mỏi, tăng hiệu suất công việc nhờ vào sự cân bằng tiết adrenaline của cơ thể.
Đối với hệ tim mạch và hô hấp, dược liệu này có tác dụng làm hưng phấn hệ thần kinh giao cảm và trung tâm hô hấp. Trên hệ miễn dịch, nhân sâm giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, kích thích sự trẻ hóa của tế bào, tăng cường hàng rào bảo vệ cơ thể với các tác nhân như cúm hay bệnh truyền nhiễm khác.
Các thành phần ginsenosides trong nhân sâm có tác dụng chống lại khối u và ức chế sự phát triển và tăng trưởng của tế bào ung thư. Ngoài ra, loại này còn có tác dụng giảm insulin, hỗ trợ điều trị đái tháo đường và giảm lượng cholesterol.
Khi sử dụng đơn độc, một vị sâm có thể dùng 10-30g. Liều lượng khi phối hợp với các vị thuốc khác là 3-10g. Tuy nhiên, những trường hợp tràng vị có thực tà mà chính khí chưa hư thì kiêng dùng.
Ngoài ra, nhân sâm còn được sử dụng để ngâm rượu. Rượu nhân sâm có tính ôn, vị ngọt, hơi đắng, cay, tác dụng trừ hàn, làm khí huyết lưu thông, tăng cường sinh lý nam,…
Nhân sâm là một vị thuốc quý song đó không phải là thứ “vạn linh chi dược”. Đối với người lớn tuổi hay bệnh nhân đang điều trị, nó sẽ gây tác động xấu cho hệ tiêu hóa dẫn đến khó hấp thu, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)