Mới đây, Công ty Tuyển than Cửa Ông – TKV (thuộc Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam) đã chi tới gần 5 tỷ đồng (4,99 tỷ) để mua cá song biển phát cho nhân viên nhân ngày rằm tháng Giêng.
Trao đổi với VietNamNet ngày 5/2, đại diện công ty cho biết, việc mua cá song là nhằm tri ân người lao động, bởi đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi trong năm tài chính 2022.
"Đây không phải lần đầu chúng tôi làm việc này. Trước đó, dịp Tết công ty cũng mua cá song chia cho công nhân. Mỗi người 3-4kg gì đó. Chúng tôi phát ở công ty để mọi người mang về nhà. Vì là vùng biển nên mọi người đều hiểu giá trị của cá song và điều này nhận được đồng thuận của người lao động", ông Phạm Anh Phong, Chánh Văn phòng Công ty cho biết.
Vậy cá song này có mức giá ra sao và giá trị dinh dưỡng thế nào khi sử dụng? Theo tìm hiểu, cá song hay còn gọi là cá mú biển là loại cá đắt tiền với giá trên thị trường dao động khoảng 300-350.000 đồng/1kg.
Về giá trị dinh dưỡng, loại cá này có hàm lượng dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, bổ dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên do giá cả đắt đỏ nên không phải ai cũng có đủ khả năng để thưởng thức.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chia sẻ trên Tri Thức & Cuộc Sống, cá mú là loài cá nước mặn có vị thơm ngon rất đặc trưng và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo đó, trong 100g cá mú ăn được có chỉ có 100 KCal và chứa hàm lượng canxi, sắt, magie, phốt pho rất cao.
Loại cá này có hàm lượng chất béo rất thấp, vì thế ngoài tác dụng bồi bổ cơ thể, phòng tránh bệnh tật nó còn rất tốt cho người ăn kiêng, muốn giảm cân. Ăn thường xuyên cá mú còn giúp trẻ hóa làn da, níu kéo tuổi xuân. Trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng hoặc người suy nhược gầy sút dùng cá mú kết hợp với một số thực phẩm khác cũng mang lại hiệu quả rất cao.
Tuy nhiên, vị lương y này lưu ý, mọi người không vì cá mú tốt mà sử dụng quá thường xuyên, chỉ nên thi thoảng mới dùng để cơ thể hấp thu được các dưỡng chất tốt nhất. Nếu sử dụng thường xuyên cơ thể không kịp hấp thu sẽ đào thải ra ngoài, hơn nữa chỉ sử dụng cá trong một thời gian dài cũng không tốt vì nó sẽ khiến mất cân bằng các chất nạp vào cơ thể.
Các món ăn thuốc từ cá mú
Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời BS. Nguyễn Phan Trúc Nguyên cho biết, cá mú ngon nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng, có thể chế biến thành nhiều món ngon bổ, có tác dụng trị nhiều bệnh hiệu quả.
Chữa phù do suy dinh dưỡng: Dùng bài Cháo cá mú: cá mú, gạo mới, đậu xanh, hành hoa, giá đậu, rau mùi, gừng, hành, gia vị vừa đủ nấu cháo ăn. Công dụng: kiện tỳ hóa thấp, bổ khí huyết... Trị tỳ hư, trẻ em còi, người lớn khó lên cân, các chứng hư nhược gầy sút, phù thũng không rõ nguyên nhân.
Chữa gân xương yếu (nuy chứng): Dùng bài Lẩu cá mú: cá mú, đậu phụ, xương heo, cà chua, nấm rơm, rau ăn lẩu, cải canh, xà lách, cải xoong, hoa chuối, rau đắng là gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn... Công dụng: bổ khí huyết, dưỡng gân xương... Trị chứng hư nhược, mới ốm dậy, người mệt mỏi, lưng yếu, gân xương đau dùng đều tốt.
Chữa đái tháo đường, mệt mỏi: Dùng bài Cá mú chưng tương: cá mú, cà chua, hành tây, nấm hương, nấm mèo, tương hột, miến, tỏi, hành, tiêu gia vị vừa đủ hấp ăn... Công dụng: bổ khí huyết, kiện tỳ, hóa thấp, sinh tân... Trị chứng tiêu khát, hình thể gầy ốm, mệt mỏi.
Chữa chứng tâm tỳ hư ăn ngủ kém: Dùng bài Canh cá mú hoa lý: cá mú, hoa lý, hành, gừng, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: kiện tỳ dưỡng tâm, bổ khí huyết... Trị chứng mệt mỏi, ăn ngủ kém, khó lên cân.
Chữa thai nhi chậm phát triển: Dùng bài Cá mú nấu canh cần: cá mú, cà chua, rau cần, thì là, ớt, mắm muối, gia vị vừa đủ nấu ăn... Công dụng: bổ khí huyết, ích ngũ tạng... Trị chứng khí huyết hư, phụ nữ trước và sau sinh hư nhược, người đái tháo đường, tăng huyết áp dùng đều tốt.
Chữa phụ sản sau sinh ăn kém, ít sữa: Dùng bài Cá mú chưng gừng: Cá mú, nấm đông cô, thịt giò heo, gừng, nghệ, ớt, hành, tỏi, tiêu, muối, đường, gia vị vừa đủ chưng ăn. Công dụng: bổ khí huyết, kiện tỳ, lợi sữa... Trị chứng khí huyết hư, mệt mỏi ở người già, trẻ em.
Chữa huyết hư, chóng mặt: Dùng bài Cá mú hấp nấm: cá mú, thịt heo xay, nấm hương, mỡ chài, tỏi, hành, tiêu, gia vị vừa đủ hấp ăn. Công dụng: bổ khí huyết, ích tỳ thận... Bài này rất tốt cho người ốm lâu ngày, khí huyết đều hư.
Chữa bí tiểu, phù thũng: Dùng bài Canh chua cá mú: cá mú, cà chua, măng chua, giá đậu, dọc mùng, gia vị vừa đủ nấu chua ăn. Công dụng: Kiện tỳ hóa thấp, tiêu phù... Trị ngoại cảm nội thương khí huyết hư mà sinh phù.
Chữa trẻ em tỳ hư, chậm lớn: Dùng bài Cá mú sốt chua ngọt: cá mú, hành tây, cà chua, thơm, củ kiệu, gia vị. Cá chiên vàng, hành tây, thơm, ớt xanh, củ kiệu các vị cắt hột lựu phi thơm, rưới lên cá. Công dụng: bổ tỳ vị, dưỡng khí huyết... Trị chứng chóng mặt, ho đàm, tức ngực sườn.
Chữa tỳ hư ăn không ngon: Dùng bài Cá mú om dưa: cá mú, dưa chua, cà chua, thì là, gừng, dầu ăn, hành tím, đường, tiêu, gia vị vừa đủ kho ăn... Công dụng: kiện tỳ vị, hóa đờm, dưỡng khí huyết... Trị chứng can tỳ hư ăn không ngon mệt mỏi.
PN (Nguoiduatin..vn)