Chủ quan với dấu hiệu lạ
Ngày 1/10, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chia sẻ chỉ tuần qua ông tiếp nhận 5 ca bệnh nhi dưới 15 tuổi vào khám vì lý do bụng to, ra máu âm đạo, mất kinh, chán ăn, mệt mỏi thì có 3 ca là ung thư buồng trứng.
Trường hợp của bé V. (12 tuổi), đang là học sinh lớp 6. V. có kinh nguyệt từ năm 10 tuổi. Mấy tháng nay, V. thấy người mệt mỏi, ăn không ngon miệng, đau âm ỉ bụng, mất kinh và bụng to lên bất thường. Tuy nhiên, V. nghĩ em đang béo nên không đi khám giấu bố mẹ.
Khi tình trạng nặng, người sụt, bụng to như có bầu mẹ mới đưa đi viện khám. Siêu âm khối u to 30 cm ở dưới rốn. Cả gia đình tá hoả với chẩn đoán ung thư buồng trứng.
Trường hợp của bệnh nhi M. (dưới 15 tuổi). Bé thường đau bụng âm ỉ, ra máu âm đạo thường xuyên nhưng giấu mẹ. Khi không chịu nổi mới nói cho mẹ biết. Mẹ cháu vội vàng đưa con tới bệnh viện Từ Dũ khám. Chẩn đoán ban đầu ung thư buồng trứng và chuyển sang bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Tại đây, bác sĩ siêu âm, chụp CT thấy khối u to 20 cm. Sinh thiết kết quả cũng là ung thư buồng trứng. Bác sĩ Tiến cho biết còn ca nữa bác sĩ ám ảnh nhất đó là cháu bé bị ung thư buồng trứng thể bệnh bướu xoang nội bì. Đây là ung thư buồng trứng thể ác tính nhất và các bác sĩ ung bướu đều gặp khó khăn trong điều trị bệnh này. Cháu bé này thật không may mắn khi mắc ung thư lại mắc thể ác tính nhất.
Còn hai bệnh nhi khác cũng vào viện vì lý do bụng to nhưng may mắn hai bé chỉ bị u buồng trứng lành tính. Các bác sĩ điều trị phẫu thuật và hồi phục sức khoẻ.
Bác sĩ Tiến chia sẻ có nhiều bệnh nhi vào viện với lý do bụng to, các cháu ở độ tuổi từ 12 – 19 tuổi. Có những bé mẹ còn tưởng là có bầu và kiên quyết mang con đi kiểm tra và kết quả chết điếng nhận được là ung thư buồng trứng, không phải bầu bí như bà mẹ nghĩ.
Dấu hiệu ung thư buồng trứng
Bác sĩ Tiến cho biết nguyên nhân ung thư buồng trứng chưa rõ tất cả nhưng có một nguy cơ được biết đến là do di truyền.
Ung thư buồng trứng di truyền do gen bị lỗi được gọi là “ung thư di truyền”. Một người hoặc gia đình có tiền căn ung thư nội mạc tử cung, ung thư đại tràng, ung thư vú, hoặc ung thư buồng trứng nghĩa là bạn được thừa hưởng khả năng tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Ung thư di truyền chiếm khoảng 20% ung thư buồng trứng. Trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ thừa hưởng gen lỗi BRCA1 hoặc BRCA2. Những gen lỗi này được đặt tên theo sự kết nối với ung thư vú (Breast Cancer genes 1 và 2) nhưng cũng liên quan đến ung thư buồng trứng di truyền, ung thư vòi trứng và các loại ung thư khác.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ trong lối sống như hút thuốc lá, quá cân hoặc ăn thức ăn nhiều chất béo cũng có thể gia tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Những năm gần đây, bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân trẻ em mắc ung thư buồng trứng đang dần tăng lên và phát triển nhiều ở các bé gái nhỏ tuổi.
Việc điều trị ung thư buồng trứng cũng phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh như thế nào. Bác sĩ Tiến khuyến cáo các bậc cha mẹ cần quan tâm tới con gái mình nhiều hơn. Khi thấy các bất thường như:
Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, bụng to lên bất thường, trong bụng có nổi cục như các khối u, kinh nguyệt rối loạn không đều, thường xuyên gặp hiện tượng đau bụng không rõ nguyên nhân
Cha mẹ cần đưa các bé gái đi khám sản khoa hoặc ung bướu để phát hiện sớm bệnh ung thư buồng trứng.
Bác sĩ Tiến cho biết việc điều trị ung thư buồng trứng nói chung dù bệnh nhân đến với bất cứ giai đoạn nào cũng phải phẫu thuật triệt để: Cắt tử cung tận gốc + 2 phần phụ + đại võng (mạc nối lớn) và có thể nạo hạch chậu, hạch cạnh động mạch chủ bụng.
Tuy nhiên trước những ung thư buồng trứng xuất hiện ở người trẻ chưa lập gia đình hay chưa có con mà mong muốn có con, người bác sĩ ung thư phụ khoa cần chọn lựa kỹ lưỡng bệnh nhân nào phù hợp và bàn bạc với người bệnh về nguy cơ tái phát khi điều trị bảo tồn sinh sản.
Theo Bảo Lâm (Phunusuckhoe.vn)