Bỏ qua dấu hiệu ban đầu
Chị Đỗ Hồng Hải –(28 tuổi, quê Nam Định) được chẩn đoán ung thư vòm họng từ hai năm trước, đến tháng 2 vừa qua chị bị tái phát và phải xạ trị biến liều và hóa chất. Sau khi ra viện được 4 tháng, chị Hải tiếp tục bị di căn hạch cổ và phải điều trị bằng hóa chất.
Chị Hải kể ban đầu chị không biết rằng mình bị ung thư vòm họng mà nghĩ bị nghẹt mũi. Lúc mắc bệnh vào tháng 2 âm lịch chị Hải nghĩ do thay đổi thời tiết nên một bên mũi nghẹt chị lại cứ nướng tỏi hơ hơ vào mũi.
Đến khi bắt đầu có hiện tượng đau nửa đầu và ù bên tai, chị Hải mới đến bệnh viện khám. Khi nội soi tai mũi họng, bác sĩ nghi ngờ K vòm nên giới thiệu chị Hải lên kiểm tra chuyên sâu hơn.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, các bác sĩ chẩn đoán chị Hải bị ung thư vòm họng. Khi nghe bệnh ung thư, vợ chồng chị Hải như ngã quỵ. Chị Hải kể lúc đó hai con của chị mới chỉ 4 tuổi, 2 tuổi. Chị chỉ sợ mình chết sẽ không ai chăm con.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm chiến đấu với ung thư vòm họng, trải đủ các đau đớn, khổ sở về tác dụng phụ của xạ trị, hóa chất. Chị Hải bị vỡ cả răng không thể nhai, nuốt như người bình thường. Nhưng với chị, được sống và nhìn con khôn lớn là điều hạnh phúc nhất.
Điều chị Hải tiếc nếu từ lúc có dấu hiệu nghẹt tịt 1 bên mũi đi kiểm tra ngay thì có thể bệnh ở giai đoạn sớm hơn.
Ung thư vòm họng là một trong các bệnh ung thư của đầu-mặt-cổ hay gặp. Vòm họng là phần trên của họng, nằm dưới nền sọ, trên vòm miệng, và phía sau mũi. Vòm họng còn được gọi là họng-mũi.
Theo PGS TS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư vòm họng ngày càng tăng theo các bệnh ung thư khác. Ung thư vòm họng xuất phát từ biểu mô của vùng này, với sự tăng trưởng vượt mức kiểm soát, xâm lấn các cấu trúc xung quanh, lan đến các hạch ở phần trên cổ và thậm chí lan đến những cơ quan khác của cơ thể .
Ung thư vòm họng chủ yếu ở nam giới nhưng gần đây tỷ lệ ở nữ giới cũng tăng lên. PGS An cho biết, tất cả các ung thư đầu-mặt-cổ, trong đó có ung thư vòm họng đều có sự kết hợp mạnh với rượu và thuốc lá.
Ngoài ra, hiện nay việc nhiễm các nhiễm virut mạn tính cũng làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng.
Virut Epstein-Barr (EBV) được cho là có liên quan chặt chẽ trong sự phát triển của ung thư vòm họng, trong khi virut u nhú ở người (HPV) đều là yếu tố sinh ung thư.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn uống cũng gây ung thư vòm họng. Bệnh hay gặp ở các nước có tỷ lệ tiêu thụ các loại cá và thịt muối ướp và ít gặp hơn ở các nơi có chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả.
PGS An cho biết nhiều người cũng hỏi bác sĩ việc quan hệ tình dục qua đường miệng có gây ung thư vòm không? Hiện nay, có nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều bệnh nhân mắc ung thư vòm họng đều có mặt vi rut HPV là loại vi rut gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Khi quan hệ tình dục bằng miệng, nếu bạn tình bị nhiễm HPV thì bạn có nguy cơ lây bệnh tương đối cao, xấp xỉ khoảng 90%. Và vi rút này cũng được chỉ ra là nguyên nhân làm gia tăng ung thư họng trong những năm gần đây. Chính vì vậy, quan hệ tình dục bằng miệng tăng nguy cơ lây nhiễm HPV và có khả năng ung thư vòm họng rất cao hơn người không có thói quen này.
Dấu hiệu của bệnh
Ung thư vòm họng thường phát hiện ở giai đoạn muộn, dấu hiệu của bệnh thường vay mượn các dấu hiệu bệnh lý tai mũi họng như: ngạt mũi, ù tai, nhức đầu. Nhiều người còn nghĩ mình bị xoang nên chủ quan.
Chính vì thế, khi thấy các dấu hiệu như: Chảy máu mũi một bên, ù tai một bên, ngạt mũi một bên, đau nửa đầu… ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh còn có các dấu hiệu như sờ thầy hạch ở cổ, nhìn đôi, nhìn mờ, đau và tê bì ở mặt, há miệng khó hơn, đau họng.
Tiên lượng sống còn của bệnh nhân ung thư vòm họng phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Nếu ở giai đoạn I là 72%, giai đoạn II là 64%, giai đoạn III là 62% và giai đoạn IV là 38%. Trong đa số các trường hợp, tiên lượng sống 5 năm là từ 15% đến 70%.
Theo Tiểu Nhã (Soha/Trí Thức Trẻ)