Tài chính chắc chắn không phải điều quan trọng nhất khi bạn quyết định bắt đầu mối quan hệ tình yêu - hôn nhân với ai đó. Tuy nhiên tiền bạc lại gây ra nhiều xung đột, mâu thuẫn khi hai người bên nhau. Va chạm tiền bạc trong các mối quan hệ khá phổ biến, bởi hai người khác nhau thường có cách nhìn nhận, chi tiêu không giống nhau. Một người tiết kiệm, một người tiêu hoang - đây đương nhiên là vấn đề. Dù vậy đừng quá lo lắng bởi có rất nhiều cặp đôi giống như bạn. Mấu chốt giúp giải quyết đó là hai người sẵn sàng hiểu cho người kia và học được cách thỏa hiệp.
Dưới đây là một số va chạm tiền nong các cặp đôi thường gặp trong mối quan hệvà cách giải quyết:
1. Cuộc đối đầu giữa kẻ tiết kiệm và người tiêu hoang
Theo Anita A. Chlipala - chuyên gia hẹn hò và nhà trị liệu hôn nhân, một trong những xung đột tài chính phổ biến nhất giữa các cặp vợ chồng bắt nguồn từ sự khác biệt về giá trị ưu tiên trong cuộc sống. Cụ thể, trong mối quan hệ thường có một người cần an toàn tài chính, dẫn đến hành vi tiết kiệm còn người còn lại muốn sống cho hiện tại nên thường chi tiêu khá rộng tay.
Nếu nhìn nhận khách quan, dễ thấy rằng cả hai phía của cuộc "đối đầu" đều có lý. Và để giải quyết, người trong cuộc cần công nhận sự thật là người bạn đời của mình không sai. Điều khiến các cặp đôi mắc kẹt đó chính là vì họ không chịu chấp nhận rằng đối phương khác mình, thường khăng khăng cho rằng mình đúng, người kia sai, người kia phải làm như mình thì mới đúng.
"Giá trị là giá trị, nên không có chuyện ai đúng hơn ai, chỉ đơn giản là hai người không giống nhau", Anita khẳng định.
2. Người kiếm ra nhiều hơn cần gánh nhiều trách nhiệm chi trả hơn?
Bình đẳng giới ngày càng được coi trọng nhưng đến tận bây giờ, vẫn có nhiều người cho rằng: đàn ông nên là người chi trả hoàn toàn trong mọi tình huống ngay cả khi mối quan hệ đã bước qua giai đoạn mật ngọt, hẹn hò ban đầu. Bước vào cuộc sống hôn nhân, nhiều gia đình có cách phân chia nhiệm vụ chi trả là người kiếm ra nhiều tiền hơn gánh nhiều trách nhiệm hơn.
Những cách làm này có thể hợp với cặp đôi này, nhưng đôi khi gây ra áp lực hoặc bất đồng, khó chịu ở đôi khác. Để chuyện "ai trả tiền nhiều hơn" không gây mâu thuẫn, tốt nhất các cặp đôi nên thảo luận, thống nhất rõ ràng ngay từ đầu trước khi rắc rối, tranh cãi phát sinh. Khoảng thời gian lý tưởng đó là khi thời kỳ mới tán tỉnh, mới yêu đã qua, khi hai người đã xác định cùng nhau xây dựng một mối quan hệ bền chặt.
3. Tiền bạc quyết định địa vị, "quyền lực", tiếng nói trong mối quan hệ
Rất ít người phàn nàn về việc hẹn hò, kết hôn với người kiếm được nhiều tiền hơn mình. Tuy nhiên sớm muộn sẽ có một ngày hai người trong mối quan hệ có khúc mắc do chính sự chênh lệch về số tiền kiếm được. Thường thường, người kiếm ra nhiều hơn có tiếng nói hơn. Vậy là "quyền lực", sự chủ động trong mối quan hệ trở nên mất cân bằng.
Theo Diana Dorell - tác giả của cuốn The Dating Mirror: Trust Again, Love Again, các cặp đôi cần có cuộc đối thoại cởi mở về "mục tiêu dài hạn" để cùng chia sẻ dự định, kế hoạch, tầm nhìn chung. Các đôi cần xác định mình và người kia là người đồng hành, bạn đời nên hãy lắng nghe nhau, hỗ trợ nhau thay vì tranh giành cao thấp.
4. Mong muốn của người này đối nghịch với nhu cầu của người kia
Như đã nói, một trong những nguyên nhân gây bất đồng tài chính đó là việc một người thích tiêu gặp một người chủ trương tiết kiệm. Và như Chlipala đã lưu ý, tốt nhất hai người trong mối quan hệ không nên khăng khăng mình "đúng", người kia "sai".
Chlipala khuyên rằng mỗi người cần xác định rõ điều gì quan trọng với mình và tại sao. Điều này không chỉ liên quan đến các giá trị ưu tiên mà còn thể hiện ước mơ, sở thích, tính cách, cách mỗi người được nuôi dạy,... Hãy tìm điểm chung, điểm cân bằng giữa mong muốn của cả hai để thương lượng, thỏa hiệp.
Thỏa hiệp là thói quen sống còn giúp duy trì hạnh phúc, sự bền vững của hôn nhân. Nó có tác dụng với không chỉ riêng chuyện tiền bạc.
Theo Miaooo (Helino)