1. Sáng sớm
Đừng nghĩ rằng vừa ngủ dậy còn lơ mơ, uống cà phê sẽ giúp tỉnh táo thì đã nhầm to. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, uống cà phê ngay sau khi thức dậy có thể khiến bạn cảm thấy chán nản và bồn chồn, cũng như sụt giảm năng lượng tích cực chỉ vài giờ sau đó.
Lý giải một cách khoa học thì là, khi bạn vừa thức dậy, lượng cortisol trong cơ thể tăng cao (đây là loại hormone khiến bạn cảm thấy căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi). Nếu bạn bổ sung caffein ngay lúc này sẽ làm tăng mức cortisol khiến tâm trạng bồn chồn, hồi hộp, lo lắng. Vì thế hãy chắc chắn không tìm đến cà phê một cách vội vàng mỗi sáng. Thay vào đó, bạn thử tập ngủ sớm vào tối hôm trước đi. Thói quen khoa học đó sẽ giúp cơ thể nạp đủ năng lượng mỗi sáng hơn đấy.
2. Sau 3h chiều
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tác động kích thích lên thần kinh của cà phê có thể kéo dài đến 6 giờ sau khi uống. Bởi thế, nếu bạn muốn ngủ lúc 9h tối thì đừng dại uống cà phê sau 3h chiều.
Tốt nhất bạn nên ngừng uống cà phê từ sau 2h chiều. Nếu cảm thấy tinh thần không được tốt và uể oải, hãy thử uống trà xem sao. Trà xanh cũng có một phần caffein (1/3) nên có thể giúp bạn khắc phục được cơn buồn ngủ cũng như sự chán nản, uể oải của buổi chiều đấy.
3. Gần bữa tối
Không bao giờ uống cà phê cùng với bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn. Điều đó có thể cản trở sự hấp thu sắt trong cơ thể. Bạn nên duy trì một khoảng cách giữa giờ ăn và lượng cà phê, nhất là đối với cà phê chứa đường và sữa. Đừng quên điều này nếu bạn là người bị thiếu máu.
4. Buổi tối
Đừng bao giờ uống cà phê vào buổi tối. Điều đó có thể khiến bạn mất ngủ hoàn toàn hoặc ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ do cảm giác bồn chồn mà cà phê gây ra.
Những người không nên uống cà phê
Người bị rối loạn giấc ngủ
Uống một tách cà phê (hoặc nhiều hơn) sau một đêm ngủ không ngon giấc giúp bạn tỉnh táo. Nhưng thói quen uống cà phê của bạn có thể kéo dài chu kỳ khó ngủ và mệt mỏi. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Giấc ngủ, bạn nên tránh hấp thụ caffeine ít nhất 6 giờ trước khi đi lên giường.
Người hay lo lắng
Caffeine là một chất kích thích, có thể làm trầm trọng thêm sự căng thẳng ở một số người. Nếu thường xuyên trải qua các cơn hoảng sợ, bạn có thể cân nhắc việc tránh hoặc giảm lượng cà phê.
Người bị trào ngược dạ dày thực quản
Caffeine có thể nới lỏng cơ thắt thực quản dưới là van giữa thực quản và dạ dày. Điều này khiến các chất axit trong dạ dày xâm nhập vào thực quản, dẫn đến các triệu chứng trào ngược khó chịu như khó thở, ho, buồn nôn.
Người bị bệnh tim
Vì caffein trong cà phê có thể gây tăng huyết áp và nhịp tim tạm thời. Bởi vậy, bất kỳ ai có bệnh tim phải tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng nên uống bao nhiêu cà phê là an toàn.
Người bị hội chứng ruột kích thích
Caffeine có thể tăng cường hoạt động đường ruột, trong đó có nguy cơ tiêu chảy (một trong những biểu hiện của hội chứng ruột kích thích). Bởi vậy, nếu bạn có vấn đề hệ tiêu hóa, hãy hạn chế hoặc tránh dùng đồ uống có caffeine.
Người bị glaucoma (cườm nước)
Áp lực nội nhãn tăng lên đối với những người bị bệnh tăng nhãn áp khi uống cà phê. Vì vậy, các bác sĩ khuyến khích người bị bệnh cườm nước hạn chế hoặc tránh uống thức uống có caffeine.
Người bị động kinh
Trong một nghiên cứu quy mô nhỏ, uống nhiều cà phê có liên quan đến việc tăng tần suất co giật. Bởi vậy, người bị bệnh động kinh cần trao đổi với bác sĩ về lượng caffeine có thể hấp thụ.
Trẻ em dưới 12 tuổi
Caffeine dễ khiến bất kỳ ai trong chúng ta hơi bồn chồn, đặc biệt có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ở trẻ nhỏ. Trẻ uống cà phê có khả năng bị tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo lắng, khó tập trung và đau bụng. Cà phê có tính axit khá cao, do đó nguy cơ làm hỏng men, sâu răng.
PN (Nguoiduatin.vn)