3 điều 'cấm kị' và 6 đối tượng không nên uống cà phê kẻo mang 'hoạ' vào người

30/05/2022 16:10:15

Cà phê là một trong những thức uống được nhiều người ưa chuộng. Nó được phát hiện là làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, giảm nguy cơ suy tim... Tuy nhiên, cà phê không phải là thức uống phù hợp với tất cả mọi người.

3 điều cấm kị khi uống cà phê

1. Không pha cà phê có nồng độ quá đặc

Cà phê chứa caffeine - một chất kích thích làm hưng phấn hệ thần kinh mạnh hơn trà, vì vậy, uống cà phê được cho là một cách vực lại tinh thần làm việc và chống chọi với cơn buồn ngủ hiệu quả. Cà phê có tác dụng trong việc làm giãn nở và thu nhỏ các nhánh phế quản, tác động đến hệ tim mạch, làm tăng khả năng cung cấp máu của tim, làm tăng nhịp đập của tim.

Vì vậy, nếu uống những ly cà phê đậm đặc sẽ khiến tim đập nhanh, huyết áp cũng tăng và xuất hiện những hiện tượng khác thường như: nôn nóng, sốt ruột, bất an, ù tai và chân tay run. Với những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành còn có thể dẫn tới những cơn đau thắt tim.

Với những người quá nhạy cảm với caffeine, không nên uống cà phê quá đặc hoặc có thể chọn những loại cà phê có hàm lượng caffeine thấp.

3 điều 'cấm kị' và 6 đối tượng không nên uống cà phê kẻo mang 'hoạ' vào người

2. Không uống quá nhiều cà phê trong ngày

Cà phê là một nguồn cung cấp năng lượng rất tốt, nhưng khi tiêu thụ quá mức lại rất có hại. Một số người vì công việc và vì “nghiện” cà phê, có thể uống 4,5 ly cà phê với hàm lượng caffeine cao mỗi ngày. Song, làm như vậy về lâu dài rất có hại cho sức khỏe. Sử dụng quá nhiều caffeine có thể gây lo âu và kích thích. Về lâu dài, bạn có thể bị phụ thuộc vào caffeine để duy trì sự tỉnh táo. Nếu bạn thực sự phải uống nhiều cà phê, hãy lựa chọn loại đã khử hoặc đã giảm bớt caffeine.

3. Không uống cà phê khi đang uống thuốc

Thuốc và cà phê không được dùng cùng nhau vì nếu không sẽ làm cho dạ dày bị kích thích ở cường độ mạnh. Ngoài ra, chất caffeine trong cà phê có thể gây tương tác với một số dược phẩm như làm mất tác dụng của thuốc an thần gây ngủ, hoặc một số loại kháng sinh khi uống cùng lúc với cà phê sẽ làm tăng tác dụng kích thích của caffeine. Vì vậy, khi uống thuốc nên tránh uống cà phê, nếu uống phải đảm bảo thời gian cách xa từ 2 - 3 giờ.

6 nhóm người không nên uống cà phê

1. Người mắc các bệnh tim mạch

Ngoài việc kích thích hệ thần kinh, trí não thì caffeine trong cà phê cũng kích thích cả hoạt động của hệ tim mạch. Nó có thể gây rối loạn hoạt động của cơ quan này, tăng huyết áp và khiến tim đập bất thường.

Vì vậy, những người đang mắc các vấn đề về tim mạch không nên động tới cà phê kẻo mất mạng như chơi. Nếu vẫn muốn uống, phải nói chuyện với bác sĩ để biết liều lượng an toàn với từng trường hợp bệnh.

3 điều 'cấm kị' và 6 đối tượng không nên uống cà phê kẻo mang 'hoạ' vào người - 1

2. Người bị bệnh dạ dày

Cà phê rất hại với những người mắc bệnh về dạ dày, đặc biệt là bị đau dạ dày hoặc mắc trào ngược dạ dày thực quản. Caffeine trong cà phê có thể nới lỏng cơ thắt thực quản dưới là van giữa thực quản và dạ dày. Điều này khiến các chất axit trong dạ dày xâm nhập vào thực quản, dẫn đến các triệu chứng trào ngược khó chịu như khó thở, ho, buồn nôn.

Theo các chuyên gia, axit được tìm thấy trong các hạt cà phê có khả năng gây kích ứng dạ dày và niêm mạc ruột non. Nhất là nếu uống cà phê lúc đói cũng kích thích, tăng tiết axit ở dạ dày, khiến cho bệnh ngày càng trầm trọng, có thể gây xuất huyết dạ dày.

3. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú

Phụ nữ mang thai uống cà phê sẽ khiến lượng caffeine trực tiếp đi vào thai nhi thông qua nhau thai và ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Một số nghiên cứu chứng minh rằng, caffeine kìm hãm sự phát triển của thai nhi thông qua việc tác động có hại tới hệ tim mạch và sinh sản.

Do đó, người mẹ mang thai uống cà phê khi sinh sẽ khiến trẻ nhẹ cân hơn bình thường, chậm phát triển. Đồng thời người mẹ cũng dễ bị lo lắng, mất ngủ, khó chịu do tim đập nhanh và huyết áp dễ tăng cao.

Ngoài ra, vì caffeine trong cà phê là chất kích thích và lợi tiểu nên người mẹ đang cho con bú có nguy cơ bị mất nước. Hiệp hội Mang thai Mỹ đề nghị tránh caffeine càng nhiều càng tốt trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

4. Người bị tiêu chảy hoặc hội chứng ruột kích thích

Vì caffeine là 1 chất lợi tiểu sẽ kích thích đi tiểu nhiều, gây mất nước. Trong khi với người bị tiêu chảy, mất nước là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, người đang mắc vấn đề về tiêu chảy cần tuyệt đối không uống cà phê để đảm bảo sức khỏe.

Bên cạnh đó, khi hấp thụ caffeine cũng tăng cường hoạt động đường ruột, trong đó có nguy cơ tiêu chảy (một trong những biểu hiện của hội chứng ruột kích thích). Bởi vậy, nếu bạn có vấn đề hệ tiêu hóa, hãy hạn chế hoặc tránh dùng đồ uống có caffeine.

3 điều 'cấm kị' và 6 đối tượng không nên uống cà phê kẻo mang 'hoạ' vào người - 2

5. Người bị rối loạn lo âu và rối loạn giấc ngủ

Bà Angle Planells - chuyên gia dinh dưỡng tại Seattle (Mỹ) cho biết, thói quen uống cà phê của bạn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn và khiến cơ thể mệt mỏi. Vì vậy nó là 1 thức uống đại kỵ với người bị rối loạn giấc ngủ, nhất là bị mất ngủ mãn tính.

Caffeine trong cà phê còn ảnh hưởng đến các thụ thể adenosine trong não và kích thích sự bài tiết của tuyến thượng thận. Nó dễ dẫn đến lo lắng, bồn chồn, tim đập nhanh, căng thẳng quá độ nên tốt nhất là những người tinh thần yếu, dễ bị hoảng loạn, lo lắng hãy tránh xa.

6. Người mắc bệnh thận

Những người mắc các vấn đề về thận hay suy thận thuộc nhóm tuyệt đối không được dùng cà phê. Bởi caffeine trong cà phê không chỉ kích thích não mà còn kích thích hoạt động chức năng của thận. Người mắc vấn đề về thận uống cà phê sẽ khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn, thậm chí gây suy thận cấp nguy hiểm tính mạng.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo người khỏe mạnh, không mắc các vấn đề trên cũng không nên uống quá nhiều cà phê. Bởi lượng caffeine được khuyến nghị cho 1 ngày ở 1 người trưởng thành là dưới 400 mg. Hấp thụ quá liều caffeine có thể gây nôn mửa, ảo giác, co giật, tổn thương thận… hay thậm chí là tử vong.

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật