Các chuyên gia về sức khỏe đều công nhận rằng loại nước tốt nhất cho cơ thể hiện nay là nước đun sôi để nguội. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, mỗi người lớn nên uống khoảng 8 ly nước mỗi ngày, tương đương với 2 lít nước. So với các loại nước khác, nước đun sôi giúp cơ thể dễ hấp thụ hơn, giúp tăng lượng hồng cầu của tế bào và thúc đẩy quá trình trao đổi chất, nhanh chóng phục hồi thể lực. Ngoài ra, trong nước còn không chứa đường hay hương liệu, vì vậy chúng ta có thể phần nào an tâm khi sử dụng.
Việc đun sôi nước tưởng chừng rất đơn giản nhưng bạn có tự tin rằng mình đã làm đúng? Thực tế, có 3 sai lầm khi đun nước mà rất nhiều người đang phạm phải, nó chính là nguyên nhân khiến cơ thể nhiễm độc một cách từ từ mà không ai nhận ra.
3 sai lầm nguy hiểm khi đun sôi nước không phải ai cũng biết
1. Nước vừa có dấu hiệu sôi đã vội vã tắt bếp
Đảm bảo nước được đun sôi 100 độ rất quan trọng bởi lúc này nó mới phát huy được tác dụng diệt khuẩn. Nhiều người khi vừa thấy nước có tiếng sôi "ục ục", hơi nước bốc lên nhiều thì vội vàng tắt bếp ngay. Thực ra nhiệt độ nước lúc này chỉ rơi vào khoảng 80 độ C. Cần phải đun sôi thêm 3 phút để nước thực sự đạt được mức 100 độ C.
Ngoài ra, các thí nghiệm đã chỉ ra rằng nhiệt độ nước và thời gian đun sôi có thể tiêu diệt vi khuẩn và giảm hàm lượng của các cặn chất nếu có. Khi nước đã xuất hiện tiếng kêu "ục ục", việc tiếp tục đun trong 3 phút nữa thì hàm lượng của vi khuẩn, chất độc hại có thể giảm xuống mức tiêu chuẩn an toàn nhất.
Theo giáo sư Jiang Weibo tại Khoa học Thực phẩm và Kỹ thuật Dinh dưỡng tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, khi đun sôi nước, bạn cần phải thực hiện 3 bước:
- Đầu tiên, cho nước vào nồi, đậy vung, mở lửa lớn.
- Khi nước sắp sôi, bạn nên mở nắp ra.
- Cuối cùng, khi nước đã có tiếng kêu "ục ục", hơi nước bốc lên thì phải đợi thêm 3 phút nữa rồi mới tắt bếp, làm như vậy có thể khiến các chất có hại trong nước bốc hơi hiệu quả.
2. Buổi sáng dùng phần nước đầu tiên trong vòi để đun nước
Buổi sáng ngủ dậy, bạn nên mở vòi nước cho nó trôi đi số nước đầu tiên trong khoảng 5 phút, không nên dùng số nước đầu tiên này để đun sôi hay nấu ăn vì chúng bị tích tụ lâu trong ống nước, sau một đêm nó có thể phản ứng hóa học với ống nước và vòi kim loại, sinh ra vi khuẩn hay các hợp chất không tốt cho sức khỏe.
3. Đun sôi nước nhiều lần
Theo giáo sư Jang, thực ra nước đã đun sôi nếu không bảo quản tốt thì cũng không đảm bảo an toàn cho sức khỏe như nhiều người lầm tưởng. Nếu bạn để nước ở nhiệt độ môi trường nhiều ngày, sau đó đem đun sôi nhiều lần thì có thể làm biến đổi cấu trúc tự nhiên của nước, làm mất oxy và một số nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể. Bởi vậy, càng đun sôi nhiều lần càng không tốt.
Ngoài ra, việc tích trữ nước lọc lâu ngày, sau đó làm nóng lại để uống cũng rất nguy hiểm bởi nước càng để lâu càng bẩn. Khi nước chứa nhiều vi sinh vật, trứng kí sinh trùng... mà được đun sôi lại, số vi khuẩn đó sẽ bị tiêu diệt, tạo thành chất hữu cơ trong nước và trở thành nguồn thức ăn dồi dào để những vi sinh vật bên ngoài. Như vậy, nước đun sôi nhiều lần còn độc hại hơn uống nước chưa đun sôi.
Theo vị chuyên gia, tốt nhất nước chỉ nên đun sôi một lần và chỉ nên uống trong vòng 24 giờ. Nếu quá thời gian trên, các gia đình nên bỏ đi để đun lượng nước khác. Tuyệt đối không tích nước lọc cả tuần.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)