Trong những năm gần đây, nhận thức về sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều người đã chủ động hơn trong việc phòng tránh. Trong đó, các nốt tuyến giáp khiến cho không ít người lo lắng, liệu rằng nó có phát triển thành ung thư tuyến giáp không.
Để hóa giải nỗi lo này, bạn có thể tự kiểm tra tuyến giáp của mình có vấn đề gì hay không.
2 cách kiểm tra ung thư tuyến giáp
Cách đơn giản nhất để biết mình có bị ung thư tuyến giáp hay không, bạn chỉ cần đứng trước gương quan sát cổ và chạm vào để cảm nhận các nốt sần hoặc cục u.
1. Phương pháp đầu tiên: Quan sát
Bạn đứng đối diện với gương, ngẩng đầu lên, kéo áo để lộ hết cổ ra ngoài và quan sát xem 2 bên gáy có cân xứng hay không, có các cục u hay bị sưng tấy hay không. Sau đó, bạn hãy thử nuốt nước bọt, thanh quản có di chuyển lên xuống theo động tác nuốt không. Nếu nhận thấy có một cục u, điều đó có nghĩa là bướu cổ đang phát triển.
2. Phương pháp thứ hai: Chạm vào
Đưa tay lên phía trước cổ và dưới vòm họng, sờ bên này rồi sờ bên kia, chạm từ từ xem thử có các cục u nào không. Các cục u to rất dễ nhận biết, nhưng cục u nhỏ thì cần quan sát và sờ nhiều lần để nhận biết sự thay đổi. Các cục u dưới 1cm thường cần phải siêu âm để biết chính xác.
Ngay khi phát hiện cổ sưng, đặc biệt là vị trí tuyến giáp dưới thanh quản, bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra và siêu âm.
Tuyến giáp là một cơ quan tổng hợp, lưu trữ và bài tiết các hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, để cơ thể người tăng trưởng và phát triển bình thường, đồng thời có tác động lớn hơn đến sự phát triển của hệ thần kinh và xương.
Khi tuyến giáp hoạt động kém, quá trình trao đổi chất cơ bản của cơ thể sẽ trở nên chậm chạp, có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ, thiếu năng lượng, lờ đờ, chán ăn, chướng bụng.
Nếu thai nhi hoặc trẻ sơ sinh có chức năng bài tiết của tuyến giáp bị thiếu, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và não bộ, biểu hiện thường thấy là cơ thể thấp bé và chậm phát triển trí tuệ. Việc thiếu thyroxine ở người lớn có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Thiếu thyroxine ở trẻ em có thể dẫn đến chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn.
Khi bị bệnh cường giáp, nếu tuyến giáp tiết ra quá nhiều hormone, nó sẽ gây nhiễm độc, làm tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể, rối loạn giấc ngủ, khó chịu, tăng cảm giác thèm ăn nhưng vẫn sụt cân và các triệu chứng khác.
Những thực phẩm tốt cho tuyến giáp
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, cách tốt nhất để nói "không" với ung thư tuyến giáp là phòng ngừa thông qua các loại thực phẩm ăn mỗi ngày.
1. Muối iốt
Việc sản xuất hormone tuyến giáp đòi hỏi iốt. Thiếu iốt có thể dẫn đến suy giáp và phì đại bướu cổ. Vì cơ thể không thể sản xuất iốt một cách tự nhiên, bạn nên ăn một số thực phẩm có hàm lượng iốt cao như muối iốt.
2. Quả hạch
Quả hạch là một nguồn selen quan trọng, giúp xúc tác quá trình chuyển đổi các hormone tuyến giáp không hoạt động sang hoạt động, có thể cải thiện mức độ hormone tiết ra. Selen cũng giúp giảm viêm và ức chế sự gia tăng của các tế bào ung thư. Bạn có thể ăn tối đa 5 quả hạch mỗi ngày, không nên ăn quá nhiều vì có thể gây buồn nôn, tiêu chảy và nôn mửa.
3. Cá
Cá rất giàu axit béo omega-3 và selen. Axit béo omega-3 giúp giảm cholesterol xấu, trong khi selen có thể làm cho hormone tuyến giáp hoạt động bình thường. Ăn cá mòi và cá ngừ có thể làm giảm chứng suy giáp.
4. Tảo bẹ và rong biển
Tảo bẹ và rong biển giúp điều trị suy giáp vì chúng là nguồn cung cấp iốt, vitamin B, riboflavin và axit pantothenic quan trọng. Tảo bẹ và rong biển hấp thụ nhiều i-ốt hơn từ biển, và cũng chứa một axit amin gọi là tyrosine. Tyrosine là axit amin quan trọng nhất để hình thành hormone tuyến giáp, giúp tăng sản xuất hormone, cải thiện tâm trạng và chống buồn ngủ.
5. Rau và trái cây
Rau lá xanh và trái cây là nguồn cung cấp khoáng chất, vitamin, chất chống oxy hóa, chất xơ quan trọng, giúp tăng cường sức khỏe tuyến giáp. Nhưng nếu bạn bị suy giáp, bạn nên cẩn thận, vì một số loại rau và trái cây sẽ cản trở việc sản xuất hormone tuyến giáp.
6. Các sản phẩm từ sữa
Sữa ít béo, sữa chua và pho mát rất giàu iốt và selen, giúp thúc đẩy sản xuất và kích hoạt các hormone tuyến giáp. Các sản phẩm sữa này cũng rất giàu axit amin tyrosine, giúp làm giảm các triệu chứng của suy giáp, chẳng hạn như trầm cảm và mệt mỏi.
7. Thịt bò và thịt gà
Thịt bò và thịt gà có chứa kẽm, có thể giúp chuyển hóa triiodothyroxine thành thyroxine, rất quan trọng đối với chức năng tuyến giáp. Bạn nên thường xuyên ăn ức gà hoặc thịt bò nạc để tăng sản xuất thyroxine.
Theo Phan Hằng (Trí Thức Trẻ)