Tết Nguyên đán là thời điểm những người phụ nữ đi lấy chồng xa thường mơ ước được về nhà ngoại ăn một cái Tết trọn vẹn bên cha mẹ, người thân để bù đắp những tháng ngày xa cách, nhớ mong. Nhưng với tôi thì ngược lại. Mười sáu năm đi lấy chồng là mười sáu năm tôi mơ cùng chồng con vui hưởng một cái Tết trọn vẹn ở nhà nội.
Quanh năm suốt tháng tôi sống ở nhà ngoại. Mẹ tôi là phụ nữ đơn thân nuôi con một mình từ lúc trẻ, tôi lại là con duy nhất của mẹ nên dù đi lấy chồng rồi tôi vẫn ở với mẹ để mẹ vui. Chồng tôi cũng chuyển công tác về với tôi, thỉnh thoảng mới về thăm quê.
Và thật không may, tôi lại là đứa con dâu ốm yếu khác thường. Ngay từ cái Tết đầu tiên tôi đã nằm bẹp một chỗ vì động thai, sau đó là những ngày tháng đau đớn triền miên không dứt do gặp phải bệnh nan y, cuối cùng biến thành người khuyết tật: không nghe thấy, không nhìn rõ.
Thương mẹ tôi, thương tôi, bố mẹ chồng không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì, mặc dù tôi là chị dâu cả, chồng tôi là con trưởng trong gia đình năm anh em.
Những năm trước, khi mắt chưa hỏng hoàn toàn, mỗi lần về, tôi còn có thể tỉ mẩn ngồi cọ rửa, lau chùi, quét dọn nhà cửa, bây giờ thì đành chịu. Tôi không dám mó tay vào bất cứ việc gì, ngồi đâu là ở yên đó, chỉ cố gắng sao cho đi không bị ngã để cả nhà đỡ lo lắng.
Thế nên, dù quanh năm suốt tháng sống với mẹ đẻ, mỗi lần về quê chồng tôi không ở quá vài ngày, kể cả Tết. Tôi ngại bố mẹ chồng phải phục vụ thêm. Mình chồng tôi là quá đủ rồi.
Hàng năm mỗi lần Tết đến xuân về, lòng tôi lại buồn se sắt, ý nghĩ về sự thừa thãi, vô dụng của mình càng nhiều hơn bao giờ hết. Suốt nhiều năm, tôi chỉ mơ mình có một cái Tết đúng nghĩa ở nhà chồng.
Được cùng các em chồng đi chợ mua thức ăn, vào bếp làm cỗ, cùng chồng trang hoàng nhà cửa, sắm sanh hoa lá, bày biện bàn thờ, rồi cùng mẹ chồng gói thứ bánh truyền thống của quê hương. Suốt nhiều năm, tôi chỉ ước mình có thể làm tròn bổn phận của cô con dâu hiếu thảo, người chị cả đảm đang.
Chỉ vài cái Tết trở lại đây, khi biết chấp nhận hoàn cảnh, vui sống với hiện tại thì tôi mới thôi nghĩ đến những khao khát ấy và mới thôi làm đau bản thân thêm nữa. Thay vào đó tôi cảm nhận, hưởng thụ niềm vui được cả nhà săn sóc.
Năm nào cũng vậy, cứ gần Tết là các em chồng tới tấp gửi thực phẩm cho nhà tôi. Nào thịt lợn, thịt bò, nào giò chả, tôm cá,… Còn bố mẹ chồng thì cho gà nhà nuôi, bánh chưng tự gói, nải chuối trong vườn… Có năm tôi uống thuốc Đông y, phải kiêng thịt gà, ông bà lại mua riêng cho một con ngan.
Ngoài ra món quà không bao giờ thiếu là túi bánh tẻ đặc sản quê chồng, vừa để ăn, vừa để mời hàng xóm. Tết, nhà tôi hầu như không phải mua gì, tủ lạnh lúc nào cũng chất đầy các thứ, hứa hẹn một năm mới thịnh vượng, đủ đầy, no ấm.
Mồng 1 tôi về thì được bố mẹ cưng chiều như thượng khách. Gắp cho hết món này đến món khác, bóc bóc, gỡ gỡ thức ăn từ đầu bữa đến cuối bữa. Các em chồng thấy thiếu thứ gì là đáp ứng ngay. Khi đến nhà họ hàng, cô dì chú bác, nhiều người bao năm về làm dâu tôi vẫn không nhớ mặt nhớ tên mà ai cũng thương, hễ nhìn thấy là dúi cho ít tiền mừng tuổi như trẻ nhỏ.
Hòa vào dòng người đi chúc Tết trên các nẻo đường làng ngõ xóm, chồng đưa tôi đi hết nhà này đến nhà khác. Ở đâu cũng rực rỡ đèn hoa, tưng bừng đào quất và ở đâu tôi cũng được tiếp đón chu đáo ân tình.
Không gian, cảnh sắc, con người nơi đây đã cho tôi hương vị Tết không nơi nào có được. Gió xuân ấm áp, lòng tôi phấp phới niềm vui xen lẫn niềm biết ơn xúc động dâng trào.
Theo Dư Phương Liên (VietNamNet)