Vợ chồng tôi sinh ra ở miền Bắc nhưng đi lập nghiệp ở miền Nam. Vì kinh tế không dư dả nên phải mấy năm, chúng tôi mới về quê ăn Tết một lần.
Hai năm trước dịch bệnh, vợ chồng tôi bị mất việc nên không thể về quê. Năm nay, tuy đã tìm được việc làm, muốn đưa cả nhà về quê ăn Tết nhưng tôi nhẩm tính sơ sơ cũng hết 40 triệu đồng.
Nhìn lại số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, tôi chắc chắn không đủ tiền để về quê.
Biết rõ vậy nhưng trong bữa ăn, tôi vẫn hỏi vợ xem Tết này công ty thưởng cho bao nhiêu, nhà tiết kiệm được bằng nào để sắp xếp về quê. Tôi chưa nói xong cô ấy đã kêu trời: “Chi tiêu hàng ngày anh không thấy tôi phải tính toán chi li, bớt chỗ nọ, bù chỗ kia để làm sao dư ra một chút còn phòng lúc ốm đau bệnh tật à? Anh có tiền thì anh về. Còn tôi, không có tiền thì tôi ở lại. Về quê mà ít tiền mọi người khinh thường anh không thấy ngại à?”.
Vợ nói vậy tôi bỗng nhớ lại mấy năm trước. Đúng là vợ chồng tôi rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Sau mấy năm không về, vợ chồng tôi thu xếp tiền nong, chuẩn bị quà cáp để biếu anh em, họ hàng gần.
Quà tôi chuẩn bị biếu mỗi gia đình là 1 kg cà phê xay thơm lừng, mấy lạng tiêu sọ mà tôi phải cất công đến tận xưởng mua cho đảm bảo chất lượng.
Nhưng tôi chưa kịp mang biếu, bà chị dâu đi qua thấy tôi đang sắp xếp liền cầm gói quà lên và hỏi: “Chú thím có gì cho mọi người vậy? Tôi chẳng mua gì vì mang vác vất vả mà chắc gì mọi người thích nên cứ cho mỗi nhà 1 triệu, muốn mua gì thì tùy”.
Tôi chưa kịp trả lời chị lại bồi tiếp một câu: “Bằng cà phê à? Lại phải pha nữa chứ. Giờ có ai pha đâu, bẩn cốc chén; còn hạt tiêu người ta xay sẵn bán đầy ra, chú lôi tha về làm gì cho mệt”. Tôi á khẩu không nói được câu nào.
Không chỉ có thế, trong mấy ngày Tết, vợ chồng tôi lại thêm một lần sượng sùng nữa. Sáng mùng 1 Tết, theo thông lệ, con cháu sẽ mừng tuổi ông bà và người lớn mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Vợ tôi đã chuẩn bị các bao lì xì để mừng tuổi bố mẹ và các cháu.
Vừa mừng xong, bà chị lại bô bô: “Năm nay chắc chú thím làm ăn được nên mừng tuổi mọi người nhiều đây. Chị không có nhiều, chỉ có bây nhiêu mừng tuổi mọi người thôi. Mà cứ mừng thẳng luôn, làm gì phải phong bao, phong bì, mất công bỏ, mất công bóc, không may lại nhầm lẫn của người nọ với người kia, rắc rối ra”.
Vừa nói chị vừa rút trong túi ra xấp tiền 500 nghìn mới cứng, xỉa ra mừng tuổi mọi người. Nhìn chị xỉa tiền như múa mà tôi hoa cả mắt. Đã vậy đứa cháu nội của chị cầm bao lì xì vợ tôi vừa đưa, bóc ngay trước mặt rồi hét toáng lên: “Có 50 nghìn bọ, thôi cháu không cầm đâu. Cháu chả có đồng tiền nào bé như vậy”. Nó nói xong vứt trả lại bao lì xì trên bàn. Vợ tôi cúi mặt thở dài.
Tôi bất ngờ, không hiểu sao một đứa trẻ lại thốt ra những lời như vậy. Nhưng nghĩ cũng phải, chị tôi có cách suy nghĩ, hành xử như vậy thì đương nhiên cháu chị sẽ bị nhiễm thôi. Nghĩ mà buồn!
Theo phong tục Tết xưa, mừng tuổi cho người già là để mong tuổi thọ, con trẻ là ngoan ngoãn khỏe mạnh… Việc mừng tuổi chỉ để lấy may nên số tiền không đáng kể. Nhưng ngày nay như các cụ nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa” thì việc mừng tuổi cũng như nhiều tục lệ đã bị biến tướng.
Có người dùng hình thức lì xì để biếu xén, trả ơn, hoặc thể hiện đẳng cấp của mình. Trong các bao lì xì là những tờ tiền đủ mệnh giá khác nhau tùy vào mối quan hệ với gia chủ. Năm này qua năm khác, mọi người theo nhau làm mất đi nét đẹp của tập tục này. Thậm chí việc mừng tuổi còn ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ trong gia đình, anh em, bè bạn, làm nảy sinh sự so bì tị nạnh hay coi thường nhau.
Đặc biệt nó có ảnh hưởng không nhỏ tới các suy nghĩ, hành động của các em nhỏ, khiến người lớn nhiều khi rơi vào tình cảnh trớ trêu. Và tôi là một trong những người gặp phải tình cảnh này ngay trong gia đình mình. Không biết rồi sau này còn bao phong tục tập quán đẹp của dân tộc bị mai một và biến tướng nữa. Tôi thấy nuối tiếc cho một thời.
Theo Minh Hải (VietNamNet)