"Giải độc" cho hôn nhân

06/05/2015 09:23:37

Sống đủ lâu và quan sát đủ người, sẽ thấy những cặp vợ chồng có đời sống chung thường có nét hao hao nhau. Họ giống nhau ở ánh mắt, ở nước da, ở phong thái, thói quen và đôi khi cả nét mặt hay nếp nhăn hằn lên cùng năm tháng.

Sống đủ lâu và quan sát đủ người, sẽ thấy những cặp vợ chồng có đời sống chung thường có nét hao hao nhau. Họ giống nhau ở ánh mắt, ở nước da, ở phong thái, thói quen và đôi khi cả nét mặt hay nếp nhăn hằn lên cùng năm tháng. Lẽ đương nhiên họ chẳng phải anh em ruột thịt. Cái vẻ giống nhau ấy hình thành qua thời gian, vì họ cùng hít thở chung một bầu khí quyển gia đình. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, môi trường gia đình đã tạo nên họ như thế.

Và vậy là cả hai người quẫy đạp tìm cách thoát ra: “Em không thể sống nổi trong bầu không khí ngột ngạt này nữa”, “Em có cảm giác như cuộc sống này là một nhà tù”, “Chị ơi giờ em cảm thấy mình bị giam lỏng trong cuộc hôn nhân này…”.

Gia đình vốn do hai người tự đến với nhau mà thành. Trong thời kỳ mật ngọt của hôn nhân, khí quyển ấy chính là hạnh phúc. Vì sao nguồn dưỡng khí, niềm vui trong ngôi nhà đó bị hút cạn chỉ sau vài năm chung sống? Có thể do mình đã mang một con quái vật nào đó vào nhà: sự nghi ngờ, cảm giác mệt mỏi, lòng ghen tuông…

Con quái vật ấy đã hút cạn dưỡng khí của nơi này. Và mặt khác, mình cũng chưa chủ động làm gì để cải tạo môi trường sống, để cung cấp thêm oxy, trong khi thành viên của gia đình ngày một đông lên, cùng chia sẻ nhưng cũng cùng sinh ra trong môi trường ấy những luồng không khí khác.

Chẳng có đại gia đình nào đông đúc và phân công công việc tuyệt đối như gia đình nhà mối. Tổ mối là một mê cung, không dễ gì tìm ra đâu là phòng của mối chúa để tiêu diệt. Bao nhiêu phương pháp từ đào đất, phá tường tìm diệt hết tổ mối, phun xịt… đều thất bại. Cuối cùng, người ta đã tìm ra cách diệt mối bằng vào chính tập quán sinh sống của nó. Tìm ra bất kỳ một đường hầm nào có mối đi, người ta đặt ở đó một loại chất có thể dính vào chân, những con mối đi ngang qua sẽ mang theo chất đó về tổ. Cứ thế, cả tổ mối sẽ bị đầu độc và tự diệt.

Mỗi một ngày, chúng ta mang bao nhiêu độc tố như thế, về nhà?

Mỗi một năm, nhân loại tốn bao nhiêu tâm sức, trí tuệ, tiền của để duy trì hệ sinh thái tự nhiên, làm sạch môi trường sống, và tiêu diệt những tác nhân phá hủy môi trường sống của con người?

Chỉ riêng môi trường nhỏ của gia đình mình, hầu như không được ý thức chăm nom săn sóc bằng những kế hoạch làm sạch như thế. Chúng ta tiếp tục sống cùng nhau, làm khổ nhau bằng những cãi lẫy, giận hờn, bằng tiếng ồn ã eo sèo, bằng sự căng thẳng của công việc, và cả sự thiếu hụt hay dư thừa nào đó đôi khi cũng đóng góp vào chất lượng bầu khí quyển chung của cả gia đình. Những cặp vợ chồng rồi sẽ giống nhau ở cái vẻ ngoài vốn được định hình từ môi trường sống ấy.

Khi người phụ nữ trong gia đình không tự tạo môi trường sống cho mình, cho cả nhà, thì môi trường sống ấy sẽ chịu ảnh hưởng của bên ngoài, hoặc bất ổn tùy theo tâm trạng của mỗi thành viên trong gia đình. Vậy nên, trước khi môi trường ấy xấu đi, hãy chủ động chăm sóc nó, xây dựng nó.

Đó sẽ là gương mặt, là nhan sắc của bạn, đó cũng sẽ là dáng vẻ hạnh phúc của cả gia đình. Đó cũng là sức đề kháng chống lại những luồng gió độc, khí thải có hại có lúc ập vào nhà. Nếu gia đình bạn hay bất đồng quan điểm, hãy trồng loài cây có tên là “người lớn” - có thể là ông bà nội ngoại, là người thân cả hai cùng kính trọng, hãy thỉnh thoảng tìm những cơ hội để mỗi người nói ra quan điểm của mình và lắng nghe người còn lại.

Nếu gia đình bạn hay thiếu hụt về kinh tế, hãy trồng loài cây có tên “tiết kiệm”, có thể là cuốn sổ ngân hàng dành một khoản dù nhỏ nhoi cho những việc khẩn cấp của gia đình, có thể là một khoản vay mượn được hứa chắc chắn dành sẵn, để cơn thiếu hụt không dồn bạn vào góc tường bế tắc.

Nếu vợ chồng khắc khẩu, nóng như lửa, hãy trồng loài cây có tên “lặng yên”, có thể là trong những đứa con của gia đình, để mỗi khi cơn đấu khẩu bắt đầu, sự xuất hiện của con sẽ làm bạn dừng lại kịp. Và ngay cả khi gia đình bạn hạnh phúc, đủ đầy, cũng hãy nhớ: trong bể cá cảnh luôn có một con cá lau kiếng, xấu xí, lặng lẽ, nhưng có nhiệm vụ ăn tất cả những rong rêu cặn bẩn để giữ hồ luôn sạch, hãy nuôi một loài cá như thế trong nhà, dù có khi đó chính là mình chứ chẳng là ai khác.

Sẽ chẳng có một cây cỏ nào vay mượn về mà có thể sống tốt trên mảnh đất khác biệt về thổ nhưỡng. Vậy nên, hãy chủ động bắt đầu, hãy tìm những mầm cây ấy trong chính gia đình bạn, để vun trồng nó lớn lên trong khu vườn của mình.

Theo Hạnh Dung (Phunuonline.com.vn)

Nổi bật