Cảnh báo: Trẻ bị méo mồm, liệt mặt do nằm phòng điều hòa liên tục

15/06/2016 14:42:00

Thông tin về bé gái 6 tháng tuổi bị méo mồm, liệt một nửa mặt do nằm điều hòa quá lạnh đã khiến phụ huynh bị sốc khi mùa nóng thường xuyên phải dùng điều hòa.

 
Thông tin về bé gái 6 tháng tuổi bị méo mồm, liệt một nửa mặt do nằm điều hòa quá lạnh đã khiến phụ huynh bị sốc khi mùa nóng thường xuyên phải dùng điều hòa.

Thời tiết nắng nóng, việc sử dụng điều hòa thường xuyên nhưng không đúng cách gây ra những tác hại không thể ngờ tới.

Mới đây, một bé gái 6 tháng tuổi ở Vũ Hán, Trung Quốc đã phải nhập viện khẩn cấp với những biểu hiện nghiêm trọng về sức khỏe.

Bố mẹ của bé cho biết, khi bé ngủ, thấy 1 bên mắt không nhắm chặt như bình thường mà chỉ khép hờ, cho bé uống sữa cũng bị đổ ra ngoài vì miệng bé có cảm giác bị lệch, bố mẹ quá sợ hãi nên lập tức cho bé đến viện khám.

Cảnh báo: Trẻ bị méo mồm, liệt mặt do nằm phòng điều hòa liên tục - Ảnh 1.
Phụ huynh cần đặc biệt chú ý khi cho bé nằm điều hòa (Ảnh minh họa)

Bác sĩ cho biết, do thời tiết nắng nóng kéo dài, hầu hết các gia đình ở thành phố đều bật điều hòa liên tục, đây chính là nguyên nhân khiến hiện tượng bệnh nhi bị méo mồm, liệt mặt tăng lên nhanh chóng.

Theo bà Dị Bình, Trưởng khoa thần kinh Bệnh viện Trung y Vũ Hán cho biết, trong đợt nắng nóng cao điểm vừa qua, thậm chí có đến 20 ca nhập viện/ngày với lý do tương tự khiến cả bác sĩ và phụ huynh vô cùng sốc.

Bệnh méo mồm liệt mặt mới nghe thôi đã đủ sợ hãi chứ chưa nói đến bệnh nhân lại chính là những em bé còn chưa biết nói. Bệnh này không chỉ nghe đã sợ mà khi nhìn còn thấy sợ hơn.

Biểu hiện ban đầu của bệnh là trẻ ngủ không nhắm được mắt, chỉ khép hờ, góc mép lệch hẳn sang một bên, không khép gọn miệng nên bị chảy nước dãi, cho ăn uống sẽ khó khăn, rơi thức ăn ra ngoài vì cơ miệng bị đơ.

Đây là hiện tượng các mạch máu thần kinh trên cơ mặt do lạnh quá nên bị co thắt, gây thiếu máu trên các dây thần kinh mặt, gây phù nề. "Sát thủ giấu mặt" của căn bệnh này được các bác sĩ chỉ đích danh chính là gió lạnh của điều hòa.

Ngoài liệt mặt, nếu sử dụng điều hòa không khí không đúng còn gây ra nhiều bệnh nguy hiểm khác, đặc biệt đối với người già và trẻ em.

Cảnh báo: Trẻ bị méo mồm, liệt mặt do nằm phòng điều hòa liên tục - Ảnh 2.
Nguy cơ sử dụng điều hòa quá lạnh gây hại cho trẻ đang gia tăng ở nhiều nơi (Ảnh minh họa)

1. Phát ban do mồ hôi

Khi bạn ở trong môi trường máy lạnh một thời gian dài lại không uống đủ nước, sức đề kháng của cơ thể sẽ giảm dần, môi trường điều hòa sẽ sinh ra bí bách, thiếu ô xy, tạo môi trường tốt để nấm sinh sôi, gây nên các bệnh ngoài da như dị ứng, phát ban, mẩn ngứa.

Nhóm người có mồ hôi nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao. Nên hạn chế thời gian sử dụng điều hòa trong ngày, chú ý mở cửa để không khí trong phòng lưu thông sạch sẽ.

2. Đau cổ, đau lưng, viêm khớp

Khi nhiệt độ trong phòng điều hòa và nhiệt độ ngoài trời có sự chệnh lệch, bạn phải ra vào trong môi trường nhiệt độ khác biệt như vậy rất dễ bị sốc nhiệt, tạo nên các bệnh về thần kinh.

Các khớp và dây chằng chưa kịp thích ứng với điều kiện thời tiết sẽ bị kích thích lạnh đột ngột, tạo nên sự cứng khớp không thể vận động linh hoạt, gây đau khớp.

Nhóm nguy cơ cao cần đề phòng là người cao tuổi. Bác sĩ nhắn rằng người trung niên trở lên nên mặc áo dài tay, đi tất mỏng, không nên ra vào liên tục giữa phòng điều hòa và nơi không có điều hòa.

3. Hen suyễn, dị ứng

Theo kết quả khảo sát, trong cục tản nhiệt điều hòa không khí có đến 91.259 vi khuẩn trên mỗi cm vuông, đây được cảnh báo là môi trường rất dơ bẩn. Những vi khuẩn này được thổi vào không khí trong nhà sẽ dễ dàng gây nên chứng hen suyễn và dị ứng.

Nhóm nguy cơ cao gồm người già, trẻ em, những người có thể trạng mẫn cảm với không khí.

4. Dễ dàng bị khô mắt

Không khí trong phòng điều hòa cần phải luôn luôn được thay đổi để bổ sung thêm ô xy, nếu bật điều hòa quá lâu, không khí sẽ đậm đặc, ô nhiễm, dễ gây khô mắt, mỏi mắt, mắt bị nhiễm trùng.

Nhóm nguy cơ cao như nhân viên văn phòng, người sử dụng máy tính dài hạn. Bác sĩ khuyên bạn nên nghỉ ngơi nhiều hơn, giúp mắt thư giãn và vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.

Đừng để nằm mát mà phải trả giá đắt

Trong quá trình điều trị liệt mặt, các bác sĩ chủ yếu lựa chọn cách châm cứu bằng các loại thuốc bổ dưỡng thần kinh, triệu chứng bệnh được điều trị có thể giảm nhẹ ngay sau đó.

Nếu chậm trễ có thể gây ra chứng méo mặt hoặc mất cảm giác trên khuôn mặt vĩnh viễn. Bác sĩ Dị Bình nhắc nhở, không chỉ mắt nhắm hờ, miệng lệch, nhỏ dãi là triệu chứng điển hình của liệt mặt, một số bệnh nhân còn kèm theo đau đớn và giảm cảm giác nhận biết hương vị khi ăn uống.

Cảnh báo: Trẻ bị méo mồm, liệt mặt do nằm phòng điều hòa liên tục - Ảnh 3.
Bệnh nhân nhập viện phải châm cứu, điều trị phức tạp (Ảnh minh họa)

Trưởng khoa Dị Bình cho biết thêm, vào mùa hè cần chú ý đặc biệt khi sử dụng điều hòa, kể cả dùng quạt gió.

Khi đi ra ngoài bị ra nhiều mồ hôi, nhất định không nên tắm ngay hoặc làm cơ thể thay đổi đột ngột trạng thái nhiệt độ. Đồng thời thường xuyên soi gương tập luyện cơ mặt để hạn chế hiện tượng tê liệt thần kinh trên khuôn mặt.

Sau đây là 9 nguyên tắc cơ bản nhất định phải nhớ khi sử dụng điều hòa.

Cảnh báo: Trẻ bị méo mồm, liệt mặt do nằm phòng điều hòa liên tục - Ảnh 4.
 

1. Tuân thủ nguyên tắc dùng điều hòa

Không nên ra vào điều hòa khi nhiệt độ chênh lệch quá lớn. Đặc biệt khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi cần lau khô mồ hôi, thay quần áo khô thoáng, sạch sẽ.

2. Cố định nhiệt độ

Ngay cả thời tiết nóng, nhiệt độ không khí trong nhà không được điều chỉnh quá thấp, khoảng 26-28 độ là thích hợp.

Nhiệt độ trong nhà và ngoài trời không nên chênh lệch quá lớn. Vào ban đêm, nhiệt độ hạ thấp, bạn cũng nên điều chỉnh lại điều hòa hoặc đắp chăn mỏng để "chống rét".

3. Không cho bé ngủ trước luồng gió

Hệ thống điều chỉnh nhiệt độ trên cơ thể của trẻ em chưa phát triển hoàn thiện, nếu nằm trước cửa gió quá lớn, hệ thống mao mạch sẽ bị co thắt, làm giảm nhiệt độ cơ thể, có thể dẫn đến bị bệnh.

4. Thường xuyên thông gió

Phòng có máy lạnh cần thông gió cửa sổ thường xuyên để đảm bảo không khí trong nhà và ngoài trời được cân bằng, không bị thiếu ô xy, bức bí, ngột ngạt.

Thời gian thông khí tùy vào mức độ phòng thoáng hay bí, mỗi lần tắt điều hòa, bạn nên mở cửa để không khí lưu thông khoảng 20-30 phút.

5. Bổ sung nước thường xuyên

Khi để trẻ nằm trong phòng không khí lạnh một thời gian dài, sẽ cảm thấy khát nước, bởi vì cơ thể của trẻ bị mất nước.

Khả năng điều chỉnh độ ẩm cho da của trẻ cũng chưa tốt, vì vậy sẽ gặp khó khăn để thích ứng. Vì vậy, tốt nhất các bậc cha mẹ nên cho bé ăn các loại trái cây và rau quả, uống nhiều nước thường xuyên.

6. Làm sạch điều hòa

Nên vệ sinh bộ lọc với nước 2 tuần/lần để đảm bảo chất lượng không khí trong nhà được sạch sẽ. Bạn cũng có thể mua dung dịch làm sạch điều hòa về tự làm một cách đơn giản và dễ dàng.

7. Không mặc đồ phong phanh

Khi nằm lâu trong phòng điều hòa, bất kỳ ở nhiệt độ nào, trẻ em cũng có cảm giác lạnh.

Tốt nhất bạn nên mặc đồ cotton mỏng cho bé một cách kín đáo, quần áo dài tay, đi tất mỏng để giữ ấm cho làn da của bé, nếu không sẽ bị cảm lạnh và đau dạ dày.

8. Không nên cho trẻ chạy ra chạy vào

Trẻ sẽ rất dễ bị sốc nhiệt và cảm lạnh nếu liên tục thay đổi môi trường từ phòng điều hòa sang phòng không có điều hòa.

Tốt nhất nên cho bé ở liên tục trong phòng điều hòa cố định, sau đó thay đổi nhiệt độ một cách từ từ (ví dụ như tắt điều hòa xong vẫn ngồi trong phòng 1 lát rồi mới ra ngoài).

Nếu phòng điều hòa không có nhà vệ sinh, mỗi lần cho trẻ đi vệ sinh bên ngoài nên cho trẻ thích nghi dần ở cửa nơi giao thoa giữa nóng và lạnh để đảm bảo bé không bị sốc nhiệt, ớn lạnh, gây ra cảm.

9. Không nên ở phòng điều hòa quá lâu

Đừng để bé ở trong phòng máy lạnh cả ngày, mỗi buổi sáng và buổi tối khi nhiệt độ ngoài trời thấp, hãy cho trẻ hoạt động hoặc bế đi dạo ngoài trời.

Bạn nên cho em bé hít thở không khí trong lành, tắm nắng, để tăng cường khả năng thích nghi của cơ thể, giúp bé phát triển tốt hơn. Tránh bị cớm nắng, thiếu ánh sáng mặt trời.


Theo Vân Hồng (Soha.vn/Trí thức trẻ)

Nổi bật