Ngạt mũi hay nghẹt mũi thường xảy ra mỗi khi chúng ta bị ốm hoặc cúm nhưng hiện tượng này chỉ xảy ra một bên mũi mà không phải cả hai bên. Điều này khiến chúng ta cực kỳ khó chịu, đặc biệt là khi nằm ngủ nhưng tại sao lại như vậy?
Để hiểu vì sao chúng ta chỉ bị tắc một bên mũi, mà không phải là cả hai bên thì trước tiên phải tìm hiểu cơ chế hoạt động của mũi.
Mặc dù không cố tình nhưng thực ra bạn luôn thở bằng một bên mũi mạnh hơn. Cả ngày, hai lỗ mũi cứ thay nhau thở mạnh hơn chứ không cân bằng. Quá trình này do hệ thần kinh điều khiển tự động nhịp nhàng, giống như điều khiển tự động các bộ phận khác trong cơ thể, như: Hệ tiêu hóa và tim đập.
Hệ thần kinh điều khiển mũi theo chu kỳ để tác động vào từng bên mũi nhưng chúng ra lại chỉ nhận ra điều này khi bị ốm. Hiện tượng này biểu hiện ở sự luân phiên sung huyết giữa 2 lỗ mũi, xảy ra khi máu tập trung nhiều ở một bên mũi, tạo thành túi phình che mất đường thở.
Sự gia tăng lưu lượng máu sẽ gây nghẹt cho 1 bên mũi khoảng 3-6 tiếng trước khi chuyển sang bên cánh mũi còn lại. Tình trạng nghẹt mũi cũng tăng lên khi nằm xuống, đặc biệt là khi đầu nghiêng về phía bên mũi đang bị sung huyết.
Tóm lại, việc bị ngạt mũi khi bị ốm hoặc cúm chỉ là hoạt động luân phiên của 2 bên mũi mà thôi. Nhưng nếu tình trạng bị ngạt một bên mũi kéo dài mà không phải do bạn bị cúm, ốm... thì bạn nên đi khám để xác định được nguyên nhân cụ thể và được chữa trị kịp thời bởi rất có thể bạn bị lệch vách ngăn mũi, viêm xoang, polyp mũi hay dị ứng...
TH (Nguoiduatin.vn)