Lý do của hiện tượng này là do sự sai lệnh tín hiệu giữa các giác quan, khi di chuyển bằng ôtô, cơ thể bạn nhận được hai thông tin rất khác nhau. Mắt bạn đang nhìn thấy bên trong xe, dường như không hề chuyển động. Trong khi đó, tai bạn lại nói với não bộ rằng bạn đang tăng tốc.
Tai có một chức năng quan trọng khác ngoài nghe. Một nhóm cấu trúc nằm sâu bên trong tai được biết đến là hệ thống tiền đình, bộ phận mang lại cho chúng ta cảm nhận về sự cân bằng và chuyển động. Bên trong đó, có ba ống nhỏ hình bán nguyệt có khả năng cảm nhận được chuyển động, mỗi ống cho một chiều không gian. Và còn có hai khối mảnh như sợi tóc chứa đầy dịch lỏng. Khi bạn di chuyển, khối chất lỏng thay đổi và kích thích các sợi lông, báo cho não bộ biết bạn đang chuyển động theo phương ngang hay dọc.
Kết hợp tất cả những thứ đó lại, cơ thể bạn có thể cảm nhận được hướng chuyển động, gia tốc và cả góc của chuyển động. Vậy nên, khi đang ở trong ôtô, hệ thống tiền đình cảm nhận đúng về chuyển động của bạn, nhưng mắt bạn lại không thấy vậy, đặc biệt là khi bạn đang dán mắt vào trang sách.
Nhưng tại sao sự mâu thuẫn thông tin này lại khiến chúng ta cảm thấy khổ sở đến vậy?
Các nhà khoa học cũng không biết chắc về nó, nhưng họ cho rằng nguyên nhân là do sự tiến hoá. Như bạn biết đấy, phương tiện di chuyển nhanh và công nghệ ghi hình chỉ mới xuất hiện vài thế kỷ nay, một khoảng thời gian rất nhỏ trong quá trình tiến hoá. Trong hầu hết lịch sử loài người, không có nhiều thứ có thể gây ra những kiểu xáo trộn cảm nhận như vậy ngoại trừ chất độc, khi đó cơ thể phát ra một mệnh lệnh không mấy dễ chịu để tống khứ tất cả mọi thứ mà chúng ta đã ăn ra ngoài.
Lý thuyết này có vẻ khá thuyết phục, nhưng cũng có rất nhiều điều còn chưa thể giải thích như tại sao phụ nữ lại dễ bị tác động hơn bởi say tàu xe hơn đàn ông, hay tại sao hành khách dễ bị nôn hơn tài xế. Chúng ta đều biết vài phương pháp phổ biến để chống say xe như nhìn xa về phía đường chân trời, nhai kẹo cao su, uống vài viên thuốc chống say, nhưng không có phương pháp nào là hoàn toàn chắc chắn.
Dung (SHTT)