Doanh thu từ các bộ phim kinh dị, ma quỷ khá cao và phim càng sợ thì lại càng có nhiều khán giả kéo đến rạp để trải nghiệm, trong đó có không ít những người nhát gan.
Khá nhiều khán giả thú nhận rằng họ rất thích phim kinh dị dù cực kỳ nhát gan, thậm chí mỗi khi màn hình chuẩn bị đến đoạn đáng sợ là họ nhắm mắt hoặc quay mặt đi chỗ khác, thế nhưng vẫn không cưỡng lại được sức hút của dòng phim này. Tại sao lại như vậy?
Nếu gặp tình huống nguy hiểm thực sự trong cuộc sống, phản ứng của một người bình thường sẽ là cảm giác sợ hãi, cơ thể họ sẽ tự động sinh ra các phản ứng như tim đập nhanh, thở dốc, toát mồ hôi lạnh và dễ giật mình hơn bình thường.
Cần nhớ rằng, phản ứng sợ hãi sẽ bắt đầu từ não rồi lan khắp cơ thể, chúng tạo ra những thay đổi cần thiết để phòng vệ hoặc chạy trốn. Cụ thể, hạch hạnh nhân nằm trong thùy thái dương, vùng não chịu trách nhiệm phát hiện những biến đổi cảm xúc do tác nhân sợ hãi kích thích nên. Lúc này, não bộ cũng giải phóng hormone căng thẳng, kích thích hệ thần kinh giao cảm để cơ thể có thể phòng vệ, chạy trốn nhanh nhất có thể.
Khi xem phim kinh dị, bộ não biết rằng thực sự không có có mối nguy nào, nó sẽ biến sự dâng trào các hormone này thành một niềm vui thú.
Đó cũng là lý do khiến nhiều người thích thưởng thức các bộ phim kinh dị vì nó gây cảm xúc rất mạnh đối với họ. Có một sự thật là con người rất muốn trải nghiệm những cảm giác có thể gây ám ảnh đó vì bản tính tò mò.
Một trong những lý do khác khiến chúng ta thích xem những bộ phim kinh dị là vì chúng hầu như không thể đoán trước được. Sự hồi hộp và không chắc chắn của những sự việc kỳ lạ thu hút sự chú ý của chúng ta. Điều này càng khiến trí tò mò của chúng ta bị kích thích mạnh.
Xem phim kinh dị giống như việc tham gia các trò chơi mạo hiểm như nhảy bungee hoặc cưỡi tàu lượn siêu tốc, nhảy dù hay đi vào ngôi nhà ma trong khu vui chơi... Sau cảm giác sợ hãi sẽ là cảm giác thích thú tột độ do não bộ của chúng ta bơm ra một lượng lớn chất dẫn truyền thần kinh và hormone làm tăng sự phấn khích.
TH (SHTT)