Tục thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo chầu trời
Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt, ngoài ý nghĩa tâm linh (theo quan niệm dân gian Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng những việc đã làm được, chưa làm được trong năm qua ở dưới hạ giới).
Theo góc nhìn của phật giáo, thả cá chép có ý nghĩa phóng sinh hướng mọi người đến những giá trị nhân văn tốt đẹp trong cuộc sống, nhắc nhở mọi người cần làm nhiều việc thiện, tránh xa việc ác. Đồng thời cầu mong, ước nguyện những điều tốt đẹp, an lành sẽ đến với gia đình, đến với mọi người trong năm mới.
Với ý nghĩa này thì rõ ràng việc thả cá chép thật sự là một nghi lễ, một nét văn hóa cần được giữ gìn. Tuy nhiên, hình ảnh thực tế được ghi nhận sau khi cá chép được thả xuống sông, suối, ao hồ người ta dễ gặp là túi nilon ngập mặt hồ, là bàn thờ cũ, tàn tro cũng lềnh phềnh trôi trên mặt nước gây ô nhiễm môi trường. Các sông hồ phải oằn mình gánh 1 lượng rác thải lớn do con người đổ ra.
Trước giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, sau khi cúng xong, mọi người mang cá chép ra sông, hồ, hoặc ao thả phóng sinh. Ngày này nhiều gia đình cũng thường tỉa chân nhang, lau dọn bàn thờ sạch sẽ, có nhà còn thay bát hương mới… Khi hóa vàng xong tất cả tro, chân nhang, bát hương cũ được gom lại mang ra sông thả với quan niệm để cho sạch sẽ, mát mẻ, với ý nghĩ như thế mới mang lại nhiều phúc, nhiều lộc sẽ tới với gia đình.
Theo TS Trần Hữu Sơn - phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kiêm viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam, thì trong tục lệ cúng cá chép sống diễn ra rộng khắp tại miền Bắc. Nhưng ở miền Nam người dân thường mời ông Táo cưỡi cá chép giấy, còn tại miền Trung người ta lại thường đặt lên bàn thờ một con ngựa giấy với yên cương đầy đủ.
Như vậy, không hẳn cách cúng và thả cá chép sống là cách duy nhất để bày tỏ lòng thành kính, mà là do tục lệ từng vùng miền quy định.
Bác Văn Hoan (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: "Năm trước tôi đi thả cá chép ở hồ thì thấy cảnh người vội vàng như "ném" cá xuống hồ, cả túi, cả rác rơi xuống. Nhiều chú cá bị chủ nhân lỡ tay nên thoi thóp cạnh mặt hồ mắc trong đám nilon đến tội. Nhiều góc bên này thả cá, bên kia ngồi thuyền quây lưới, kích điện, vớt cá chép phóng sinh.
Cả một góc hồ ngập ngụa trong đống túi nilon, nước thì đen ngòm vì tro và chân nhang, bát hương, bàn thờ... bỏ tất cả ra đấy, gây mất vệ sinh môi trường kinh khủng".
Cá phóng sinh được nuôi để bán, thì phóng sinh có giá trị nhân văn không?
Quay trở lại với ý nghĩa ban đầu của nghi lễ thả cá chép ngày ông Công, ông Táo, người dân thường chuẩn bị 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là "phóng sinh" để đưa ông Táo về trời.
Việc phóng sinh, hiểu theo nghĩa đúng là người gặp vật nuôi quý hiếm bị bắt, bị nạn thì tìm cách giải thoát, cứu nạn rồi thả về môi trường tự nhiên. Hoặc nếu muốn phóng sinh thì nên mua lại những loại chim, cá sắp bị giết thịt rồi thả về tự nhiên.
Trong khi cá chép mua ở chợ thường là cá được "đổ buôn" từ nhiều làng nuôi cá chép đỏ với mục đích kinh doanh bán cho khách thả vào ngày này. Ví dụ làng nghề chuyên nuôi cá chép đỏ như làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Ngay từ nghĩa ban đầu đã có mục tiêu kinh tế trong đó là bởi có cung ắt sẽ có cầu, vậy chẳng phải cái vòng "phóng sinh" này dường như không đúng ý nghĩa ban đầu hay sao?
Ngoài ra người mua cá để thả nhưng vì ý thức kém nên vô tình hoặc cố ý gây hại cho môi trường. Nhiều chú cá đã chết khi được thả hoặc chết ngay trong khi thả. Vô hình chung, nó lại trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa phóng sinh do gia chủ không chọn được môi trường nước trong lành cho cá, hoặc cùng lúc đó ném rác thải xuống sông hồ gây hại cho môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng cá. Nhiều gia đình còn đổ tro hương xuống sông, hồ gây ô nhiễm và khiến chính những chú cá chép vừa được thả chết nổi mặt hồ.
Hơn nữa, hình ảnh những chú cá bên này thả, bên kia bị vợt rồi lại mang ra chợ bán tiếp thì cho thấy những chú cá phải khốn đốn, khổ sở thế nào. Ý nghĩa phóng sinh giờ dường như đã lệch lạc. Vì thế, ngoài việc mua cá phải chọn những con cá trông nhanh nhẹn, không bị bong vảy, cần quan tâm đến môi trường cá có thể sống thì và có những quy tắc thả cá bạn cần tuân thủ trong vấn đề nghi lễ thể hiện tâm thành và câu chuyện môi trường.
Thượng tọa Thích Thanh Huân từng nói: "Thả cá chép là một trong những tục gắn liền với ngày ông Công ông Táo. Thả cá vốn có những ý nghĩa rất đẹp. Nhưng khi thả cần đưa cá chép về đúng vào môi trường mà cá có thể sinh sống. Không nên ném cả túi cá xuống hồ, làm cá không thể thoát ra ngoài. Như vậy không những làm mất đi ý nghĩa tâm linh mà còn gây ô nhiễm môi trường".
Cá "bay" cùng rác
Hình ảnh ai cũng dễ gặp dịp cúng ông Công, ông Táo hàng năm là trên mặt hồ lại nổi lềnh phềnh những túi nilon, thậm chí có cả cá chết nổi trong túi do người dân chỉ "quẳng" cả túi cá xuống hồ mà không thả đúng cách. Thêm nữa, cá chưa thả, đã có người đứng đợi câu. Như vậy vô tình đã làm mất đi giá trị tốt đẹp vốn có của tục thả cá chép vốn có những ý nghĩa rất đẹp. Nhưng khi thả cần đưa cá chép về đúng vào môi trường mà cá có thể sinh sống.
Ngoài ra những thứ được "thả" xuống cùng cá như bát hương, chân nhang, tro... đều mang đến những hệ lụy lớn. Bát hương là đồ sành sứ, thả xuống sông, không may những người đi bắt cá bắt tôm dẫm phải, lộc đâu chưa thấy, nhưng cái thấy trước mắt là có thể gây thương tích cho người khác. Tro vàng mã nhiều, thả xuống sông, gây ô nhiễm nguồn nước, dần dần độ nghiêm trọng sẽ ngày càng tăng lên.
Để hạn chế tình trạng vứt rác thải tràn lan nhiều người đã tình nguyện thay phiên nhau nhắc nhở mọi người có ý thức thu gom túi ni-lông, tập hợp tro hóa vàng và khuyến khích người dân sử dụng xô chậu hoặc tay thả cá thay vì ném cả túi xuống hồ. Thậm chí nhiều biển bảng "Thả cá, không thả túi nilon" còn được cắm ngay ở đó. Nhưng hiệu quả cũng chưa mang lại đáng kể khi ý thức của người dân dường như vẫn còn ở mức yếu.
Giữ nguyên tục thả cá hay chọn cách thay thế?
Tuy thả cá chép là một tục lệ lâu đời nhưng việc thả cá xuống hồ ồ ạt trong một thời điểm có thể gây ra nhiều vấn đề gây tác động xấu cho hệ sinh thái ở sông, hồ. Từ những năm gần đây đã có các ý kiến cho rằng còn nhiều cách khác để thực hiện ngày lễ truyền thống này văn minh, ít rác và tác hại vào môi trường hơn.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn đã từng cho rằng không nên thả cá ngày ngày ông Công, ông Táo; thay vì đốt vàng mã, mua cá thả sông... mỗi người nên chăm chút căn bếp nhà mình
Thay vì thả cá sống người ta nghĩ ra cách khác để tỏ lòng thành kính là bên cạnh các món ăn truyền thống khác trong mâm cơm cúng, một số gia đình thường chuẩn bị một đĩa xôi gấc hoặc các loại bánh hình cá chép. Điều này không chỉ giảm tải tác hại xấu đến môi trường mà còn giúp đội công nhân vệ sinh đỡ vất vả hơn; trả lại cảnh quan sạch cho sông, hồ.
Việc cúng lễ thần linh, Phật, thánh, tổ tiên thì điều quan trọng nhất là thành tâm cầu nguyện, "lễ bạc, lòng thành" là tốt nhất. Nhưng nếu bạn vẫn chọn cách truyền thống, thả cả cúng tiễn ông Công, ông Táo cũng không có gì sai. Nhưng thái độ của bạn với việc này cũng rất quan trọng để thể hiện lòng thành mà không gây hại đến môi trường.
Cách thả phải nhẹ nhàng, không nên thả cá cùng túi ni lông từ trên cao xuống. Đặc biệt, khi thả cá xong phải bỏ túi ni lông gọn vào nơi thu gom rác thải, hoặc dùng những đồ sành sứ rồi mang về nhà. Không nên vứt luôn túi nilon xuống nước, hoặc ném tràn lan trên bờ gây mất vệ sinh môi trường, làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan nơi sông nước.
Đi cùng với tục bao sái bàn thờ trong ngày cúng ông Công, ông Táo cũng vậy thay vì cứ cho rằng cần mang chân nhang, bát hương, tro... ra sông hồ cho mát mẻ thì hãy thu gom vào nơi quy định.
Bởi điều quan trọng nhất là không có đúng, hay sai, quan trọng là tâm thành nhưng tuyệt đối không được để lại tác động xấu đến môi trường. Vì thành tâm cỡ nào mà ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống thì cách làm của bạn cũng là sai cả.
Theo ĐX (Pháp luật và bạn đọc)