Nhiều người tin lời đồn ngày Tam Nương vì thiếu kiến thức

21/07/2016 15:44:00

"Nếu là một người trẻ có đầy đủ kiến thức, bạn sẽ có đủ "sức đề kháng" với những luồng thông tin trái chiều về tin đồn ngày Tam Nương nói riêng và các vấn đề  khác về tín ngưỡng nói chung"

"Nếu là một người trẻ có đầy đủ kiến thức, bạn sẽ có đủ "sức đề kháng" với những luồng thông tin trái chiều về tin đồn ngày Tam Nương nói riêng và các vấn đề  khác về tín ngưỡng nói chung".

Đó là chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Đệ, Phó trưởng khoa Văn hóa học, trường Đại học Văn Hóa (TP.HCM) về việc có khá nhiều bạn trẻ tin vào những tai họa khủng khiếp sẽ xảy đến với mình, vào ngày Tam Nương, được đồn là nửa thế kỷ mới đến một lần vào hôm nay, 21.7.

Nhiều bạn trẻ tin vào những tai họa khủng khiếp sẽ xảy đến với mình, vào ngày Tam Nương, được đồn là nửa thế kỷ mới đến một lần vào hôm nay, 21.7

Tiến sĩ nhận định về tin đồn ngày Tam Nương: “Thật ra ngày nay, trong suy nghĩ của đa số người Việt, ảnh hưởng của ngày Tam Nương dường như không đáng kể. Nó là một hình thức tín ngưỡng dân gian (của người Trung Quốc -, cho nên việc ngày này có xui xẻo thật hay không, không ai kiểm chứng được. Bởi đôi khi, có những việc xảy ra trùng hợp với một số người thì họ tin, còn những ai không gặp phải bất trắc gì thì nghĩ ngày nào cũng là ngày thôi, chẳng đáng bận tâm”.

Người trẻ ít hiểu biết về tín ngưỡng

Giới trẻ ngày càng ít quan tâm đến tín ngưỡng, hoặc cũng có một số người để ý đến, nhưng chỉ khi thông tin về tín ngưỡng được cung cấp ở dạng giật gân, kích động, đôi khi là sai sự thật.

Lý giải điều này, tiến sĩ Nguyễn Đệ nói: “Bạn trẻ hiện đại năng động và có nhiều mối quan tâm khác nên cha mẹ cũng khó có cơ hội truyền đạt suy nghĩ, quan niệm của mình cho con cái. Ví dụ ngày xưa, khi con cái lớn lên ở cạnh gia đình nhiều, ba mẹ biết và hiểu rõ về tín ngưỡng nào đó thì mặc nhiên họ cũng sẽ hiểu và tin theo. Còn bây giờ, giới trẻ đến một độ tuổi nhất định sẽ đi học, đi làm, sớm xa rời gia đình nên họ nghĩ tín ngưỡng của thế hệ của cha ông đã lỗi thời, dẫn tới không quan tâm, không biết”.

Nhiều người tin lời đồn ngày Tam Nương vì thiếu kiến thức - ảnh 2
Nhiều bạn trẻ lên mạng thắc mắc, hỏi về ngày Tam Nương. Ảnh chụp màn hình.

“Còn việc hiện nay có nhiều bạn chia sẻ các thông tin sai lệch về ngày Tam Nương, tôi cũng xin nhắc lại, đây cũng chỉ là một tín ngưỡng văn hóa dân gian (của người Trung Quốc - BTV), tin hay không tin là quyền của mỗi cá nhân. Khi bạn chia sẻ, bạn tin nhưng tôi đọc, tôi không tin, cũng chẳng ai ép được. Dẫu vậy, tôi cam đoan rằng, nếu là một người trẻ có đầy đủ kiến thức, bạn sẽ có đủ ‘sức đề kháng’ với những luồng thông tin trái chiều về tin đồn ngày Tam Nương nói riêng và các vấn đề  khác về tín ngưỡng nói chung…”, nhận định của phó Trưởng khoa Văn hóa học.

Tiến sĩ cũng hy vọng rằng, khi thấy con cái có nhận thức sai lệch về vấn đề tín ngưỡng - tôn giáo, các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm để định hướng, uốn nắn con mình kịp thời. Trong một số trường học, nếu có môn học nào gần với tín ngưỡng dân gian thì thầy cô giáo cũng nên giúp học trò nâng cao hiểu biết.

Việt Nam còn chịu ảnh hưởng tín ngưỡng của Trung Quốc?

Theo một số ghi chép, ngày Tam Nương xuất phát từ tín ngưỡng có nguồn gốc từ Trung Quốc, không phải của Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Đệ xác nhận thông tin này. Ông cho biết, nhiều người Việt vẫn tin và biết đến ngày này bởi chúng ta đang dùng lịch Âm của Trung Quốc; và có khá nhiều tín ngưỡng, văn hóa giữa nước ta và Trung Quốc mang nét tương đồng, giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau. Đó là sự thật không thể chối bỏ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đệ, “tín ngưỡng của người Việt dĩ nhiên là có ảnh hưởng của người Hoa. Nhưng nhiều cái cũng không hoàn toàn là học hỏi. Tôi ví dụ, Đạo giáo ra đời ở Trung Quốc, sau khi du nhập vào Việt Nam đã có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tín ngưỡng của người Việt. Tâm lý thờ trời, tin vào quyền năng của Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tiên, Phật, Thái Thượng Lão Quân… là ‘hơi thở’ của Đạo giáo".

Nhiều người tin lời đồn ngày Tam Nương vì thiếu kiến thức - ảnh 4
Thờ cúng ông bà, tổ tiên, người có công với đất nước là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt. ẢNH: MAI THÁI HẢI/TNO

"Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt có từ thời cổ đại và người Trung Quốc cũng rất coi trọng tục lệ này, song không ai dám khẳng định người Việt tiếp thu văn hóa thờ cúng của người Hoa”, tiến sĩ Nguyễn Đệ nói thêm.

“Nói về tín ngưỡng thờ mẫu, Việt Nam có Mẫu Thượng Ngàn (Bà Chúa xứ), còn bên Trung Quốc có bà Thiên Hậu. Hiện tại, ở nước ta vẫn có người có tín ngưỡng Thiên Hậu và ngược lại, các miếu thờ Mẫu của người Việt mình, người Hoa vẫn đến viếng…”, tiến sĩ Nguyễn Đệ minh họa thêm về sự tương đồng tín ngưỡng giữa hai nước.

Theo Lê Ái (Thanh Niên Online)