Cuộc sống trắc trở với nhiều nỗi đau trong một gia đình "chắp vá"
Đứng trước việc bố mẹ ly hôn, phần lớn con cái sẽ bị mất mát lớn về mặt tinh thần, bị tổn thương tâm lý. Ly hôn không chỉ khó khăn cho các cặp vợ chồng, nó còn là một trải nghiệm đau đớn với mỗi đứa trẻ.
Đối với chị Hồng Nhung, 31 tuổi, hiện đang sống ở Phú Thọ, chị đã từng phải đối diện với nỗi buồn vì gia đình không còn nguyên vẹn khi mới chỉ là cô bé 13 tuổi.
Sau đó 3 năm, bố chị đi bước nữa. Từ xưa đến nay, người ta vẫn đem mối quan hệ mẹ kế - con chồng ra bàn tán như một điều hiển nhiên không thể thay đổi - "mấy đời bánh đúc có xướng, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng". Thế nhưng, đối với chị Hồng Nhung, nỗi mất mát, tổn thương trong chị vì gia đình tan vỡ đã được chính người mẹ thứ 2 này xoa dịu.
Chị Hồng Nhung tâm sự: "Ngày ấy mình đã từng giận bố mẹ lắm, mình trốn tiệt một nơi , thu mình lại và khóc rất nhiều khi biết bố mẹ sẽ ly hôn. Mình về ở với bố tạm trong khi mẹ đi làm ăn xa, khi mẹ về thì lại tạm biệt bố để sống cùng mẹ. Cứ như vậy, tủi thân lắm...
Mình chính là con bé viết cho bố dòng chữ "bố hãy đi lấy vợ đi bố nhé" và đút vào túi áo của bố. Con bé nhí nhảnh, hồn nhiên đã trở nên lầm lũi, cam chịu cảnh bố mẹ nó không ở cạnh nhau.
3 năm sau, bố đón mình từ miền Nam trở về Bắc để đi học sau kỳ nghỉ hè mình vào chơi với mẹ. Khi ấy thì bố và dì chưa làm đám cưới. Trước khi tới phòng, bố dặn: "Con đừng làm gì để bố buồn nhé", chắc bố sợ mình sẽ phá bĩnh và gây hấn với người bố sắp lấy làm vợ.
Nhưng mình không hề có ý định đó dù gặp mặt cô ấy cũng chẳng thấy vui vẻ gì. Làm gì có đứa con nào thích thú mừng vui khi bố có lựa chọn khác.
Sau đó nửa năm thì cô ấy chính thức làm vợ bố bằng lễ cưới nhỏ. Mình lần nữa chạy trốn để không phải chứng kiến cảnh đám cưới của bố. Và bố lại tìm ra mình đang khóc trong nhà tắm, bố an ủi và dỗ mình về...
Mình sợ mẹ kế sinh cho bố con trai thì bố sẽ không yêu thương mình nữa, nên lại viết ra giấy và đút túi áo bố "bố có em trai rồi bố có yêu con nữa không"..
Bố nói: "Dù thế nào đi nữa con vẫn là đứa con gái bố yêu nhất đời"! Mình tin điều đó..."
Thời gian đó, chị Hồng Nhung vẫn giữ khoảng cách với mẹ kế, vẫn gọi cô, xưng cháu và không có ý định sẽ trở nên thân thiết với vợ của bố.
Chỉ đến khi gia đình lần nữa gặp biến cố, khoảng cách giữa mẹ kế - con chồng mới dần thu hẹp lại: "Cuộc sống bình yên trôi đi được vài tháng thì bố lâm bệnh nặng. Bác sĩ bảo bố bị ung thư phổi, mà quái ác là đã giai đoạn cuối.
Mình khi đó đang học dang dở năm lớp 11, mẹ ruột ở Sài Gòn, bố đi bệnh viện thì chỉ có mẹ kế theo chăm sóc. Mẹ kế là người đưa bố hết bệnh viện K tới Bạch Mai tới viện Phổi, chăm sóc bố từng chút. Khi ấy mẹ còn đang mang thai em trai mình nữa nên chắc chắn mệt mỏi lắm!
Bố không qua được và mất khi vừa phát hiện ra bệnh được 1 tháng, đúng lúc mình nghỉ hè lớp 11 và bụng mẹ kế đã lùm lùm to.
Ngày mẹ sinh em bé, mẹ về nhà ngoại của mẹ. Mình là con một của bố mẹ vì thế mình vui mừng vô cùng khi có đứa em ruột rà máu mủ. Thế nhưng, cuộc đời thật lắm trớ trêu, mình tự hỏi không biết sao mẹ kế khổ như vậy, nếu không lấy bố thì mẹ có bớt khổ hơn hay không?
Em mình được 2 tháng thì ông trời cũng cướp mất em khỏi mẹ do em bị bệnh viêm phổi cấp. Xót xa và thương mẹ rất nhiều, thật lòng mình thương mẹ lắm.
Sau đó thì mình gọi mẹ bằng mẹ chứ không còn gọi là cô nữa. Mẹ bảo mẹ vui và hạnh phúc vô cùng khi mình cho mẹ cái thiên chức làm mẹ. Nhiều năm về sau, mẹ vẫn không đi bước nữa. Mẹ cưu mang một cô bé trót có bầu với bạn trai nhưng không cưới.
Mẹ nhận cô bé đó khi ấy bụng mang dạ chửa nuôi ăn, trả lương cho công việc rửa bát ở quán cơm bình dân của mẹ, sau đó nhận nuôi con gái của em. Bây giờ bé Thỏ đã 5 tuổi. Mẹ có thêm niềm vui, niềm hi vọng sống".
Dù chồng và con trai lần lượt ra đi chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nỗi đau tột cùng ấy vẫn không làm cho mẹ kế của Nhung trở nên lạnh lùng, khắc nghiệt. Mẹ cô không đi bước nữa, bà ở vậy và dành trọn tình yêu thương dành cho con riêng của chồng cùng cô con gái nhỏ mà bà nhận nuôi bằng cả trái tim nhân hậu của người phụ nữ kém may mắn.
"Người mẹ thứ hai mà tôi may mắn có được trong đời"
Kể từ sau những biến cố lần lượt ập xuống, Hồng Nhung đã có cái nhìn hoàn toàn khác đối với mẹ kế. Cũng từ đó, cô không gọi bà là cô, là mẹ kế nữa mà đã dành cho bà tên gọi trìu mến nhất: Người mẹ thứ hai.
"Từ đó, mình thương mẹ hơn rất nhiều, mẹ con cũng thân thiết lắm. Mình làm gì sai mà không dám nói với mẹ đẻ cũng cầu cứu mẹ.
Mình sinh con lần nào mẹ cũng về thăm và chơi với các con, mình thiếu tiền mẹ cũng cho. Mẹ đón mình với các cháu xuống chơi với mẹ, xuống đó chỉ ăn với ngủ, còn mọi chuyện mẹ lo.
Nhà bà nội mình có giỗ chạp gì mẹ cũng về lo chu đáo. Mẹ bảo: "Mẹ chỉ có con và em Thỏ, mẹ coi các con như nhau chứ không phải có em Thỏ rồi mẹ không thương con nữa".
Mình cảm nhận được tình cảm của mẹ và cũng đáp trả tình yêu thương ấy. Mẹ mình 41 tuổi thôi, vẫn còn rất trẻ, mình luôn mong có người đàn ông tốt mang lại hạnh phúc cho mẹ."
Không chỉ mẹ kế - con chồng có mối quan hệ tốt đẹp, theo Hồng Nhung kể thì mẹ đẻ cô với mẹ kế cũng cực kỳ thân thiết, duy trì mối quan hệ văn minh cùng những tình cảm tốt đẹp dành cho nhau.
Họ xưng hộ chị - em với nhau, mỗi khi có dịp gặp gỡ, hai mẹ của Nhung lại cùng ngồi ăn uống, chuyện trò vui vẻ.
Gia đình của Hồng Nhung tuy không trọn vẹn, tan vỡ và "chắp vá", nhưng những mảnh ghép vốn "chắp vá" lại với nhau ấy có thể vừa khít với nhau một cách hoàn hảo nhờ chất kết dính là tình cảm thân thành, sự bao dung, nhường nhịn mà các thành viên dành cho nhau.
Theo Ngân Hà (Nhịp Sống Việt)