Gia đình tôi là một gia đình bình thường, không thuộc hàng khá giả cũng không thuộc hàng nghèo túng. Theo đánh giá của xã hội thì đó là mức trung bình. Bố mẹ tôi làm trong nhà nước, tài sản không có nhiều, đủ nuôi các con đi ăn học, đủ sống một cuộc đời an yên cho tới già.
Không chỉ gia đình tôi mà trong họ hàng tôi, cô, dì, chú, bác, gia đình nào cũng thế. Tất cả đều có chung một công thức dạy dỗ con cái là phải sống hòa thuận, lành mạnh, học giỏi rồi sau này có công ăn việc làm ổn định, lập gia đình, sinh con và thế là sống đến hết đời.
Cũng chính bởi được nuôi dạy như vậy nên tư tưởng chỉ cần sống hạnh phúc còn những thứ khác không cần quan tâm đã thấm nhuần vào tôi. Thì đúng, bố mẹ lúc nào cũng chỉ mong con cái sống vui vẻ, hạnh phúc là bố mẹ đã yên tâm rồi!
Nhưng đến khi đi làm, nhận lương mỗi tháng, tôi mới biết: "Không có tiền, khố lắm!"
18 đến 23 tuổi, tôi lên Thủ đô học, sống bằng trợ cấp của bố mẹ. Vốn dĩ là một đứa con gái có nhan sắc trung bình, tính cách bình thường nên tôi chẳng để ý nhiều đến ngoại hình, không mua sắm nhiều, cũng chẳng có bạn bè nhiều, không tụ tập, ăn uống nhiều. Vì vậy, tiền bố mẹ cho bao nhiêu thì tôi tiêu bấy nhiêu.
24 tuổi, bắt đầu bước chân vào thế giới công sở, cuộc sống đổi khác, cần phải gặp gỡ người này người kia. Cầm bằng kế toán trong tay, may mắn tôi xin được đúng công việc mình đã theo học với số lương 6 triệu/tháng. So với bạn bè đi làm đúng ngành thì thu nhập của tôi không thấp. Bố mẹ ở nhà cũng phấn khởi lắm vì tôi xin được công việc đúng ngành đúng nghề, lại kiếm được tiền. Tôi thấy như vậy nên cũng tự hào về bản thân lắm.
1 năm trôi qua, lương của tôi cũng chỉ tăng thêm 1 triệu. Trong 1 năm ấy, tôi thở dài không biết bao nhiêu lần. 6 triệu hay 7 triệu thì 1 tháng, tôi cũng phải chật vật xoay sở sao cho đủ để không phải vay mượn ai. Nhiều lần, tôi đã chán ngán, muốn bỏ quách công việc này để chuyển sang một lĩnh vực khác.
Tôi ngày càng thấm thía lời khuyên của một chị bạn tôi: "Ở Hà Nội ấy, em chẳng làm được gì cả. Em phải kiếm được 10 triệu thì may ra còn đủ ăn, còn tiết kiệm được hay không, chị không chắc lắm."
Bạn bè đại học cùng lớp, có đứa thất nghiệp, đứa chật vật sống như tôi nhưng vẫn cố an ủi tôi: "Mình còn trẻ, có 24 tuổi, lo gì chuyện tiền bạc, cứ lo vun đắp kiến thức cho công việc đi!", có đứa lương tháng 8 chữ số, đi du lịch thường xuyên, có đứa đã bắt đầu công cuộc mua trả góp căn hộ chung cư… Nghĩ về mình, tôi càng cảm thấy chán nản và xấu hổ.
Người ta lo tháng sau đi du lịch ở đâu, tôi bận lo ngày mai ăn gì.
Người ta lo Tết sắm sửa gì tặng bố mẹ, tôi bận kiểm tra xem mình còn nợ tiền ai không.
Người ta lo tháng này có tiết kiệm đúng số tiền đặt ra không, tôi bận đếm bao giờ đến ngày nhận lương.
Có một lần, không hiểu sao tôi lại đau lưng đến thế, không cúi xuống được, nhích người nhẹ thôi mà cũng điếng người. Tôi định đi bệnh viện khám mà đến nơi, hỏi chi phí cần trả mà tôi đã tự ái quay về rồi lên mạng Google các cách chữa bệnh tạm thời. Tôi thấy mình thật ngu ngốc mà cũng đành chấp nhận!
Lần khác, về nhà vào mùa hè, cái tủ lạnh nhà tôi dùng đã lâu bỗng dưng bị chập điện, hỏng, không sử dụng được nữa. Nếu là người kiếm được nhiều tiền thì chắc tôi đã dắt bố mẹ ngay ra cửa hàng điện lạnh sắm một chiếc luôn. Ấy vậy mà, tôi đành cầm lòng sau khi nghe quyết định của bố mẹ là sẽ gửi nhờ đồ sang tủ lạnh nhà khác một thời gian.
Tôi vừa mới có cơ hội gặp lại một người bạn đại học mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Loan là một đứa năng nổ, hoạt bát, ngay từ khi đi học đã luôn tranh thủ đi làm. Cô ấy làm rất nhiều công việc, thử nhiều lĩnh vực khi những đứa còn lại như chúng tôi vẫn còn mải mê ở nhà cày phim, lướt Facebook ngày ngày. Khi ra trường, Loan đã biết cô ấy có những điểm mạnh, điểm yếu nào nên cô ấy quyết tâm theo đuổi con đường viết lách.
Kế toán vốn dĩ là một ngành khô khan nhưng Loan lại khác, cô ấy biết mình thích gì nên hiện tại đang sở hữu hẳn một blog riêng về cuộc sống thu hút hàng trăm nghìn lượt thích, cô ấy cũng là biên tập viên của một tờ báo mạng. Và tất nhiên, với số lượng công việc nhiều như vậy, thu nhập của cô ấy đã chạm mức khá: 25 triệu/tháng.
Số tiền kiếm được, Loan dành mua quần áo, mỹ phẩm, đi du lịch, thỉnh thoảng đi café, ăn uống với bạn bè để giữ mối quan hệ. Tháng nào, cô ấy cũng biếu bố mẹ một khoản và cô ấy còn tiết kiệm được một khoản cho riêng mình. Loan nói, cô ấy hài lòng về cuộc sống bây giờ lắm, những gì cô ấy bỏ ra thời đi học bây giờ được trả xứng đáng. Thu nhập cao như vậy khi còn trẻ, cô ấy cũng không hoang phí mà dùng vào những việc đúng.
Một đứa như tôi, nghe những chia sẻ, trải nghiệm, câu chuyện của Loan mà chỉ biết nuốt nước bọt. Rồi bất chợt tôi nghĩ không biết bao giờ tôi sẽ được như Loan, có thể thoải mái rút tiền cho đứa cháu thêm chút tiền ăn học hay có thể dễ dàng mua một chiếc túi mình đã thích từ lâu để diện đi ăn cưới bạn thân.
Tôi thích tiền, không phải tôi thực dụng, mà bởi tiền giúp tôi đảm bảo cuộc sống. Không có tiền, chẳng dám giao lưu, chẳng dám đi đâu, gặp gỡ bạn bè. Cứ thế, cuộc sống tôi cứ quanh quẩn trong cái nhà trọ 30m2 chia 3 người với một cái máy tính.
Thỉnh thoảng, lướt Facebook, thấy có hoàn cảnh thương tâm, tôi cũng muốn gửi cho họ chút tiền để giúp họ. Ấy vậy mà, cuối tháng, tiền chỉ đủ để ăn và đổ xăng. Tôi lại đành ngậm ngùi cất ví lại.
Tôi có đọc một câu như thế này trên mạng:
"Nghĩ đi nghĩ lại cố gắng kiếm tiền vẫn là đáng tin cậy hơn hết. Nếu không những lúc tâm trạng không tốt, chỉ có thể mua vài chai bia, gói snack rồi thui thủi ngồi khóc bên vệ đường mà thôi. Nếu cố gắng kiếm tiền, thì có thể vừa ngâm mình trong suối nước nónng tĩnh lặng mà xinh đẹp nào đó, vừa đắp mặt nạ và mặc kệ nước mắt tuôn rơi. Cố gắng kiếm tiền rồi tôi có thể đến New York khóc, đến London khóc, đến Paris khóc, đến Roma khóc, vừa bước đi phong độ vừa khóc, muốn khóc thế nào thì khóc..."
Giật mình khỏi cơn miên man, tôi tỉnh giấc. Ông anh đồng nghiệp hồ hởi đưa thiệp cưới cho tôi.
Mùa cưới đã đến. Đúng thật, không có tiền, khổ lắm!
Theo V.D (Trí Thức Trẻ)