Đường hoàn lương của cựu nhà báo Việt trồng cần sa ở Úc

06/10/2021 10:07:17

Tốt nghiệp Tổng hợp Văn, là biên tập viên của đài truyền hình tỉnh, Tô Giang bỏ lại tất cả để đi theo tiếng gọi của đồng tiền, rồi lại trở về quê hương gột rửa quãng đời tội lỗi đã qua.

Một buổi tối khi đang kéo thùng rác từ lề đường vào ngôi nhà trồng cần sa, Tô Giang bị cảnh sát Úc ập đến vây bắt. Khoảnh khắc bị chiếc còng số 8 quặp vào tay, anh bất giác nhớ đến cảm giác vinh quang của người chiến thắng khi 3 năm liên tiếp nhận giải vàng liên hoan phát thanh - truyền hình.

Bàn tay từng nâng chiếc bằng khen hướng mắt về phía khán giả dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ giờ đây đã nằm gọn trong chiếc còng lạnh buốt. Thứ ánh sáng duy nhất là đèn nháy của từng đoàn xe cảnh sát liên tiếp ập đến, từ cả chiếc trực thăng đang bay phè phè trên đầu anh chiếu xuống.

Cả đời anh có lẽ không thể quên được thời khắc đó - đúng 8 giờ tối ngày 8/8/2017. Lúc này, ở Việt Nam, trời bắt đầu sang thu.

"Sự nghiệp chăn mèo" trên đất Úc

Đường hoàn lương của cựu nhà báo Việt trồng cần sa ở Úc
Tô Giang đang đạo diễn một cảnh quay tại nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) trong loạt Ký sự Côn Đảo dài 9 tập. 

Nguyễn Tô Giang sinh ra và lớn lên ở Vinh, Nghệ An. Như nhiều người con của đất học xứ Nghệ, anh được nuôi dạy và học hành tử tế. Tô Giang tốt nghiệp Tổng hợp Văn (nay là khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) năm 2002. Trước năm 2013, anh là biên tập viên của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nghệ An.

Tự nhận mình là một người tham vọng lạc lối, Tô Giang bỏ lại tất cả - vợ và 2 con gái, cùng với sự nghiệp đang phát triển ổn định - để đi tìm con đường đổi đời nơi xứ người.

Sáu tháng đầu tiên ngơ ngác trên đất Úc, anh chọn làm những công việc chân tay nặng nhọc để làm quen với môi trường mới, tìm cơ hội bước chân vào thế giới chìm của những người trồng cần sa mà trong giới gọi là “dân chăn mèo”. “Mèo” ở đây là từ lóng ám chỉ cảnh sát Úc - đối tượng mà những kẻ trồng cần sa phải tìm mọi thủ đoạn để qua mặt. 

Bằng khả năng kết nối của mình, chỉ vài tháng sau, anh trở thành thợ trồng cần sa học việc cho một ông chủ. Ban ngày, tuỳ thuộc vào độ sang trọng của ngôi nhà anh được giao trông nom, khi thì anh đóng vai một anh công nhân chăm chỉ, hiền lành, lúc lại vào vai một trí thức gốc Á giàu có. Anh chỉ được phép trở về căn nhà vào buổi tối để chăm sóc hàng trăm cây cần sa lứa này nối tiếp lứa kia được trồng kín bên trong các căn phòng. Những giấc ngủ chập chờn trong tâm trạng lo lắng cảnh sát và kẻ trộm có thể ập vào bất cứ lúc nào là nỗi sợ hãi thường trực của “dân chăn mèo”.

Những đồng đô la đầu tiên được anh gửi về quê nhà trong sự tự hào của gia đình, trong ánh mắt ngưỡng mộ của làng xóm, bạn bè. Hào quang ấy khiến anh ngày càng tham vọng và lạc lối trên con đường tìm kiếm tiền tài, danh vọng.

Không cam tâm với việc đi làm thuê, nhận lương thấp mà phải gánh chịu mọi rủi ro cho ông chủ, anh âm thầm tích luỹ vốn liếng và kinh nghiệm để một ngày đứng ra làm chủ.

Mục tiêu ấy cuối cùng cũng đạt được, nhưng thế giới ngầm của “dân chăn mèo” không đơn giản như anh nghĩ. Lừa dối, gian manh, phản bội, ghen tức… đã khiến anh bao phen đứng trước bờ vực khánh kiệt và tuyệt vọng.

Đã có vài lần Tô Giang muốn rút ra khỏi thế giới u ám này để trở về quê hương, nơi anh có mẹ già, con nhỏ đang đợi để làm lại từ đầu, bằng những công việc lương thiện. Nhưng áp lực cơm áo, sĩ diện của kẻ bỏ quê hương lại ép anh bước sâu hơn vào con đường mà anh ngày càng có dự cảm không tốt cho số phận mình.

“Ngày bị bắt là ngày đen tối nhất cuộc đời tôi” - anh nói.

30 tháng tìm lại chính mình trong nhà tù

Tô Giang nhiều lần nhắc đến cái chết khi nhớ về những ngày đầu tiên trong nhà tù nước Úc. Đã nhiều lần anh ước rằng mình có thể nhảy xuống đâu đó để chết đi cho xong. Đi cùng với những tuyệt vọng, đau đớn của một kẻ thất bại là ý chí phục thù. Anh từng có ý định liên kết với 2 bạn tù để lập một đường dây buôn bán cocain quốc tế ngay khi ngồi tù. Nhưng kế hoạch ấy may mắn chưa thành hiện thực thì cuộc đời anh được cứu rỗi bởi một vị thiền sư.

“Đó là người đã cho tôi thấy ý nghĩa của cuộc đời, cho tôi hiểu giá trị của bản thân, giảng giải cho tôi nghe về đạo Phật”.

Từ đó, anh học cách buông bỏ và tìm lại ý nghĩa cuộc sống. Đến giờ, khi ngồi nhìn lại, anh nói, 30 tháng trong nhà tù nước Úc, với anh, không phải là những ngày tháng đau khổ, mà đó là những ngày tháng ý nghĩa nhất để anh tìm lại chính mình - gột rửa mình và học tập.

Nhà tù với anh là nơi được đọc sách, được học tiếng Anh, tập gym và nói chuyện với vị thiền sư. Với cô giáo dạy tiếng Anh, anh là một học trò có những tiến bộ “ngoạn mục”. Với thiền sư, anh là một đệ tử có nhiều hi vọng về con đường hoàn lương. Với những thủ thư, anh là một anh chàng người Việt ham học hỏi, đến mức ngày ra tù, họ còn cười khúc khích khi anh xin được mang sách về nhà.

Đường hoàn lương của cựu nhà báo Việt trồng cần sa ở Úc - 1
Lời chúc của những người bạn tù trong ngày anh được hoà nhập cuộc sống. 

Nghĩ về 7 năm lên bổng xuống trầm trên đất Úc, anh tự nhận xét mình thất bại với nghề trồng ‘cỏ’ bởi vì không đủ nhẫn tâm để phản trắc, mưu mô với cả chính những người đồng hương nơi xứ người. Nhưng âu đó cũng là cái giá anh phải trả cho những tội lỗi mà mình đã gây ra. Bây giờ, anh không oán hận bất cứ ai, không tiếc nuối bất cứ điều gì.  

Ngày 20/1/2020, anh ra tù, được cảnh sát Úc đưa ra tận sân bay, bàn giao cho cơ quan an ninh để trục xuất về nước - cái cách mà anh tự giễu mình là “ra về theo cách vinh quang nhất”.

Tô Giang đã từng nghĩ, sau khi ra tù, anh sẽ bỏ xứ mà đi để trốn tránh những ánh mắt chế giễu, hoài nghi, kỳ thị của người đời. Nhưng cuối cùng, anh chọn ở lại, về chính ngôi nhà mình đã lớn lên để đối mặt với thực tại.

Trong 30 tháng anh ngồi tù, vợ con anh đã bỏ nhà đi xây dựng cuộc sống mới, người tình không thèm nhận điện thoại mỗi khi anh gọi hỏi thăm, mẹ anh mắc bệnh Alzheimer, không còn nhận biết được gì. Ngày anh trở về, chỉ có gia đình cậu em ra đón anh ở sân bay. Mẹ nhìn anh với ánh mắt vô cảm, thất thần hỏi “con về rồi à”, như thể anh mới đi ngày hôm qua.

Viết lại quãng đời lầm lỡ để sống tiếp

Đường hoàn lương của cựu nhà báo Việt trồng cần sa ở Úc - 2
Cuốn sách "Đường xanh viễn xứ" được Tô Giang hoàn thành trong vòng 7 tháng sau khi về Việt Nam.

Về Việt Nam tháng 1/2020 thì tháng 2 anh bắt đầu viết sách - cuốn sách về 7 năm “chăn mèo” trên đất Úc có tựa đề “Đường xanh viễn xứ”. Tô Giang gọi cuốn sách này là “’người’ đã kéo tôi đứng dậy để sống tiếp”.

“Tôi viết lại một quãng đời mình bởi mặc cảm tội lỗi, và tôi mong được bạn bè, người thân hiểu rõ nỗi thống khổ của sự giày vò tôi từng trải qua. Tôi ước mong việc viết ra có thể rũ bỏ được nỗi ám ảnh, sự hãi hùng dai dẳng đeo bám để trở lại với cuộc sống như bao con người bình thường khác”.

“Qua câu chuyện, tôi cũng mong một ai đó đang xây giấc mơ xa hoa trên sự tội lỗi hãy suy nghĩ để tìm lại giá trị của cuộc sống” - Tô Giang viết trong lời đề tựa cuốn sách.

Anh bảo, viết ra chính là cách mà anh đối diện với những sai lầm của chính mình, là lời giải thích với những người còn thắc mắc, là lời tạ lỗi với những người anh đã làm tổn thương, cũng là sự tha thứ cho những kẻ anh từng hận thù.

Bảy tháng lăn lộn với những con chữ cũng là lúc anh tìm lại một Tô Giang được học hành tử tế, được dạy làm những điều đúng đắn và thấp thoáng nhìn thấy hình bóng của một biên tập viên ngày nào.

Cuốn sách không chỉ là bức tranh chân thực về một vấn đề xã hội đang tồn tại ở nước Úc, mà còn là sự dốc hết “ruột gan” của người viết. Anh dám nói ra hết những tội lỗi, xấu xa của chính mình - từ những màn kịch để qua mắt cảnh sát Úc cho tới những góc khuất trong con người anh về việc ngoại tình, hít coccain, nướng hàng chục ngàn đô la vào những sòng bạc...

Đường hoàn lương của cựu nhà báo Việt trồng cần sa ở Úc - 3
Tô Giang hiện là huấn luyện viên thể hình và dinh dưỡng ở Vinh, Nghệ An.

Từ khi về Việt Nam, Tô Giang chọn công việc làm một huấn luyện viên thể hình và dinh dưỡng để sửa lại quãng đời lầm lỗi của mình. Anh bảo, khi ở trong phòng gym, sức ép của những quả tạ đã giúp anh vượt qua chính mình, để bước ra ngoài kia vững vàng hơn trước những thách thức cuộc đời. “Tôi chọn công việc này để làm đẹp, để mang đến sức khoẻ cho mọi người, mang đến niềm vui cho cuộc đời này. Tôi không biết nó có thành công hay không, nhưng tôi nghĩ mình đang đi trên một con đường có ý nghĩa”.

Nhưng hơn thế, những gì anh đang làm không chỉ cho riêng mình, mà còn cho cả những người anh đã làm tổn thương. Chưa một lần từ khi anh trở về, 2 cô con gái hỏi anh về những chuyện anh từng trải qua. Nhưng anh biết, cô con gái lớn đang học lớp 9 cũng dần hiểu chuyện. Khi thấy những việc anh đang làm, việc mọi người đọc sách và đón nhận bố, cô bé có vẻ như dần gỡ bỏ được những mặc cảm về người bố tội lỗi.

“Đó cũng là điều làm tôi hạnh phúc nhất” - anh cười nhẹ và nói. 

Anh tâm đắc lời chúc của một người bạn viết cho mình trước ngày ra tù: "Great things come from great pains" (Những điều tuyệt vời tới từ những nỗi đau lớn). Anh đang cố sống tiếp để làm nên những điều tuyệt vời ấy. 

Theo Nguyễn Thảo (Vietnamnet.vn)

 

Nổi bật