Năm nay Koharu 17 tuổi, nhưng cô không tới trường, không dùng điện thoại hay bất cứ mạng xã hội nào. Cô chỉ liên lạc với gia đình bằng thư viết tay và gặp họ 1-2 lần mỗi năm.
Koharu dành hết những ngày tháng ở Kyoto của mình cho các môn nghệ thuật truyền thống đang ngày càng mai một ở Nhật Bản, như cắm hoa, trà đạo, múa truyền thống, thư pháp, hội họa. Và quan trọng nhất trong những thứ cô cần học là nghệ thuật giao tiếp.
Sau giờ học, Koharu sẽ thực hành luôn tại các quán trà đạo ở Kyoto. Bộ kimono của cô quá nặng - khoảng hơn 18kg. Nó được trang trí công phu đến mức cô cần người giúp để mặc được nó lên người. Bộ tóc giả trên đầu quá phức tạp và nặng nề, có thể khiến cô mất ngủ. Chỉ riêng bộ đồ trang trí mái tóc đã có giá lên tới 1.500 USD.
Ngày nay, thế giới biết nhiều đến khái niệm geisha, nhưng ít ai biết rằng geisha vốn dĩ là tên gọi ban đầu, khi mà chỉ có đàn ông làm công việc này. Khi phụ nữ bắt đầu bước chân vào nghề truyền thống này, họ được gọi là geiko, còn các cô gái trẻ mới vào nghề thì được gọi là maiko.
Koharu hiện là một maiko và cô cần rèn luyện khoảng 2 năm để trở thành một geiko. Theo luật pháp Nhật Bản, các cô gái ngày nay phải hoàn thành bậc trung học mới được làm maiko. ‘Ban đầu, bố mẹ tôi không vui, nhưng bây giờ thì họ đã chấp nhận’ – Koharu nói.
Không ai biết chính xác hiện có bao nhiêu geiko ở Nhật Bản nhưng chắc chắn rằng con số này sẽ ít hơn nhiều so với thời kỳ hoàng kim của nó vào khoảng thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20.
Năm 2015, ở Kyoto có khoảng 67 maiko và 177 geiko – theo thông tin từ các quan chức ngành du lịch của thành phố này.
Số lượng geiko có vẻ đang tăng lên, có thể là do một số geiko đang trở thành những ngôi sao truyền hình hoặc ngôi sao quảng cáo trong mắt giới trẻ.
Đám trẻ tuổi ‘teen’ nhìn thấy hình ảnh của họ trên đường đến trường và trở nên say mê với nét văn hóa này.
Sau khi khóa đào tạo geiko kết thúc, các cô gái có thể kiếm được mức lương cao. Ngoài ra, họ còn được tôn trọng về tài năng của mình.
Những con phố phía sau quận Gion nổi tiếng là trung tâm của văn hóa geiko. Nếu đi dạo ở đây, bạn có thể thấy những phụ nữ ăn mặc, trang điểm cầu kỳ, chân đi đôi dép gỗ đúng kiểu geiko.
Koharo biểu diễn ở nhà hàng Shojiro Okuoka nằm ở khu vực này. Thông thường, việc gặp một maiko và xem geiko biểu diễn trong một tiệc trà truyền thống sẽ có mức giá rất đắt đỏ - khoảng 2.000 USD/người và không phải ai cũng vào được đây. Nó chỉ dành cho những người được mời.
Do có người quen dẫn dắt, chúng tôi có cơ hội được xem maiko biểu diễn với mức giá khoảng 150 USD/người với điều kiện nhóm chúng tôi phải có tối thiểu 7 người.
Tại sao những cô gái trẻ trung, hiện đại lại thích bước chân vào một lĩnh vực văn hóa truyền thống cầu kỳ, khắt khe này?
‘Tôi thích mặc kimono’ – Koharu trả lời.
Thứ Hai là ngày nghỉ duy nhất trong tuần của Koharu. ‘Công việc rất vất vả nhưng tôi thấy ổn’ – cô nói và chia sẻ thêm rằng cô mong muốn người phương Tây đánh giá cao hơn môn nghệ thuật này.
Có một nhóm doanh nhân người Nhật ngồi cạnh bàn chúng tôi và họ nói chuyện khá ồn ào, nhưng khi họ nhận ra chúng tôi đã đặt trước một maiko, họ im lặng và rời đi sớm.
‘Sẽ là thô lỗ khi nói chuyện với một geiko hoặc một maiko đã được khách khác đặt trước’ – ông Ted Uneo giải thích.
Geiko xuất hiện cách đây nhiều thế kỷ trước khi người ta tới Kyoto thăm đền Shinto và các ngôi chùa nổi tiếng ở thành phố này. Sau đó, họ ghé thăm các quán trà và uống rượu sake. Các quán trà bắt đầu thuê những cô gái trẻ để mua vui cho khách.
Thời điểm đó, một số bé gái bị ‘bán’ cho các quán trà để làm geiko vì bố mẹ quá nghèo.
Còn ngày nay, có hẳn một hiệp hội geiko ở Nhật Bản mà bạn có thể liên hệ để xin phỏng vấn. Nếu bạn có ngoại hình khá và thái độ phù hợp, bạn có thể được nhận học.
Vậy những cô gái như Koharu có muốn kết hôn và có con không?
‘Sẽ rất buồn nếu phải rời bỏ công việc này’ – cô nói.
‘Ngày nay, công việc này không còn ở giai đoạn thịnh vượng nữa’ – ông Uneo nói. ‘Một số cô gái sẽ suy nghĩ kỹ về những cơ hội mà mình có’.
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)