Khách đi xe ôm không phải mặc cả, thích trả bao nhiêu thì trả. Riêng những người nghèo, bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám, cụ không lấy một đồng.
Dáng ngồi khoan thai kèm nụ cười tươi rói "khuyến mãi", cụ Nguyễn Hữu Địch đội nắng đội mưa chờ khách đi xe ôm. Người nào không biết lại nghĩ ông đang ngồi chơi trước hiên nhà. À mà cũng đúng, ở cái tuổi 76 tuổi, "lão" Địch làm thì ít mà chơi thì nhiều. Cũng bởi một lẽ, ông không coi xe ôm là nghề mà là một niềm vui mỗi ngày.
"Trời thương nên dù gần 80 tuổi tôi vẫn còn đi xe máy được. Chừng nào còn có người dám ngồi sau lưng tôi thì đấy vẫn là hạnh phúc lớn, tôi có cần tiền đâu!". Dứt câu, cụ lại chạy xe ôm miễn phí chở khách nghèo.
Lão già "gàn dở" chuyên nhặt nhạnh từng chiếc mũ bảo hiểm bị vứt đi
Cả xóm, cả phường hay gọi cụ Địch là lão già "gàn dở". Trước người ta thấy cụ lạ lùng, lạ đến nỗi rảnh rỗi đi nhặt những chiếc mũ bảo hiểm cũ về chật nhà chật cửa. Cứ sáng sớm, ngoài việc dành thời gian tập thể dục "củng cố" sức khỏe, cụ Địch kiêm luôn việc nhặt mũ bảo hiểm. Cứ hễ thấy mũ người ta vứt đi mà còn dùng được là cụ xách về nhà. Không phải một lúc mà cụ ông nhặt được cả tá mũ chất đống ngay trên tầng 2 của nhà, mà thực chất cụ đã làm việc này từ lâu.
"Đấy cháu xem, mũ còn tốt chán như này mà người ta vứt đi. Tôi nhặt về lau chùi, cái nào cần thì phải sửa sang lại rồi gom góp mang về quê tặng cho học sinh nghèo. Các cháu đi học, rồi chăn trâu, kiếm củi, đội mũ bảo hiểm vào cũng an toàn hơn".
Cụ Địch mang gốc gác người Thạch Hà - Hà Tĩnh nhưng gia đình đã 4 đời gắn bó với Hà Nội. Một năm cụ về quê 1, 2 lần đúng dịp lễ Tết rồi tranh thủ mang quà về cho lũ nhỏ. Những lúc bận bịu, cụ gửi xe khách từng thùng mũ bảo hiểm rồi nhờ người thân ở Hà Tĩnh nhận hộ mang đi phân phát.
Ngoài "tập hợp" những chiếc mũ, cụ Địch còn có sở thích nhặt cầu lông và bóng tennis cho mấy đứa nhỏ trong xóm. Chiều chiều, cả lũ lại đi qua cửa nhà cụ rồi í ới: "Ông ơi cho cháu quả cầu".
"Còn gì sung sướng hơn khi nghe các cháu gọi mình như thế! Mấy thứ đồ bỏ đi này chẳng đáng giá là bao nhưng quan trọng là cái tình cái nghĩa".
Nhiều người mỗi khi đi ngang chỗ "đại bản doanh" nơi cụ Địch ngồi đợi khách thường hay thắc mắc về cái cây cổ thụ bên cạnh. Chả hiểu sao trên cây "đính" toàn mũ bảo hiểm. Vẫn là những chiếc mũ cụ hay nhặt nhạnh nhưng chúng bị vỡ tan tành, mỗi chiếc hỏng hóc một kiểu.
"Đó là 'nghĩa địa' mũ để cảnh giác cho mọi người là những cái mũ này phải vứt đi, không đảm bảo chất lượng mỗi khi sử dụng".
Những cuốc xe ôm miễn phí cho người nghèo
Nhà cụ Địch không nghèo đến nỗi cụ phải chạy xe ôm hay vợ phải bán nước đầu đường như mọi người vẫn thấy. Ngược lại, mỗi tháng vợ chồng cụ vẫn có lương hưu, cộng thêm khoản tiền cho thuê nhà cũng đủ chi tiêu cho cuộc sống khấm khá hơn hẳn nhiều nhà khác. Có người ở phố, ở phường vẫn hay "lắm lời" mỗi khi thấy cụ chạy xe ôm: "Xời, cái ông này làm gì nghèo đến mức phải chạy xe ôm đâu!".
"Đấy là việc của người ta, còn mình làm theo tâm của mình. 2 vợ chồng tôi không thiếu tiền nhưng ở cái tuổi này, tôi muốn chọn một cuộc sống có ích, sống để được lao động!".
Khách lên xe của cụ không phải mặc cả, ai thích trả bao nhiêu thì trả. Riêng những người nghèo, những bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám, cụ Địch sẵn sàng chở miễn phí. "Khách bình thường tôi cũng lấy tiền nhưng không đáng là bao, khoản tiền đó dành để làm việc thiện".
Cụ Địch dành hẳn một góc nhà để chứa mũ bảo hiểm, rồi lại "dở hơi" ngồi ngoài đường cảnh tỉnh người ta về chất lượng mũ. Chính là những lúc không chạy xe, cụ cứ ngồi trước hiên nhà ai cần mũ thì cụ cho, ai cần chỉ dẫn gì thì cụ chỉ.
"Không lái xe thì ngồi chơi thôi, ngắm trời ngắm đất cho đầu óc thảnh thơi. Tuổi già rồi cũng chỉ mong có những giây phút nhẹ nhàng như này. Ai đi xe ôm cứ gọi một câu là lên xe!".
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)