Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường

09/01/2018 16:22:36

Tuổi thơ từng khao khát chiếc xe đạp đến trường nhưng chẳng có, anh Thái quyết tâm "hồi sinh" những chiếc xe đạp cũ, tặng học trò nghèo để đỡ gánh lo toan.

Tìm đến tiệm sửa xe của anh Lê Văn Thái (43 tuổi) trên đường Hồng Lạc (quận Tân Bình) đúng lúc anh đang bận rộn với từng con ốc vít, cái ruột xe, từng cây cờ-lê sửa xe cho khách. Thoạt nhìn, tiệm sửa xe của anh chẳng khác gì với những tiệm sửa xe bình thường khác trên con đường này: ngổn ngang xe trước cửa, sàn nhà để dụng cụ la liệt, dầu nhớt dính chặt, đen kịt.

Thế nhưng, ít ai biết, người đàn ông chủ tiệm sửa xe này lại có tấm lòng nhân hậu vô ngần khi hơn hai chục năm nay vẫn cần mẫn sửa từng chiếc xe đạp cũ, tặng học trò nghèo, chỉ mong đỡ bớt gánh nặng của các em trên bước đường đi tìm con chữ.

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường
Anh Lê Văn Thái - người đàn ông sửa xe đạp cũ tặng miễn phí cho học trò nghèo gần 20 năm nay

Giấu gia đình sửa xe tặng các em chỉ vì: “Sợ bị nói mình còn nghèo, còn khổ mà đòi giúp đỡ ai”

Cuộc sống khó khăn ở vùng đất Quãng Ngãi đầy nắng và gió khiến anh Thái cùng gia đình quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Biết hoàn cảnh khó khăn, để trụ được nơi thành phố đắt đỏ này, anh quyết tâm học cái nghề để kiếm đồng ra đồng vào.

Được một người anh cho theo học nghề sửa xe máy, anh mừng lắm. “Lúc đó học được cái nghề là mừng hết lớn. Học “thí công” 5 năm trời, cứ ăn cơm nhà rồi ra phụ, người ta cho mình theo học chứ cũng chẳng trả lương hay cho ăn gì”. Chăm chỉ theo học, năm 1997, anh bắt đầu ra nghề, tự bươn chải với cuộc sống.

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường - 1

Rồi anh lập gia đình, lúc đó là năm 2004. Khoảng thời gian đầu cũng lắm khó khăn, phải đi ở trọ tận quận Gò Vấp. Cũng thời gian này, anh bắt đầu sửa chiếc xe đạp cũ đầu tiên tặng một cô bé cùng dãy trọ. Và chính anh cũng không ngờ được đây lại là mở đầu cho rất nhiều chiếc xe đạp đến tay học trò nghèo sau này.

Anh nhớ lại: “Có lần đi qua phòng trọ kế bên mình, nghe con bé nhỏ xíu xin ba mẹ nó mua cho chiếc xe đạp cũ để tự đi học, chứ ba mẹ làm phụ hồ cũng đi suốt, chẳng ai đưa đón, mình mới nói nó là thôi để đó chú mua chiếc xe cũ cũ về sửa lại, chú tặng cho con”.

Lần đầu cô bé nhận được chiếc xe, mừng vui hớn hở bao nhiêu thì anh Thái cũng cảm động bấy nhiêu. “Tay chân không biết sao nổi hết da gà lên. Lúc đó mình cảm động quá mà. Cảm động cho em nó, mà cũng cảm động cho mình vì lần đầu làm được việc có ý nghĩa như vậy", anh bồi hồi.

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường - 2

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường - 3

Cũng từ giây phút ấy, anh Thái nhớ lại tuổi thơ của mình, cũng từng khao khát có một chiếc xe đạp, dù cũ thôi, nhưng được đạp xe đến trường mỗi ngày có lẽ là niềm vui mà bất cứ đứa trẻ nào ở miền quê nghèo đều ao ước.

Gia đình đã không có điều kiện để lo cho bản thân mình được đủ đầy. Anh Thái quyết tâm làm điều gì đó để chia sẻ bớt gánh nặng với các em học trò nghèo như mình, dù cuộc sống của anh cũng chẳng dư dả gì.

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường - 4

Thoạt đầu, anh giấu gia đình không cho ai biết, cứ âm thầm làm một mình chỉ vì sợ người ta nói: “Nhà mình còn khổ, chẳng dư dả gì mà đòi giúp đỡ cho ai".

Nhưng rồi khi xe đạp cũ chất đầy nhà, mọi người khắp nơi kéo đến tặng xe cũ, chia sẻ với anh thì người trong nhà mới vỡ lẽ. May mắn thay, họ đều ủng hộ anh, các con anh đi học được nghe mọi người nói về ba mình đều tự hào, đó cũng chính là điều khiến anh Thái cảm thấy hạnh phúc nhất.

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường - 5

Người đàn ông và những điều mang tên “miễn phí” giữa Sài Gòn

Người đàn ông với đôi bàn tay nhăn nheo, đen kịt vì dầu và nhớt vẫn chật vật với công việc mưu sinh vì 6 miệng ăn trong nhà. Thế nhưng, chưa bao giờ anh thôi canh cánh trong lòng mong muốn được sẻ chia cùng những em học trò nghèo như mình ngày xưa, để con đường đến trường của các em bớt đi phần gian truân.

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường - 6

Mỗi ngày, thu nhập bấp bênh từ việc sửa xe máy khoảng 300 ngàn đồng, anh lại trích ra vài chục ngàn đề dành mua lại xe đạp cũ. Ban đầu mua từ những người bán ve chai, nhưng giá 1 chiếc xe cũ từ 200.000-250.000 quá mắc nên anh nghĩ ra cách đến thẳng vựa để mua được giá rẻ hơn.

Với mỗi chiếc xe cũ 130.000-150.000 đồng mua từ vựa, anh Thái lại tỉ mẩn xem bộ phận nào còn dùng được thì sửa chữa rồi sơn mới, cái nào hư, anh lại lọ mọ đi kiếm đồ mới mua về thay thế. Tất cả đều từ tiền túi của anh mà có. Cứ thế, hàng trăm chiếc xe đạp được “hồi sinh” và tới tay những học trò nơi miền quê nghèo xa xôi.

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường - 7

Nhờ sự giúp đỡ của Chi hội từ thiện Bình Phú Đông, anh được mượn toàn bộ không gian lầu 1 để cất xe đạp cũ và đưa những chiếc xe của anh đến tận tay các em nhỏ. Có người cùng chung tay giúp sức khiến anh tự tin hơn với lựa chọn của mình.

Hành trình đưa chiếc xe đạp cũ đến tay học trò nghèo đã đi khắp Sài Gòn rồi về đến tận miền Tây: Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu… lại ngược lên Tây Nguyên: Đắk Lắk, Bảo Lộc, Lâm Đồng… Thế nhưng, anh Thái vẫn đau đáu một nỗi lòng rằng miền Trung quê hương mình vẫn chưa thể đến được.

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường - 8

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường - 9
Cả không gian lầu 1 của chi hội từ thiện đều chật xe đạp cũ

Dù đã cố gắng tìm cách vận chuyển, nhưng với chi phí 300.000/chiếc xe đạp gửi về miền Trung thì quả là nan giải với một người sửa xe thu nhập bấp bênh như anh. Bởi vậy, mơ ước về một chuyến hồi hương với bao chiếc xe đạp chắp cánh cho các em đến trường vẫn còn dang dở…

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường - 10

Cuộc sống vẫn còn lắm khó khăn trong tiệm sửa xe vừa là nơi mưu sinh, vừa là chốn đi ra đi vào của gia đình 6 người nhà anh Thái. Nhưng những điều giản dị, đầy tình người mang tên “miễn phí” vẫn luôn hiện hữu tại nơi đây. Ngoài việc tranh thủ thời gian rảnh sửa xe đạp cũ và tặng miễn phí cho học trò, anh còn làm hẳn một bình trà miễn phí để ở vỉa hè, để những người lao động nghèo có chỗ giải khát giữa cái nắng đổ lửa của Sài Gòn.

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường - 11

Hơn 7 năm nay ngày nào anh cũng đặt một bình trà trước cửa tiệm, ai đi qua khát nước cứ tự nhiên vào uống. Hết nước anh lại tự động châm thêm, hôm nào nắng gắt là hết 2 bình nước 20 lít, tất cả đều là tiền bạc và tấm lòng của anh chứ chẳng từ tổ chức nào.

Anh Thái – có thể không phải là người Sài Gòn gốc, nhưng những bình trà miễn phí, hay chiếc xe đạp cũ, có lẽ là thứ để anh trả nợ ân tình với mảnh đất đã cưu mang anh qua ngày đầu bỡ ngỡ này.

Chuyện về người đàn ông chuyên 'hồi sinh' những chiếc xe đạp cũ, nâng bước học trò nghèo đến trường - 12
Bình nước miễn phí của anh Thái "cứu cánh" cho những người lao động nghèo giữa cái nắng Sài Gòn

Vậy đó, chẳng cần đợi đến khi giàu sang, tiền bạc đủ đầy người ta mới giúp đỡ nhau. Từ những việc làm ý nghĩa của anh Thái, giờ đây, nhiều tổ chức, mạnh thường quân vẫn đang chung tay, cùng anh mang những điều tốt đẹp đến vùng đất nghèo xa xôi.

Đến bây giờ, anh cũng chẳng nhớ chính xác mình đã tặng bao nhiêu chiếc xe đạp, chỉ mong rằng, lòng tốt sẽ ngày càng được nhân rộng từ những chiếc xe cũ ấy, để nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn có thể vững bước đến trường.

Theo Hà My (Thethaovanhoa.vn)

Nổi bật